Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi teen quá… sòng phẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều teen sòng phẳng cả trong việc share tiền cho những bữa ăn nho nhỏ (Ảnh minh họa)My “treo” blast trong blog: “Tớ chẳng thích nhận của ai bất cứ cái gì cả. Ai cho tớ một thì tớ trả một, phải sòng phẳng thế, không thì khó chịu lắm”. Bạn bè đến dự sinh nhật My thì mới hiểu hết tính hay “đáp lễ” của 9x này.

“Một nghìn thì cũng phải… chia đều”

Chuyện bạn bè cùng đi ăn uống, rồi khi đứng lên “share” đều hóa đơn là hết sức bình thường. Bởi với “túi tiền teen” không mấy dư dả, thì việc chia đều như thế là thoải mái nhất đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì lại không phải như vậy.

Hôm ấy là ngày 20/10, cả tổ chỉ có mỗi mình Tùng là con trai, nên Tùng mời 7 “chị em” tổ mình đi uống trà sữa, coi như là để tặng quà luôn. Mọi người vui vẻ nhận lời, ăn uống rất vui vẻ. Thế nhưng, lúc xong xuôi, Tùng móc ví trả tiền thì Phương lại gần, chìa ra… 15.000 đồng đưa cho Tùng: “Đây là phần của tớ này”. Phương nói: “Đi ăn với nhau là phải chia đều, tớ không thích để một người trả tiền đâu”. Tùng khá bất ngờ vì mình đã ngỏ ý mời mọi người từ trước, không hiểu sao Phương lại làm như vậy. Từ chối nhận tiền của Phương mãi mới được, thì hôm sau đi học, Phương vờ mượn cuốn sách của Tùng, sau đó kẹp 15k vào sách, nhất quyết trả cho bằng được.

Một lần khác, Phương và một cô bạn đứng cổng trường đợi bố mẹ đến đón. Trời nắng, cô bạn rủ Phương vào quán nước ngồi. Hai người chỉ uống có hai cốc trà đá, tổng cộng là 2.000 đồng. Vậy mà lúc trả tiền, Phương đưa ra đúng 1.000, cô bạn móc ví còn duy nhất tờ tiền chẵn 100.000 đồng. Thấy Phương có tiền lẻ, bác bán hàng bảo: “Hay con trả luôn cho bạn đi, bác khỏi phải trả lại”, vậy mà Phương lắc đầu: “Của ai người ấy trả bác ạ”. Với Phương, đúng là dù 1 nghìn đồng đi chăng nữa, thì cũng phải chia đều một cách… sòng phẳng.

Đi sinh nhật và… vác quà về

Thấy My “treo” blast trong blog: “Tớ chẳng thích nhận của ai bất cứ cái gì cả. Ai cho tớ một thì tớ trả một, phải sòng phẳng thế, không thì khó chịu lắm”, mọi người không để ý và cũng chẳng hiểu lắm. Thế nhưng, đi dự sinh nhật của My rồi, ai cũng “à” lên một tiếng, vì đã “thấm thía” được câu Blast kia.

Khi mời sinh nhật, Vy đã nhắc đi nhắc lại rằng: “Đừng mang quà đến nhé, không cần đâu. Đến chơi với tớ là vui rồi, mang quà tớ không thích”. Ngọc, bạn thân của My thêm: “My nó nói thật đấy, mang đến nó lại mất công “đáp lễ”.

Tưởng My và Ngọc chỉ nói đùa, ai dè màn… “đáp lễ” là có thực. Ai mang quà đến tặng cho My, khi về cũng đều nhận được một… món quà khác, được gói, bọc hết sức cẩn thận, gọi là “quà cảm ơn”. Về đến nhà mở ra, thấy trong hộp là một chiếc thẻ điện thoại trị giá… 50.000 đồng. Minh, cậu bạn đi sinh nhật của My hôm đó đến giờ vẫn áy náy vì: “Mình là con trai, chẳng biết mua quà gì, thế là mua một quyển sách có hơn 30 nghìn, lúc nhận lại những 50 nghìn, ngại ơi là ngại”. Biết là nhà My có điều kiện, nhưng My làm vậy thì hơi quá, lần sau chắc chẳng bao giờ mình đi sinh nhật My nữa.

Và rất nhiều kiểu “sòng phẳng” khác

Mai và Hương ở cạnh nhà nhau, nên sáng sáng, hai cô bạn đi cùng một chiếc xe đạp đến trường. Theo “quy định” từ trước, thì Mai luôn là người đèo lúc đi, còn Hương là lúc về. Thế nhưng, hôm ấy, Hương bị chóng mặt, sốt, nhờ Mai đèo về, Mai lắc đầu nguây nguẩy: “Tớ đèo cậu đi rồi còn gì, cậu đèo về đi, phải sòng phẳng chứ”. Dù hai người chơi khá thân với nhau, nhưng nếu Hương nhờ Mai bất cứ việc gì, dù là nhỏ nhất, Mai cũng “ra điều kiện”: “Tớ giúp cậu cái này, nhưng ngày mai cậu phải giúp lại tớ cái kia đấy”, Hương gật đầu thì Mai mới làm.

Không chỉ với bạn bè, mà trong tình yêu, đôi khi teen cũng ứng xử một cách vô cùng “sòng phẳng” như thế. Quân, người yêu Hà mỗi lần làm sai điều gì đó khiến Hà tức giận, là ngay lập tức, Hà cũng phải làm y như vậy cho “đáng đời” Quân. Một lần, Quân qua đón cô bạn cùng lớp đi học vì cô bạn ấy đau chân, Hà biết chuyện và ghen ầm ĩ. Tan học, dù Quân đứng đợi ở cổng trường, nhưng thay vì đi cùng Quân, Hà leo lên xe cậu bạn khác, cố tình “lướt” qua mặt Quân và thản nhiên: “Ấy đèo người con gái khác được, tớ cũng phải được ngồi xe người con gái khác chứ, vậy mới “hòa” nhau. Quân có việc gia đình, lỗi hẹn một lần với Hà, thì ngay lập tức buổi hẹn sau, dù chỉ nằm ở nhà, Hà cũng phải cho Quân “leo cây” bằng được.

Bất kể một cái gì, khi “quá” lên thì cũng đều không hay, và sòng phẳng cũng vậy. Trong những buổi đi chơi của tổ, không một lần nào Phương được rủ nữa, My thì thật khó để có thể tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bạn bè đông như trước, tình bạn của Hương và Mai cũng chẳng bao lâu mà kết thúc… Còn Quân và Hà, cái kết cho tình yêu là điều dễ hiểu cho những hành động “sòng phẳng trẻ con” của Hà.

“Sòng phẳng” vốn không phải là xấu, nhưng đừng làm cho nó “quá” lên như vậy, để rồi mất hết tình cảm của mọi người với mình, bạn nhé!

(Theo Zing – vtc.vn)

Bình luận (0)