Sự kiện giáo dụcTin tức

Những “bà bầu” không bao giờ đẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Kết quả siêu âm của bệnh viện Từ Dũ đối với thai phụ giả T.M.T

Sáng 28-1, Thanh tra Sở Y tế, bệnh viện Từ Dũ đã có buổi làm việc với Phòng chẩn trị Y học cổ truyền (241 Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận) và Phòng chẩn trị Y học dân tộc Mai Hoa Đường (334 Tân Sơn, Q. Gò Vấp) về việc chẩn đoán những phụ nữ không mang thai thành có thai…
Mang thai 2 năm vẫn chưa sinh
TS. BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2009, bệnh viện tiếp nhận 12 thai phụ giả đến khám thai. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì không ai nghĩ họ không có thai, bởi bụng họ rất to, dáng đi giống bà bầu. Thậm chí có tới 11/12 người khi được hỏi đều cho biết trễ kinh từ lâu rồi. Nhưng khi bác sĩ tiến hành khám thì không nghe tim thai, siêu âm thì không thấy thai nhi… Chúng tôi đã kết luận là không có thai. Khi nghe bác sĩ nói vậy, 2 thai phụ giả đã bật khóc nức nở, 9 thai phụ giả khác nói rằng bác sĩ không biết khám rồi bỏ đi luôn không thèm quay lại bệnh viện. Chỉ có duy nhất 1 thai phụ giả T.M.T. ở huyện Củ Chi, TP.HCM là không bất ngờ. Bởi chị cho biết mình đã mang thai tới hơn 2 năm mà vẫn không sinh con nên bị gia đình, người thân và dư luận dị nghị. Vì vậy mà niềm tin mình có thai trong chị đã giảm sút. Mặc dù trước đó chị đã được nhắc nhở là không được đi khám thai ở bệnh viện, lúc nào sinh thì sinh nhưng chị T.M.T. vẫn quyết định đi bệnh viện để biết rõ thực hư thế nào…”.
Cũng theo bác sĩ Thu Hà, những thai phụ giả này đều trong độ tuổi sinh đẻ từ 26 đến 43 tuổi. Đặc biệt có 3 người đã có một đứa con, nay muốn có đứa thứ hai nên đi cầu. “Cầu được, ước thấy”, hầu hết những phụ nữ đi cầu con đều mang thai. Song, những cái thai này đã không chịu “bể” theo quy luật 9 tháng 10 ngày.
Chị Hảo (tỉnh Tây Ninh) lấy chồng đã 5 năm mà vẫn không có con. Năm 2006 vợ chồng chị lên bệnh viện Từ Dũ khám hiếm muộn. Tại đây các bác sĩ cho biết, nguyên nhân vô sinh là do chồng chị. Cách duy nhất để có con là thụ tinh trong ống nghiệm. Năm 2007, trong lúc hai vợ chồng chị đang “cày” để có được số tiền 60 – 70 triệu đồng chi phí thụ tinh trong ống nghiệm thì mấy người bạn cho biết ở Thủ Đức, TP.HCM có một nơi rất linh chỉ cần cầu là có con ngay. Thế là vợ chồng chị khăn khói lên TP.HCM để cầu con. Sau gần nửa năm đi cầu, tháng 8-2008 chị Hảo đã có thai. Vợ chồng chị và gia đình hai bên nội ngoại ai cũng vui mừng và đếm từng ngày đợi đứa trẻ chào đời. 9 tháng 10 ngày qua đi, rồi 9 tháng 15 ngày rồi 10 tháng, 12 tháng và 18 tháng… nhưng đứa trẻ trong bụng chị vẫn chẳng chịu ra. Lúc đó tất cả mọi người đều nghi ngờ và khuyên chị nên đi bệnh viện nhưng chị cương quyết không đi và vẫn tin rằng mình đang mang thai… Điều phi lý là những đứa em ruột của chị mang thai sau chị đều đã sinh em bé được ba bốn tháng nay.
Lừa gạt trắng trợn
Khích lệ cho niềm tin của những phụ nữ đi cầu con rằng họ đã có thai (dù thực tế là không có) là một số phòng khám y học cổ truyền. Cụ thể là Phòng chẩn trị Y học cổ truyền (241 Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận) và Phòng chẩn trị Y học dân tộc Mai Hoa Đường (334 Tân Sơn, Q. Gò Vấp).
Khi các chị Tr.Th.Th., Ng.M.Ch., Ng.Th.Th. đến Phòng chẩn trị Y học cổ truyền và nói đang đi cầu thai, ngay lập tức chủ phòng khám là lương y Trần Thị Hạnh đã kê toa “dưỡng tâm thai” và bốc thuốc cho các “thai phụ”. Về vấn đề này, bác sĩ Phạm Kim Bình – Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM hỏi: “Là một lương y, theo chị như thế nào là có thai”. Ấp úng một hồi, bà Trần Thị Hạnh rụt rè trả lời: “Theo ông bà xưa nói thì đầu ngực thâm là có thai”. Bác sĩ Bình lại hỏi: “Thế chị có hỏi những người đến khám thai coi họ trễ kinh bao lâu rồi không?”, bà lương y Hạnh im lặng!
Bác sĩ Phạm Hữu Quốc – Thanh tra Sở Y tế cho biết, ngày 2-4-2009, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành thanh tra Phòng chẩn trị Y học cổ truyền của bà Hạnh. Tại đây phát hiện nhiều sai phạm nên đã xử phạt hành chính. Nay phòng khám này lại tiếp tục vi phạm. Nguy hiểm nhất là phòng khám luôn chẩn đoán những người phụ nữ đến khám thai rằng họ có thai dù trên thực tế là không có. Không chỉ dừng lại ở đó, phòng khám này còn kê toa thuốc “dưỡng tâm thai” cho các thai phụ giả. Và thuốc này là do phòng khám tự bào chế và hoàn viên bằng phương pháp thủ công (dùng dược liệu nấu cô lại, hoàn viên). “Phòng khám đã sử dụng dược phẩm chưa được ngành y tế cho phép lưu hành”, bác sĩ Quốc nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hoa Mai – chủ Phòng chẩn trị Y học dân tộc Mai Hoa Đường cũng lợi dụng niềm mong mỏi có con của những phụ nữ hiếm muộn để phán họ đã có thai rồi bán thuốc. Và theo bác sĩ Phạm Kim Bình thì: “Thuốc như sơn đông mãi võ, toàn là tiếng Trung Quốc”.
Trước những sai phạm của hai phòng khám nói trên, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu cả hai phòng khám phải ngưng hoạt động từ ngày 28-1. Ngoài ra, tước chứng chỉ hành nghề vô thời hạn đối với bà Hạnh và bà Mai, tước giấy đủ điều kiện hành nghề vô thời hạn đối với hai phòng chẩn trị này. Song song, tịch thu toàn bộ số thuốc chưa được phép lưu hành để tiêu hủy. Đồng thời đưa một số loại thuốc đem đi kiểm nghiệm các chất nghi ngờ làm cho những phụ nữ đi cầu con uống vào là lên cân và to bụng cũng như có các triệu chứng thai nghén.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)