Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi “Giải quyết tình huống giáo dục” lần XI: Tài năng và bản lĩnh: đâu là mấu chốt?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thật khó để đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về một hiệu trưởng gương mẫu. Nhưng vượt lên trên tất cả những quy định mang tính chất hành chính là cái tâm của người hiệu trưởng.
Vị hiệu trưởng A: Tôi tài năng!
Nhìn qua phong cách làm việc của vị hiệu trưởng này, tôi phải thừa nhận rằng ông là một hiệu trưởng tài năng, năng động. Có tài năng nên mỗi khi có ông thì mọi việc đâu vào đấy. Chúng ta cần lắm một vị hiệu trưởng nhiệt tình xăng xái như thế. Nhưng tiếc thay ông đã bộc lộ cái tài năng, cái nhiệt tình ấy quá mức, đôi khi là chưa đúng chỗ. Ông đã tự đưa mình về cương vị của những cán bộ cấp dưới, làm những việc vốn không thuộc chức năng của mình. Ông nghĩ gì khi vốn là một giáo viên ngoại ngữ lại thường xuyên dự giờ, góp ý mọi bộ môn? Ông đang thể hiện năng lực hay đang bộc lộ sự yếu kém của bản thân? Ông muốn chứng tỏ tầm quan trọng của bản thân nên đã vô tình “chiếm” việc của mọi người, quên đi rằng sự thành công của một tập thể không thể chỉ xuất phát từ một cá nhân. Chưa hết, với cách làm việc của ông sẽ dẫn đến thói ỷ lại trong đội ngũ cán bộ. Nếu ai cũng có lối suy nghĩ “việc ấy đã có hiệu trưởng lo” thì khó mà phát triển được một tập thể sư phạm tốt và vững mạnh. Nên chăng, ông dành khoảng thời gian “làm những việc không phải của mình” để hướng dẫn, động viên, lắng nghe và tạo mọi điều kiện để giáo viên hoàn thành công việc thì nhất định ông sẽ thành công trong vai trò là nhạc trưởng của một giàn giao hưởng.
Vị hiệu trưởng B: Tôi bản lĩnh!
Nếu cách làm việc theo lối ôm đồm ở trên chưa mang lại hiệu quả thì phong cách của hiệu trưởng B cũng có nhiều điều để bàn luận. Điều tiến bộ duy nhất của ông là biết làm việc theo kế hoạch, phân công công việc rõ ràng. Nếu ông A làm khổ mình bao nhiêu thì ông B lại tự “giải phóng” mình bấy nhiêu. Ông giao phó mọi việc cho đội ngũ cấp dưới rồi chờ nghe báo cáo mà quên mất công tác đôn đốc, kiểm tra – vốn là bản chất của người hiệu trưởng. Từ đó, ta có thể dễ dàng thấy rằng với cách làm việc của ông B thì chẳng bao lâu tập thể sư phạm sẽ đi vào lối mòn, trì trệ, thiếu sáng tạo trong mọi hoạt động. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ còn cần lắm sự quan tâm, động viên và ghi nhận của hiệu trưởng về sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của từng cá nhân. Thêm một chi tiết góp phần “làm xấu” hình tượng của ông trước toàn trường “Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy, rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình, ông mới thủng thẳng bước ra phía lễ đài trong tràng pháo tay giòn giã của cả trường”. Ông đã vô tình quên mất vai trò gương mẫu của mình, lẽ ra ông là người đến sớm nhất nhưng hóa ra ông lại là người trễ nhất. Có lẽ vì nguyên nhân ấy mà không ít người chê bai cách quản lý của ông quan liêu, thiếu sâu sát là không sai chút nào.
Tôi thiết nghĩ, ông B cần xích lại gần hơn với mọi người, cần nhạy bén trong công tác đôn đốc, kiểm tra, thấu hiểu nhân viên thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
Với chủ đề năm học 2009-2010 “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, vai trò của người hiệu trưởng càng được chú trọng nhiều hơn. Một người hiệu trưởng gương mẫu sẽ biết tự tìm cho mình cách làm việc hợp tình hợp lí để không rơi vào tình thế lúng túng trong công tác. Tôi xin được trích phát biểu của tiến sĩ Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM để làm rõ nhận định này: Người hiệu trưởng biết làm việc là người ý thức rằng lao động của họ hoàn toàn khác lao động của một giáo viên”.
Ngô Thành Nam
(Trường Quốc tế Singapore)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)