Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chiều ngày 23-8 |
Vội vã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung trong khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin hay quy chế tuyển sinh khiến thí sinh có thể đánh mất cơ hội.
Các trường xét tuyển NV bổ sung từ nay đến ngày 30-10, chia làm nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 20 ngày. Do đó, thí sinh có đủ thời gian để tìm kiếm cho mình một sự lựa chọn chính xác nhất.
Có thể bị “loại trực tiếp”
Mới đây, hai thí sinh Nguyễn Lê Ngọc Tường Vi và Đặng Tiểu Bình nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung vào Trường ĐH Tài chính Marketing ở khối A và A1. Dù chưa đến hạn cuối xét tuyển nhưng hai thí sinh này đã bị loại thẳng bởi hồ sơ không hợp lệ. Tường Vi đăng ký vào ngành không nằm trong danh mục xét tuyển bổ sung của trường là quản trị khách sạn, còn Tiểu Bình nộp hồ sơ xét tuyển với bản sao giấy chứng nhận kết quả thi.
Các năm trước, theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, các trường chấp nhận bản sao giấy chứng nhận kết quả thi, đồng thời xem cơ hội xét tuyển là như nhau đối với thí sinh nộp bản sao và bản chính. Tuy nhiên, năm nay thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên nhưng không trúng tuyển NV1 sẽ được phát 3 giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường để tham gia xét tuyển các NV còn lại. Ngoài ra, trong thông báo của các trường đều yêu cầu thí sinh nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi. Thế nhưng, nhiều thí sinh không nắm rõ quy chế này đã nộp cả bản sao khiến các em bị-loại-trực-tiếp.
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhìn nhận, nhiều thí sinh sau khi trượt NV1 thường có tâm lý nôn nóng đối với việc xét tuyển bổ sung. Thực tế, hồ sơ nộp ngày đầu tiên hay ngày cuối cùng đều có giá trị xét tuyển như nhau. Nộp sớm, thí sinh có thể chưa tìm hiểu kỹ thông tin. Còn nộp trễ, các em sẽ có thêm nhiều thời gian để cân nhắc, so sánh. Ngoài ra, hồ sơ nộp trực tiếp hay qua đường bưu điện cũng đều hợp lệ. Tuy nhiên, nhiều thí sinh và phụ huynh do quá lo lắng đã cất công bắt xe hàng trăm cây số từ các tỉnh đến tận trường để nộp hồ sơ khá vất vả. Theo ThS. Phạm Thái Sơn, để hạn chế tốn kém cũng như đỡ mất công đi lại, thí sinh cần tìm hiểu rõ thông tin, chỉ tiêu, điểm xét tuyển… của từng ngành, từng trường để đăng ký, và hoàn toàn có thể nộp qua đường bưu điện, cho dù đến tận ngày cuối cùng thì hồ sơ vẫn có giá trị.
Được rút hồ sơ chuyển đổi NV
Năm nay, kết quả thi của thí sinh cao, điểm xét tuyển bổ sung vào các ngành tại nhiều trường công tăng đáng kể, nếu không tính toán kỹ, thí sinh có thể vẫn trượt dù ở mức điểm khá cao. Chẳng hạn, với mức điểm 18,5, năm rồi thí sinh đã có thể yên tâm với một suất học tại trường công. Năm nay, nhiều thí sinh đạt mức này vẫn có thể trượt ở NV bổ sung nếu không cân nhắc kỹ lựa chọn.
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) lưu ý, những thí sinh không đậu NV1 có mức điểm trong khoảng 17 đến 19 vẫn còn nhiều lựa chọn ở NV bổ sung. Tuy nhiên, đối với nhóm ngành kinh tế, thí sinh nên chọn những trường ngoài công lập. Nếu có nguyện vọng học tại các trường công thì các nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh thuộc các trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2), ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là nơi thí sinh có thể “đầu quân” vào.
Theo đại diện các trường, thí sinh có cơ hội đậu vào trường công nếu tổng điểm cao hơn mức điểm xét tuyển các ngành tại trường đó từ 2 đến 3 điểm. Những thí sinh có điểm sát sàn nên chấp nhận vào các trường ngoài công lập hoặc trường công tại địa phương. Khi xét tuyển vào các trường địa phương, thí sinh cần lưu ý vùng tuyển của trường. Nếu không thuộc vùng tuyển quy định, thí sinh cũng sẽ bị loại vì hồ sơ không hợp lệ.
Ngoài ra, trong quá trình xét tuyển NV bổ sung, thí sinh được phép rút hồ sơ chuyển đổi NV. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường cập nhật thông tin danh sách thí sinh, lượng hồ sơ xét tuyển NV bổ sung trên website của mình, thí sinh có thể căn cứ vào đây để đối chiếu hoặc thay đổi NV.
Bài, ảnh: Thục Trân
Bình luận (0)