Trong cuộc sống hàng ngày, không hiếm hiện tượng các bậc cha mẹ, thậm chí ngay cả các thầy cô giáo phạm sai lầm trong phương pháp giáo dục con trẻ. Có những sơ suất tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng, khiến cho các em không có được sự phát triển tốt về thể chất cũng như tâm lý, thậm chí còn bị méo mó về nhân cách. Vướng mắc nằm ở chỗ, chính các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh đã không nhận ra rằng, mình đang phạm sai lầm…
Khi được nghỉ học là… phần thưởng
Rất lo lắng khi con trai út của mình ngày càng biếng ăn, chị A. (Q. Gò Vấp, TP. HCM) cố gắng tìm cách để khắc phục “sự cố” này. Biết con cũng không “ưa” gì chuyện đi học, mỗi lần muốn dụ bé T. ăn, chị lại hù dọa “Nếu không ăn thì ngồi lên xe, mẹ chở đi học”. Bé T. đang trong giai đoạn chập chững bước vào lớp một, không thể phân biệt ngày nào là ngày học hay ngày nghỉ trong “thời khóa biểu” của mình, vì vậy, “đòn tâm lý” của chị A. tỏ ra hiệu quả mọi lúc mọi nơi và được chị “sử dụng” liên tục. Gặp khi trời mưa, việc buôn bán ế ẩm, chị A. thường nghỉ bán ở nhà và “lệnh” cho bé T. nghỉ học. “Hôm nay cho con ở nhà chơi với mẹ. Nhưng con nhớ phải ngoan ngoãn và ăn uống đàng hoàng nghe chưa. Nếu không vâng lời là mẹ lại chở đi học đấy”. Dần dà, bé T. coi những buổi được nghỉ học như là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng của mình trong việc ăn uống. Và điều mà chị A. không ngờ là chính vì nghỉ học quá nhiều mà bé T. bị “hổng kiến thức” trầm trọng khiến bé ngày càng chán nản trong việc học. Bây giờ, chị A. vô cùng ân hận vì con dứt khoát đòi nghỉ học hẳn khi năm học bắt đầu chưa lâu. Đến tận lớp học để trao đổi với cô giáo của T. chị mới nhận ra, chính mình đã cấy vào đầu óc non nớt của con cái suy nghĩ không đúng về việc học hành.
Tình cảm tỷ lệ thuận với tiền bạc (?!)
Không bị các bạn trong lớp “nghỉ chơi” như bé T., bé L. – cô con gái duy nhất của chị N. (Q.4, TP.HCM) lại gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận kiến thức ở trường lớp vì quá mê chơi điện tử. Chỉ mới lên 7 tuổi nhưng L. lại rất rành các phần mềm trò chơi trên máy vi tính. L. chơi đến mức quên ăn quên ngủ, chuyện “cúp” bữa ăn sáng để dành tiền chơi điện tử được L. “thực hiện” một cách thường xuyên. Vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị N. xác định không đẻ thêm đứa con nào khác ngoài L., cũng vì vậy mà L. được bố mẹ cưng chiều hết mực. Số tiền cho L. chơi điện tử cứ “lớn” dần theo độ tuổi của L. Nếu trước đây mỗi ngày vợ chồng chị chỉ cần cho con hai ngàn thì bây giờ ít nhất phải là 10 ngàn con bé mới vừa ý. Chồng đi phụ hồ, vợ bán vé số, lại nợ nần chồng chất, vợ chồng chị N. thường phải nhịn ăn sáng để có tiền lo cho con. Cũng chính vì vậy, hễ có ai là bà con dòng họ đến nhà chơi, vợ chồng chị thường “xi nhan” cho con… xin tiền chơi điện tử. Ít ai nỡ từ chối con bé một vài ngàn lẻ. Lâu dần thành quen, sau này bố mẹ khỏi cần phải ra hiệu, hễ có ai thân quen đến nhà là con bé… ngửa bàn tay nhỏ xíu của nó ra. Không chỉ học hành chểnh mảng, bé L. còn phải chịu nhiều ánh mắt thiếu thiện cảm của người lớn ngay từ khi nó còn là một đứa trẻ…
Khi nhà sư phạm… phạm lỗi
Không chỉ các bậc cha mẹ mà ngay cả các thầy cô giáo – những người được đào tạo hẳn hoi về nghiệp vụ sư phạm – đôi khi vẫn phạm sai lầm trong cách giáo dục trẻ. Mới ra trường, đầy nhiệt huyết với nghề, cô giáo M. hạ quyết tâm sẽ bằng mọi cách để đưa học trò lớp mình chủ nhiệm vào “khuôn khổ”. Năm học bắt đầu chưa lâu, đám học trò của cô đã “phát hoảng” khi cô M. kích thích tinh thần học tập của các em bằng một “chiêu” rất “độc”, đó là mỗi khi cô đặt ra câu hỏi thì cô sẽ kiểm tra bất cứ ai trong lớp dù học sinh đó có giơ tay hay không. Nếu bạn nào không chịu giơ tay mà khi cô gọi đứng lên vẫn trả lời đúng câu hỏi vẫn bị… 1 điểm như thường, lý do là “không có tinh thần phát biểu”. Những bạn có giơ tay, nếu không có câu trả lời chính xác cũng… 1 điểm. Vẫn còn ở cấp tiểu học, những học trò non nớt của cô M. thực sự bối rối, không biết phải làm thế nào để được “yên thân” mỗi khi vào giờ học của cô. Chính điều này làm các em mất tập trung trong việc học, và hậu quả nặng nề nhất mà cô M. không ngờ tới, là các em không chỉ sợ mà còn rất “ghét” cô…
Nếu biết rằng mình đang “hại” trẻ bằng chính phương pháp giáo dục thiếu khoa học của mình, chắc hẳn không ai lại tiếc thời gian, công sức cho việc trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết cho bản thân. Có đủ vốn tri thức để có khả năng tự “nhận diện” những thiếu sót của mình, các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ sẽ có được một hệ thống phương pháp giáo dục trẻ đúng đắn, hiệu quả, giúp các em hoàn thiện về nhân cách để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Hương Lài
Bình luận (0)