Tại sao một bộ phận lớn thanh thiếu niên ngày nay không biết kính trên nhường dưới, không biết chào hỏi, cư xử đúng mực, thiếu trung thực và sống ích kỷ? Chuyên đề này thử đi tìm một câu trả lời.
Học sinh Trường tiểu học An Phú 1, huyện Củ Chi, TP.HCM thực hành việc chào hỏi và giới thiệu về mình trước đám đông. Đưa kỹ năng sống vào tất cả các tiết học là chủ trương của trường – Ảnh: Hoàng Hương |
Hội nhập nên không cần “lễ”
“Vào thăm gia đình con trai ở Sài Gòn, tôi thấy cháu mình xa lạ quá. Buổi chiều, thằng cháu đích tôn đi học về, thấy mẹ ra mở cổng, nó liến thoắng “hello mama”, nhảy lên hôn mẹ một cái rồi chạy thẳng vào phòng riêng, mặc kệ ông nội đứng chơ vơ ngay bậc tam cấp. Tôi buồn! Cứ cho là nó không nhớ ông nội (vì mấy năm rồi không gặp) nhưng thấy người lạ, người lớn tuổi trong nhà thì phải chào hỏi chứ. Thêm một nỗi buồn nữa là cháu không thèm quan tâm tại sao tôi lại có mặt trong nhà. Tắm rửa xong, cháu đi thẳng ra phòng khách bật tivi xem phim hoạt hình, không thèm nhìn tôi lấy một cái.
Tôi lại gần, đem quà ông mua từ Hà Nội cho cháu. Nó nhìn tôi xa lạ rồi nói một câu nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt khiến tôi không hiểu, phải cầu cứu đến con dâu. Con dâu tôi giải thích do thằng cháu học trường quốc tế nên hạn chế dùng tiếng Việt mà chỉ dùng tiếng Anh. Trường quốc tế dạy theo kiểu Tây để các cháu sau này hội nhập với thế giới nên cháu không biết chuyện thưa gửi” – tâm sự của bác N.V.Hùng không phải là trường hợp ngoại lệ khi nhiều trường học hiện nay đã quên dạy cho học trò chữ “lễ”.
Chị Nguyễn Thu Hương (nhà ở Q.7, TP.HCM) kể rằng chị đã xin chuyển trường cho con vì đi học cháu quên hết lễ nghĩa: “Vợ chồng tôi đều đã có thời gian đi tu nghiệp ở châu Âu nên việc dạy con rất thoáng. Thoáng nên mới cho bé đi học ở trường quốc tế để cháu được giáo dục tính tự lập, sự sáng tạo và có cơ hội phát huy hết năng khiếu của mình. Không ngờ mới hết lớp 1, tôi thấy bé thay đổi hẳn, không biết “trên dưới” là gì. Bé nói chuyện với người lớn cứ như bạn đồng trang lứa, không “dạ – thưa” mà cũng không biết nhún nhường. Trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh bé luôn thể hiện mình là trung tâm, mình hiểu biết hơn người khác. Đặc biệt, tôi phát hiện ở bé một tính xấu: cái gì cũng nghĩ đến mình trước tiên, sau đó mới đến người khác. Ví dụ: tôi gọt một quả xoài, bé sẽ giành ăn hai cái má xoài, còn hai bên hông mới chia cho em gái. Khi tôi phân công việc nhà, bé cũng giành làm việc nhẹ nhàng, còn việc nặng nhọc để phần em gái. Tôi đã góp ý với nhà trường về mục tiêu giáo dục, họ trả lời thẳng là họ dạy cho học sinh quốc tế, học sinh đa văn hóa chứ không phải học sinh Việt Nam”.
Vì chương trình quá nặng?
Chị Quỳnh Như, có con học lớp 8 tại Hà Nội, cho biết: 13 môn học, kể cả môn thể dục cũng phải tính điểm để xét học lực, con đi học, cha mẹ cũng căng thẳng, phấp phỏng. Điểm số của con trở thành mối quan tâm số một. Cũng có lúc thấy giật mình khi xảy ra tình huống bạn con gọi điện đến nhà, không xưng tên, không chào hỏi người lớn, nói năng cộc lốc. Phàn nàn thì con bênh bạn: “Chúng con ai cũng thế, quen rồi”. Nhiều phụ huynh thừa nhận con học đến lớp 7, lớp 8 mà không biết nói cảm ơn, xin lỗi… Trong khi những bài học về cảm ơn, xin lỗi lẽ ra học sinh phải được dạy ở tuổi mầm non, tiểu học.
|
Giáo viên một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP.HCM tâm sự: “Giờ ăn, để ý mới thấy cả lớp đều nhận đồ ăn từ cô bảo mẫu nhưng chỉ duy nhất một em biết nói cảm ơn”. Chương trình nặng, chỉ chú trọng phần “văn” mà bỏ lơ phần “lễ” đang là thực tế đáng buồn ở các trường phổ thông, đặc biệt là những bậc học mở đầu như mầm non, tiểu học.
Cô T.T., giáo viên tiểu học ở TP.HCM, than phiền: “Học trò đọc ra rả thế nào là lễ phép, hiếu thảo, kính trên nhường dưới… nhưng khi ra đường gặp thầy cô không biết chào, trả lời cộc lốc với người lớn. Nhất là những học sinh “VIP”, các em càng ít coi trọng những lời dạy về lễ nghĩa của thầy cô giáo.
Chương trình môn đạo đức còn dàn trải, chưa đi vào thực tế, ít thời gian giúp học sinh cảm thụ được hết ý nghĩa của những bài học trên lớp. Chưa kịp học hết lễ nghĩa trong nhà trường và gia đình thì các em đã phải tìm hiểu về những chuyện xa lạ như Liên Hiệp Quốc, đoàn kết với thiếu nhi quốc tế…”.
Một giáo viên Trường THCS ĐĐ (Hà Nội) cho biết: “Rất khó để kiểm soát và uốn nắn học sinh thời nay. Vì chỉ lo sao cho dạy hết chương trình, đúng yêu cầu đã mệt nhoài. Mà việc giáo dục đạo đức học sinh không thể có tác dụng bằng một vài lời nhắc nhở, mắng mỏ. Nhiều khi biết học sinh có biểu hiện bất thường: trốn học kéo dài, vướng vào tệ nạn, yêu đương sớm… nhưng ngoài nhắc nhở, chỉ có thể liên lạc thông báo cho cha mẹ học sinh, chấm hết”.
GS Phan Đình Diệu – đại diện một trong bốn nhóm tác giả đang đề xuất việc cải cách giáo dục – cho rằng: “Hãy giảm bớt thời lượng kiến thức khoa học và thêm vào chương trình giáo dục ở bậc học dưới những bài học về văn hóa truyền thống, dạy học sinh những bài học về tâm hồn VN, về nhân cách, những kỹ năng ứng xử cần thiết trong một xã hội mới”.
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt
Mỗi thứ hai đầu tuần tại Trường tiểu học Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM), ban giám hiệu trường đều dành 15 phút để sinh hoạt chủ đề cho học sinh. Những kỹ năng như chào khách đến trường, không nói tục chửi bậy, nhặt của rơi trả lại người mất, lễ phép với người lớn tuổi, biết nói xin lỗi, cảm ơn… được thể hiện nhẹ nhàng qua những mẩu chuyện hoặc những bức tranh, ảnh, những bài hát ngộ nghĩnh. Giáo viên thuyết trình và hỏi học sinh về cảm nhận, cách xử lý tình huống của các em.
Nhiều năm nay, nề nếp “kính trên nhường dưới”, thực hiện “Năm điều Bác Hồ dạy”, hiếu thảo, lễ phép… đã đi vào lòng những học sinh lứa tuổi ngây thơ ở trường huyện sống động như thế.
Cô hiệu trưởng Trịnh Thị Kim Liễu thường nhắc giáo viên trong trường làm gương cho học sinh noi theo trong từng cách cư xử, giao tiếp dù là nhỏ nhất. Thầy cô khuyến khích các em viết cảm nhận của mình về “Năm điều Bác Hồ dạy” để các em không thuộc theo kiểu “đọc vẹt” và đưa những bài học cô đọng từ năm điều ấy vào cuộc sống từ nhà đến trường.
Học sinh Lê Thị Thảo lớp 4E viết cảm nhận về điều 4 trong năm điều Bác Hồ dạy như sau: “Nếu chúng ta giữ vệ sinh sạch sẽ thì đỡ cho những bác công nhân ban đêm phải đi quét rác. Nếu chúng ta làm được việc đó sẽ khiến thầy cô và cha mẹ vui lòng. Em hứa sẽ làm tốt việc giữ vệ sinh: ăn quà xong cho vào túi nilông bỏ vào thùng rác, nhắc nhở các bạn giữ vệ sinh. Tuy em còn chưa hăng hái lắm nhưng sẽ cố gắng hơn!”.
Mỗi tháng, Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) có hai tiết học dành để dạy về giá trị sống, kỹ năng sống, nội dung tùy thuộc vào đối tượng học sinh. Tiết học này không có trong chương trình giáo dục bắt buộc nhưng là yêu cầu cần thiết đối với môi trường giáo dục đặc biệt ở đây.
Cô Trần Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm cả lớp 10 và lớp 12, cho biết: “Tôi sử dụng các tiết học đó để khám phá những phần im lặng trong mỗi học sinh. Qua tiết học, không chỉ học sinh thu nhận được điều gì đó về giá trị sống mà giáo viên chủ nhiệm cũng có một bài học, cũng biết thêm về những điều mới từ chính các em”.
Trong tiết học về giá trị của hòa bình, cô Hằng chia nhóm học sinh cho các em vẽ “bản đồ tâm trí”. Trên đó, các em vẽ những dòng sông chia làm nhiều nhánh nhỏ, những nhánh sông hiền hòa, thể hiện sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn con người. Hoặc những bông hoa, cánh hoa có màu sắc tươi sáng thể hiện niềm vui, sự ấm áp của cuộc sống hòa bình, hay cánh hoa héo úa, ủ dột thể hiện sự mệt mỏi, buồn bã của cuộc sống bất ổn. Ngôi nhà xiêu vẹo tượng trưng cho cuộc sống gia đình luôn bất hòa, tiềm ẩn những bi kịch… Trên những “bản đồ tâm trí”, các em thể hiện suy nghĩ, mong muốn về một cuộc sống bình yên.
Em H., một học sinh lớp 10 của cô Hằng, viết: “Một lớp học có không khí vui vẻ thì cô giáo phải là người biết tha thứ, chia sẻ với học sinh”. Một em khác viết trên “bản đồ tâm trí”: “Em muốn một ngôi nhà ấm áp, ở đó bố em bớt tính gia trưởng, độc đoán, cha mẹ tôn trọng con cái hơn”…
Đừng để lễ nghĩa trở thành… thứ xa xỉ
Tôi thường bắt đầu năm học bằng việc thỏa thuận cùng học sinh một số vấn đề để định hướng học tập và tìm kiếm sự hợp tác.
Trong đó, tôi nói với các em rằng: “Cô có thể tha thứ các em những lỗi rất lớn nếu nó xảy ra một phần vì lý do khách quan. Nhưng những hành vi rất nhỏ như ra vào lớp không xin phép, đưa và lấy sách vở từ cô bằng một tay, lên bảng đi dép kêu to, mượn và trả đồ không cảm ơn… cô sẽ phạt”. Mặc dù học lớp 12 nhưng nhiều em chưa có thói quen này.
Và như đã nói, tôi yêu cầu các em thực hiện. Tôi trả tập và đề nghị các em nhận bằng hai tay, xuống chỗ ngồi và đi lên bảng mà không để giày dép phát ra âm thanh, xin phép cô khi ra khỏi phòng và vào lớp. Sau một tháng, mọi việc trở thành thói quen, Nhưng thỉnh thoảng vẫn có em quên. Lúc này tôi không nói, chỉ nhìn em. Lớp đọc được ngôn ngữ từ cơ thể cô và nhắc bạn. Thế là em tự điều chỉnh hành vi.
Chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại, ở đó các giá trị chỉ được định lượng trên cơ sở hữu hình nên lễ nghĩa trở thành thứ “xa xỉ phẩm”. Mất nó, trước mắt ta không nhận ra. Nhưng sự hủy hoại về nhân phẩm về lâu dài thì không thể lường hết. Tôi chỉ biết nói với các em: “Người ta sẽ chẳng làm được điều gì lớn lao nếu không bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt”.
DƯƠNG THU TRANG
(giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM) |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)