Có thể nói, vụ hỗn chiến là một ví dụ điển hình cho việc một bộ phận thanh thiếu niên học sinh Hà Nội hiện nay sử dụng cách hành xử theo kiểu giang hồ với những mâu thuẫn trong sinh hoạt, bạn bè.
Bạo lực học đường
Khoảng 14h ngày 15 – 9 – 2008, những ai vô tình hay hữu ý có mặt tại trường THPT Hai Bà Trưng (Quỳnh Lôi, Hai Bà trưng, Hà Nội) chắc phải choáng váng khi chứng kiến màn rượt đuổi, đâm chém nhau bằng dao tông hơn cả trong xine. 2 học sinh mặt búng ra sữa, tay lăm lăm 2 con dao tông sáng loáng xông vào chém 6 học sinh lớn tuổi hơn. Kết quả là 4/6 học sinh bị thương. Sau khi gây thương tích cho mấy “anh lớn”, 2 học sinh đuổi theo không kịp bèn trở vào lớp định… học tiếp. Bảo vệ trường đã lập tức giữ hai học sinh kia để giao cho Cơ quan Công an quản lý, 4 học sinh bị thương nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.
Qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, công an phường Quỳnh Lôi đã xác định được các đối tượng gây ra màn đâm chém rợn người cũng như bước đầu tìm ra nguyên nhân của vụ việc. 2 học sinh cầm dao là Nguyễn Xuân Bách, học sinh lớp 10A8 và Phạm Đức Tâm, học sinh lớp 10A6, đều là học sinh của trường THPT Hai Bà Trưng. Tối 13 – 9 – 2008, Bách lên mạng lên mạng và thấy nickname của Th (bạn Bách) đang “sáng”. Bách gọi Th để rủ bạn đi chơi trung thu vào tối hôm sau (14 – 9). Không ngờ người đang chat không phải là Th mà là Phạm Quang Anh (học sinh lớp 11A11, cũng là bạn của Th và học cùng trường, trên Bách một lớp).
Sau khi phát hiện ra người đang chat với mình không phải là Th, Bách liền chửi nhau với Quang Anh và hẹn đến chiều ngày 15 – 9 sẽ gặp nhau ở trường “nói chuyện”.
Chiều ngày 14 – 9, Bách kể lại chuyện muốn “offline” với hội của Quang Anh với Tâm và đề nghị tâm hỗ trợ để giải quyết vụ việc. Tâm đồng ý. Sáng ngày 15 – 9, Bách đi mua hai con dao tông to bản dài chừng 50cm để chuẩn bị cuộc chiến. Vì sợ phụ huynh biết, Bách cho 2 con dao vào balô rồi mang đến trường, đưa cho Tâm giữ.
Về phía Quang Anh, sau buổi nói chuyện với Bách trên mạng đã kể lại với Trương Tuấn Anh học sinh lớp 11A9 trường THPT Hai Bà Trưng. Mặc dầu không biết Bách “đầu Ngô mình Sở” thế nào song Tuấn Anh vẫn nhận lời “xử đẹp” Bách.
Chiều ngày 15 – 9, khi vừa học xong tiết một, Trương Tuấn Anh kể lại cho Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Minh Công, Ngô Trường Giang, Lê Quốc Cường, Nguyễn Thiều Minh (cùng là học sinh khối 11) về chuyện giữa Quang Anh và Bách. Cả hội rồng rắn đi tìm Bách để nói chuyện.
Trên đường sang lớp Bách, Tuấn Anh gặp một học sinh lớp 10A9 và được chỉ lớp 10A8 để tìm Bách. Khi Bách vừa thò đầu ra khỏi lớp, Nguyễn Mạnh Tùng bốp ngay: “mày có phải là Bách không? Mày định cầm trịch trường này à?”. Bách đáp: “Không, em có nói thế bao giờ?”. Tùng nói tiếp: “Sao tao nghe bọn nó nói thế?”. Phạm Đức Tâm đã thủ sẵn con dao trong quần, nghe Tùng nói vậy liền chạy ra: “Nó nói thế thì sao?” rồi rút dao chém đầu Tùng. Cùng lúc, Bách cũng vung dao chém Lê Quốc Cường. Bách và Tâm đuổi chém cho hội Quang Anh “chạy mất dép” mới thôi.
Có thể nói, vụ hỗn chiến là một ví dụ điển hình cho việc một bộ phận thanh thiếu niên học sinh Hà Nội hiện nay sử dụng cách hành xử theo kiểu giang hồ với những mâu thuẫn trong sinh hoạt, bạn bè.
Khoảng 22h ngày 20 – 3 – 2008, khi anh Phạm Thanh Tuấn chủ hàng nước ở khu vự ngã ba Ngô Tất tố – Văn Miếu đang ngồi với bạn là Lê Quang Long và hai người nữa thì một nhóm 8 thanh thiếu niên đi 4 xe máy tới. Không nói không rằng, 4 tên ngồi sau chém tới tấp vào những người có mặt. Anh Tuần bị chém vào sau lưng, anh Long bị chém vào tay và chân phải, cố bỏ chạy, nhưng nhóm côn đồ tiếp tục chém tanh bành cửa hàng bán nước của các anh.
Công anh phường Văn Miếu đã tổ chức lực lượng xuống địa bàn nắm tình hình và thu thập lời khai nhân chứng. Đến ngày 27 – 3, lần lượt 7 đối tượng tham gia chém người đêm 20 – 3 được làm rõ và triệu tập lên Công an phường Văn Miếu. Đó là Lê Đức Anh, 16 tuổi, Nguyễn Minh Hải, 16 tuổi; Nguyễn Hải Anh, 17 tuổi; Tô Vũ Hiệp, 16 tuổi; Nguyễn Sơn Tùng, 16 tuổi; Hà Tuấn Anh, 16 tuổi; Đặng Tài Nam, 16 tuổi; Lương Thái Sơn, 17 tuổi. Trong số đó, có 2 đối tượng đã bỏ học còn lại đang là học sinh.
Tại cơ quan Công an, chúng khai nhận tối 20 – 3, cả bọn tập trung tại đài phun nước ở Bờ Hồ, sau đó vòng xe về khu vực phường Văn Miếu, nơi có trường học trước đây của Đức Anh để tìm những kẻ bắt nạt cậu ta. Ngang qua quán nước của anh Tuấn, Đức Anh nhận ra đây là người năm ngoái đã có lần bắt nạt mình ở cổng trường nên báo cho đồng bọn. Cả nhóm ra cổng trường THCS Lý Thường Kiệt phát dao và quay lại chém nhóm của anh Tuấn theo đúng kiểu “xã hội đen” trả thù mà chúng hay xem trong phim ảnh hành động.
Chỉ vì những mâu thuẫn dường như khá đơn giản trong cuộc sống mà những học sinh này đã thẳng tay xử lý nhau. Đơn cử như ngày 20 – 2 – 2008, Phạm Ngọc Vũ (học sinh lớp 12 trường THPT Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) đã bị một nhóm thanh niên chém chết. Nguyên nhân là do Phạm Ngọc Vũ tranh giành chỗ ngồi tại sân trường và có mâu thuẫn với Lưu Danh Thắng (bạn cùng trường) vào ngày 18 – 2. Thắng đã về nhà thuê “đầu gấu” đến xử bạn mình và gây ra cái chết thương tâm cho Vũ.
Có dịp được “phỏng vấn” một số học sinh đã từng dùng dao để giải quyết mâu thuẫn, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước lối hành xử đấy chất côn đồ, hung hãn của các đối tượng này. Hỏi: “Tại sao em lại dùng dao để chém bạn?” “Em không chém nó thì nó cũng chém em!”. Và với vẻ tỉnh bơ, cậu này cho biết thêm mỗi buổi tối khi đi chơi, cậu thường phải “găm” dao trong cốp xe, hoặc trong túi quần để “chủ động” nghênh chiến khi có biến.
Ở nhà thì ngoan, đến trường mới hư
Viện nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam vừa đưa ra những con số “giật mình” về những biểu hiện lệch lạc trong giới học sinh. Theo tài liệu từ cuộc khảo sát mới nhất, tỉ lệ học sinh đi học muộn: bậc tiểu học 20%, bậc THCS 21%, THPT 58%; tỉ lệ quay cop lần lượt là: 8%, 55%, 64%; tủ lệ không chấp hành luật lệ ATGT: 4%, 35%, 70%.
Còn tại cuộc điều tra, khảo sát tại 30 trường đại học, CĐ trong cả nước do Vụ văn hóa – Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Vụ Công tác học sinh – sinh viên (bộ GD – ĐT) năm 2007 đã đưa ra một con số rất đáng suy nghĩ 51,4% sinh viên cho rằng sống thử trước hôn nhân là hiện tượng khá phổ biến và cho là “bình thường”.
Điều đáng báo động hơn là tỉ lệ phạm tội của người trẻ cũng ngày một tăng cao. Theo thống kê con số của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hẳn phải khiến nhiều người giật mình. Năm 1986, có 3.607 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện thì đến năm 1996 con số này là 11.726 người. Trung bình mỗi năm, trên cả nước có 4.746 ngươi chưa thành niên phạm tội bị phát hiện. Sự gia tăng đột biến của tệ nạn ma túy học đường ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối. Nếu như năm 2004, chỉ có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy thì đến năm 2007, con số này đã tăng lên 1.234 học sinh, sinh viên.
Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay đã xảy ra 79 vụ trộm cắp, cướp và cưỡng đoạt tài sản. Có tới 181 đối tượng gây ra các vụ án trên là trẻ chưa thành niên. Nhiều đối tượng gây án trong các ổ nhóm tội phạm khi bị cơ quan Công an điều tra bắt giữ đều 18 tuổi. Có ổ nhóm tội phạm mà đối tượng phạm tội là các học sinh nữ, bỏ nhà sống lang thang rồi câu kết với một số nhóm lưu manh, thông qua internet chúng làm quen với những người đàn ông để tìm cơ hội cưỡng đoạt tài sản.
Trở lại vụ chém nhau trong khuôn viên trường THPT Hai Bà Trưng, đại diện công an phường Quỳnh Lôi cho tôi biết đây là vụ án cố ý gây thương tích có tính chất hết sức nghiệm trọng. Hành vi của Bách và Tâm không phải là bột phát mà có sự chuẩn bị từ trước, đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho nhiều người. Công an phường Quỳnh Lôi đã đề nghị ra lệnh bắt khẩn cấp đồng thời tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Xuân Bách và Phạm Đức Tâm về hành vi cố ý gây thương tích.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến hạnh kiểm, đạo đức của học sinh Nguyễn Xuân Bách, một thầy giáo dạy tại trường THPT Hai Bà Trưng cho biết: Bách được các bạn học đánh giá là hiền lành. Sự việc Bách cầm dao chém các anh lớn ngay trong giờ học là sự việc rất đáng tiếc, khiến nhà trường và các bạn học rất bất ngờ. Hơn nữa, Bách luôn nhận được nhiều sự quan tâm của bố mẹ. Hàng ngày đến trường, Bách đều được bố trực tiếp đưa đón, thậm chí, thường xuyên kiểm tra cặp mỗi khi đến trường.
Như vậy, người ta không khỏi đặt dấu hỏi về công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường? Chương trình giáo dục đạo đức được xuyên suốt từ lớn đến bé. Bậc mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc tiểu học là môn đạo đức, bậc trung học là mồn Giáo dục công dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, chương trình SGK quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách học sinh.
Chương trình học rất nhiều nhưng rất khó nhớ, khó nhập tâm. Trên lớp, giáo viên chỉ lo truyền thụ kiến thức, quan hệ thầy trò nhợt nhạt. Về nhà, cha mẹ bận lo công việc, trẻ không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử trong cuộc sống. Còn theo TS tâm lý Nguyễn Hồi Loan (Trường ĐHQG Hà Nội), trẻ em đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay bị ảnh hưởng quá nhiều từ game, chat. Nhiều phụ huynh sợ con ra đường “làm giặc” nên mua máy tính, mắc internet để “trói” con ở nhà. Tuy nhiên, họ lại không hiểu rằng, chỉ có thể trói con được ở một mức độ nào đó,m còn những diễn biến về tâm sinh lý tình cảm thì hầu như không thể quản lý được. Do đó, chỉ đến khi con gây ra những việc tày đình thì mới chợt giật mình tỉnh giấc nhưng đã muộn!
Mới đây, khoảng 12h ngày 3 – 10 – 2008, em Vương Quốc Hà (15 tuổi, học sinh lớp 9 trường THCS xã Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đang trên đường đi học về thì bị 6 thanh niên vây đánh khiến em bị trụy tim và chết ngay tại chỗ. Hiện các cơ quan chức năng của TP Hải Dương đang tiến hành giám định pháp y, làm rõ nguyên nhân cái chết của em Hà. Bên cạnh đó, Công an TP Hải Dương cũng đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng để tiến hành điều tra.
Có lẽ, đã đến lúc phải gióng thêm một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh và nhà trường, hãy quan tâm đến con em mình hơn.
Theo Netlife
Bình luận (0)