Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nữ giám đốc nặng…14kg

Tạp Chí Giáo Dục

 

“Giàu đâu phải là có cái túi tiền to mà là cái đầu biết làm ra tiền”. Đó là khẳng định của một vị giám đốc nặng chưa đầy 14kg của tổ hợp may Vầng Trăng Khuyết tại thôn Vãng Sơn, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

“Tí hon” vào đời 
Mùa Hạ năm 1969, vợ ông Vương Sỹ Sửu là bà Nguyễn Thị Nhiệm (ở vùng rừng núi xóm Trẹo, xã Tú Sơn, Kim Bôi, Hoà Bình) sinh đứa con thứ 5, đặt tên Vương Thị Hậu. Hậu chỉ nặng hơn 1kg nên cả nhà gọi là “Tí hon”. Ngày tháng trôi qua, cô bé càng lớn, thân thể cứ teo tóp dần, riêng cái đầu thì vẫn lớn… như thường. 
Gia đình đã đưa “Tí hon” đi chữa chạy khắp nơi, nhưng Hậu vẫn cứ lớn lên với hình dạng khác người. Và sau 20 năm ròng Bích Hậu chỉ nằm trên giường “ngắm nóc nhà”. Đến năm 21 tuổi, bỗng nhiên Hậu nằng nặc xin gia đình cho mở một quán bán nước khiến ai cũng sửng sốt. Không ai dám tin “sự nghiệp” bán hàng của Hậu sẽ thành công. Hậu đã khóc: “Cả nhà đi vắng hết, con buồn lắm. Cũng phải cho con làm cái gì đó như một con người chứ”. 

"Tí hon" và lớp học tình thương 
Vậy là một quán nước được dựng lên trên mảnh đất của nhà chị gái ngay mặt đường quốc lộ. Nhưng sau 3 năm, Hậu đã dành dụm được hơn 3 triệu đồng. Hậu quyết: “Phải mua một mảnh đất!”. Quyết định táo bạo này của Hậu lại khiến cả nhà thêm một phen “dựng tóc gáy”. Khi gia đình băn khoăn thì Hậu thuyết phục: “Mua đất để khi cần tiền vào việc gì thì có đất để thế chấp vay ngân hàng chứ người tàn tật thế này thì ai người ta cho vay?”. Thế là gia đình lại xúm tay vào “xoay” giúp Hậu vay giật thêm được hơn 3 triệu nữa. Vậy là Hậu có trong tay mảnh đất trị giá 7 triệu đồng. 
Những câu chuyện làm ăn như có một sức hút kỳ lạ. Nó thôi thúc Hậu suy nghĩ và khao khát được đi ra ngoài xa hơn cái quán nhỏ bé của mình để tìm hiểu thực hư. Tình cờ gặp vị khách Bùi Văn Thẩm thường qua lại quán nước. Ông Thẩm đã giới thiệu “Tí hon” với chú Trần Nguyên Hải, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo – Tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam (SN 25 ngách 48, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội). 
Một tia sáng đã loé lên trong đầu Hậu. Hậu quyết định xin gia đình cho mình vào Trung tâm của chú Hải. Nhớ lại lúc đó, Hậu kể: “Mẹ tôi sửng sốt lắm. Bà bảo: Ở nhà còn có người nọ người kia giúp cho, chỉ có việc ăn với nằm thôi còn không xong, ra ngoài ai lo cho..?”. Gia đình càng can ngăn thì Hậu càng quyết tâm đi. 
Giám đốc "tí hon" Vương Thị Hậu 
Vậy là từ năm 2000, Hậu bắt đầu cuộc sống mới tại Trung tâm Nhân đạo. Vào đây, nhờ được sự giúp đỡ của Trung tâm, bước sang tuổi 31, Hậu mới bắt đầu tập ngồi. Hậu kể: “Lúc đầu khó lắm, đau hết người, mình phải gượng từng tí một. Sau nhiều tháng khổ luyện, khi ngồi được dậy, thấy mình như tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài”. 
Nhờ giọng hát hay, Ban Giám đốc Trung tâm chú ý, yêu mến đổi tên Hậu thành Út Mai. Hậu nhanh chóng được coi như một “ngôi sao sáng” trong đoàn văn nghệ của Trung tâm và thường xuyên đi biểu diễn tại các trường học từ Bắc đến Nam. 
Đi đến đâu Hậu cũng để lại ấn tượng về một cô bé tí hon hóm hỉnh, tinh nghịch và đầy nghị lực. Sau 7 năm gắn bó, với lý do: “Về nhà với mẹ, vì mẹ già yếu rồi”, Hậu rời khỏi trung tâm quyết chí tự lập! 
“Vầng Trăng Khuyết” tỏa sáng 
Mùa xuân năm 2007, “Tí hon” cùng gia đình đi lễ ở đền Đức Thánh Cả (xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng), thì tình cờ gặp lại vợ chồng anh Phan Xuân Dĩnh (người trước đây thường hay mang quần, áo, chăn, màn lên bán cho bà con quê “Tí hon”). Nhà anh Dĩnh ở ngay cổng Đền và chuyên bán “cành vàng, lá ngọc” để làm lễ. 
Chẳng biết cơ duyên xui khiến thế nào mà vợ anh Dĩnh lại bảo: “Có khi Hậu làm được việc này đấy?”. Ưng ý và sẵn cái máu buôn bán thuở nào trỗi dậy, ngay hôm đó Hậu thử việc luôn. Chẳng biết nhờ cái miệng “dẻo như kẹo”, gặp ai cùng niềm nở như người thân hay vì thấy “người đặc biệt” mà ngày càng nhiều khách vào mua hàng. 
Không những thế, Hậu cười giòn kể: “Không ít lần, có ông bệ vệ như sếp vào đến đây mua lễ, nhìn thấy Hậu liền xì xụp vái sống từ cửa vái vào miệng thì lẩm nhẩm: Lạy Cô, con đã gặp được Cô. Xin cô về phù hộ cho con trúng thầu nốt mấy cái dự án…. Hoá ra, người ta tưởng tôi là người Trời”.   
Khi bán hàng, thấy gia chủ kiếm được kha khá, và nghĩ lại những ngày bán hàng nước mà mua được mảnh đất, giờ đã lên đến cả trăm triệu. Hậu hiểu hơn cái gọi là “phi thương bất phú”. Hậu tâm sự với anh chủ nhà. Hai người bàn đi tính lại rồi quyết định mở tổ hợp may. 
Nhiều khách đến đặt hàng với cơ sở của "Tí hon" 
Tháng 6/2008, tổ hợp may Vầng Trăng Khuyết được thành lập với 8 công nhân đến từ Hà Nam và Hoà Bình, do “Tí hon” làm “giám đốc”. Nói về cái tên tổ hợp giàu hình ảnh đó, vừa cười “Giám đốc” vừa giải thích: “Vầng trăng khuyết là những mảnh đời thiếu may mắn, bị khuyết đi một phần thân thể”. 
Những ngày mới hoạt động, giám đốc tí hon phải thuê xe ôm chạy đôn chạy đáo tìm việc. Cả tháng trời lòng vòng hết đất Kim Bảng, lại Hà Tây tìm nguồn hàng. Nghe “Tí hon” nói, nhiều cơ sở may ưng giao việc cho tổ hợp. Khi biết thợ của tổ hợp toàn là người khuyết tật thì họ lại từ chối. Rong ruổi mãi, “Tí hon” cũng nhận được nguồn hàng đầu tiên là may quần áo thổ cẩm. 
Sau cái ba chìm bảy nổi, từ đó đến nay tổ hợp may của “Giám đốc Tí hon” hoạt động đều đặn. Lương mỗi tháng cũng được gần 1 triệu/ người/ tháng. 
Mặc dù tổ hợp còn khó khăn, nhưng tất cả các thợ may đặc biệt đều được đến làm việc và ăn ngủ tại chỗ, không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào. Em Nông Thanh Huyền từ thị xã Cam Đường tỉnh Lào Cai kể: “Em nghe người quen giới thiệu nên tìm đến Tổ hợp, may quá, chị Hậu còn nhận ra em chính là cô bé khuyết tật đã ôm chị khóc nức nở khi năm xưa chị về trường THPT cơ sở Xuân Tăng – Lào Cai biểu diễn văn nghệ”. 
Giờ đây, khi cuộc sống riêng của mình và tổ hợp may vẫn còn bộn bề khó khăn, Út Mai ngoài việc điều hành tổ hợp thì ngày ngày vẫn tham gia bán hàng đồ cúng lễ lấy thêm tiền phụ vào việc trang trải cho tổ hợp, nhất là những khi thiếu việc. 
Hỏi về dự định tương lai, “giám đốc tí hon” cười và bảo: “Chừng nào trời cho còn được làm người, Hậu sẽ vẫn tìm cách xoay sở tự cứu mình và sẽ giúp đỡ bất cứ ai nếu mình có thể”! 
Theo Trần Xuân Thân
Bee.net.vn

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)