Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Biến áp lực thi cử thành động lực

Tạp Chí Giáo Dục

Áp lực học tập, thi cử đang đè nặng lên vai các sĩ tử. Vậy làm thế nào để biến áp lực thành động cơ tích cực, để đạt được điểm số cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới?

Ngọc Tú – Học sinh trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) chia sẻ: Bố mẹ rất kỳ vọng vào mình. Đến cơ quan, bố mẹ luôn khoe với đồng nghiệp rằng “con gái đỗ đại học là lẽ đương nhiên”. Chính sự tin tưởng này của bố mẹ làm Tú thấy lo lắng. “Mình sợ sẽ làm bố mẹ thất vọng nếu thi trượt”.

Cùng chung cảnh phải chịu áp lực từ gia đình, Xuân Thịnh (trường THPT Ứng Hòa A, Hà Tây) tâm sự, “nếu thi trượt đại học chắc bố mẹ mình phải chuyển trường dạy vì xấu hổ mất. Bố mẹ vẫn bảo là giáo viên mà con trượt đại học thì xấu hổ lắm”. Áp lực đó làm Thịnh rất căng thẳng và mất tự tin, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thịnh đạt điểm khá cao: 53 điểm.

Không chỉ lo lắng vì sự quá kỳ vọng từ phía gia đình, nhiều sĩ tử còn bị đè nặng tâm lý “không hoàn thành nhiệm vụ” mà thầy cô, bạn bè giao phó. Nếu thất bại, mình sẽ phụ công ơn của thầy cô, quay lưng lại với sự nhiệt tình, niềm tin của thầy cô gửi gắm.

“Cô rất tận tâm với mình. Dù bận công việc rồi gia đình, nhưng cô luôn tìm sách hay, tài liệu quý cho mình học. Cô nói cô như người lái đò, mong mỗi lần chở khách qua sông an toàn, không ai bị rớt xuống nước, nhất là những người cô yêu quý. Chính những câu nói và sự ân cần của cô khiến tôi như chịu một núi đá trên lưng” – Hằng (trường THPT Mỹ Đức A, Hà Tây) tâm sự.

Nhưng tất cả đâu chỉ có vậy. Còn những áp lực từ bè bạn, bản thân chi phối học sinh trong quãng thời gian cận ngày thi cử. Năm trước, nhóm 4 bạn thân của Liên có đến 3 người đỗ, chỉ có mình Liên không may “trật bánh” trên con đường hướng tới cổng trường đại học. Liên rất buồn, không muốn gặp ai, chỉ lủi thủi ở nhà. Liên thầm nhủ: “Mình sẽ cố gắng thi đỗ có thể tự tin gặp và trò chuyện với các bạn”.

Còn với Yến (học sinh trường THPT Trần Đăng Ninh, Hà Tây), thì giai đoạn này thật căng thẳng vì những áp lực đến từ chính bản thân. “Trong giấc ngủ, tớ rất hay giật mình và mơ thấy khi đi thi quên giấy tờ, sáng thi Toán nhưng lại làm Văn, hoặc không nhớ một chút kiến thức nào về môn học” – Yến lo lắng.

Biến áp lực thành động lực

Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà khuyên: Thí sinh nên làm bài theo mức độ từ dễ đến khó. Đừng hoảng sợ vì những câu nắm chưa chắc hoặc hiện tại không nhớ vì bạn sẽ rơi vào tình trạng bối rối. Hãy cố gắng trút bỏ mọi lo lắng để bình tĩnh làm bài.

Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho rằng, yếu tố tâm lý góp phần quan trọng, thậm chí quyết định đối với chất lượng ôn thi và kết quả thi. Vì thế, trước ngày thi, thí sinh nên tránh căng thẳng, lo lắng.

Trên cơ sở đó, Thạc sĩ Hà đưa ra một số lời khuyên cho các sĩ tử để ôn và thi hiệu quả:

– Để có một tâm lý thoải mái, trước hết phải sắp xếp kế hoạch ôn tập một cách chi tiết, cụ thể và hợp lý. Học sinh nên đặt ra một chiến lược ôn thi lâu dài, với thời khóa biểu khoa học.

– Không phải thức thâu đêm học là tốt. Nhiều người học theo kiểu nhồi nhét, lấp chỗ trống dễ dẫn đến quá tải. Lúc đó, càng học lại càng… quên.

– Luyện thi theo hình thức cấp tốc là một sai lầm vì nó không giúp thí sinh nắm được kiến thức sâu.

– Một điều rất quan trọng là đừng đánh giá thấp bản thân, vì thiếu tự tin sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ôn và thi. Cách tốt nhất để cải thiện trạng thái tinh thần là làm việc gì đó hay chơi thể thao, xem tivi…

– Không nên tham, học quá ôm đồm, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, cho mắt và não được thư giãn.

– Các bạn phải ăn uống đầy đủ, không nên bỏ bữa vì lo lắng hay lý do gì, vì “có thực mới vực được đạo”.

– Bản thân mỗi thí sinh cần phải xác định rằng, khi thi cử, đỗ – trượt là điều hết sức bình thường trong cuộc sống. Còn có rất nhiều cánh cửa khác ngoài đại học để bước vào đời.

– Đối với phụ huynh: Trong “cuộc chiến” đầy căng thẳng này, bố mẹ phải là người tư vấn, hướng nghiệp cho con, đồng thời, tạo động lực thay vì áp lực đối với chuyện thi cử của con cái. Bố mẹ chỉ nên là người định hướng, tư vấn nghề nghiệp, còn quyết định nên để con cái.

Theo Tiền Phong

Bình luận (0)