Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhận dạng sinh viên “VIP”

Tạp Chí Giáo Dục

Thuật ngữ “VIP” đã gọn ghẽ đi vào đời sống giảng đường từ cách đây chừng vài ba năm. Ban đầu bệnh này mới ở dạng dễ chữa nhưng cho tới nay nó đã trở thành bệnh nan y trong giới “viêm màng túi”. Biểu của bệnh “VIP” như sau:

Kẻ đi muộn… về sớm

Hiện nay sinh viên nhà ta có rất nhiều cơ hội làm thêm bên ngoài nên chuyện bùng tiết là chuyện khá phổ biến. Nhiều bạn trẻ cả tháng mới đến lớp vài buổi gọi là có. Hầu như họ dành thời gian ở ngoài làm ăn kiếm sống và bon chen để “chóng nhớn”. Họ đến lớp với cái tiêu chí giản dị là vì thầy cô điểm danh.

Bích Vân, sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh là một nhân điển hình cho bệnh “VIP”. Nàng vốn là thủ khoa của khoa Đạo diễn năm ngoái, ấy vậy mà nhìn bảng tổng kết của Vân thì luôn đứng ở top “đội sổ”. Bạn bè nghi hoặc thì cũng chỉ nhận được ánh mắt dửng dưng bất cần của cô. Căn nguyên của bệnh này cũng là do chuyện “mưu sinh” của Vân khá nhiều. Với chiều cao trời phú, Bích Vân đã chiếm trọn các gói hợp đồng quảng cáo, làm Promotion girl cho các hãng mĩ phẫm hay thời trang. Lịch làm việc dày đặc đã khiến cô nàng quay như chong chóng quên cả việc lên giảng đường. Khi thầy cô điểm danh thì bạn bè xung quanh lại nháy máy bảo cô lên. Chuyện Vân đến muộn và về sớm đã là chuyện “phình phường” của dân tình trong lớp. Đôi lúc Vân cũng sợ nhưng vì tiền nàng bất chấp. Vân thật thà: “Tôi đi làm từ năm thứ nhất. Tôi không muốn xin tiền từ ba mẹ. Đi làm đâm nghiện nên bảo đến lớp là chểnh mảng. Thôi để học sau vậy”. Không biết cái sự học sau của Vân là đến bao giờ khi mà cả tháng nay bạn cô cho biết Vân vẫn “mất tích”. Có lẽ cô đang bon chen trong một “show” quảng cáo nào đó.

Không làm thêm, không phải đi kiếm tiền nhưng có nhiều bạn trẻ vẫn thích “đi sớm về muộn”. Bệnh này có lẽ xuất phát từ bản chất. Đó là bệnh lười. Nhiều người trẻ hiện nay sống rất mờ nhạt. Chuyện hưởng thụ với họ dường như là một lẽ đương nhiên. Nhưng chuyện “bùng” học, đi trễ, là chuyện khó chấp nhận ở những “nhân” chỉ biết nằm dài đợi tiền từ ba mẹ. Đó là con số ít nhưng cũng gây lên sự rầu lòng cho rất nhiều người lớn. Chúng ta đã làm mất đi lòng tin từ chính các bậc sinh thành. Phươnglazy là biệt danh mà bạn bè thường gọi Phương. Một tháng 20 buổi đến trường thì cũng phải đến 2/3 số buổi nàng đến muộn. Hôm nào Phương đến bỗng trở thành sự “quí hiếm” của lớp. Bạn bè kêu ca thì Phương thản nhiên vặc lại: “Kệ tớ! Đến lớp như bọn cậu phỏng đã giỏi lắm rồi”. Kiểu trả lời chỏng lỏn của nàng làm bạn bè xung quanh bất lực hoàn toàn và bệnh ngày thêm trầm trọng.

Dấu hiệu thứ nhất của bệnh “VIP” trong giới sinh viên đã gây cản trở cho sự học của chính họ và cũng gây ra những điều phiền toái cho mỗi người đứng lớp.

Vô số những dấu hiệu phụ kèm

Bệnh “VIP” đang là một cơn bão lớn đổ bộ và lây lan vào cư dân khu giảng đường. Sức mạnh của cơn bão đã khiến cho cư dân nơi đây không còn sức chống đỡ và cứ thế tiếp nhận những dấu hiệu mới của bệnh.

Dấu hiệu mà khá nhiều thầy, cô cảm thấy phiền hà nhất đó là chuyện ăn quà vặt và “mặt bàn sàn ngủ” của bạn trẻ. Những lời phàn nàn của các cô lao công luôn làm thầy, cô thấy khó chịu. Nhiều giảng viên đã nhắc nhở rất nhiều nhưng chứng nào thì vẫn tật ấy, sản phẩm của chuyện ăn vặt vẫn vô tư “xối xả” ra lớp học. Đáp lại cho thầy, cô là những ánh mắt “màu xanh xám” của các nhân viên vệ sinh. Điều đó thực sự không đáng đối với những giảng viên ngày ngày truyền thụ kiến thức cho chúng ta. Chuyện ăn vặt là một nét riêng của sinh viên nhưng ăn thì phải đúng nơi đúng chỗ và phải có ý thức giữ gìn vệ sinh cho cộng đồng. Khi nhận xét về vụ việc này, chị Lan một nhân viên vệ sinh của trường ĐH Ngoại thương phàn nàn: “Chán lắm! Các cô ăn quà nhiều và xả rác thì cũng vô tội vạ. Ai mà chạy đi chạy lại như con thoi để dọn được”. Cái lắc đầu của chị Lan đã thể hiện được cái dấu hiệu bệnh này đang ở giai đoạn nào. Và những cảnh tượng “mặt bàn sàn ngủ” cũng xuất hiện với tần suất dày đặc trên mỗi lớp học. Dạo quanh mỗi khu giảng đường một buổi chiều cũng kiếm được kha khá “con gà ngủ gật”. Sự biểu hiện bệnh đã trở nên trầm trọng và làm nhức đầu các bác sĩ chính là các thầy, cô.

Chưa hết, sự biểu hiện bệnh này mới đáng nói, sinh viên đang bắt đầu kêu ca chính thầy, cô giảng dạy mình. Họ luôn miệng chê bai thầy, cô dạy chán không truyền được cảm hứng cho họ. Lúc thì họ cho rằng thầy, cô đọc quá nhanh họ không tiếp thụ được, lúc lại bảo thầy cô đọc chậm làm họ buồn ngủ. Dấu hiệu nhận biết bệnh lại là việc hạch sách giảng viên. Thu Quế – ĐH Công nghiệp giãi bày: “Lên lớp thầy hay ê a quá làm mình buồn ngủ chết đi được”. Ngoài những dấu hiệu bệnh nói trên chúng tôi còn nhìn thấy khá nhiều dấu hiệu khác như: việc “buôn dưa bán cà”, việc chát chít bằng lap top hay di động và sự tự do ngôn ngữ trên giảng đường…

Trên đây là những dấu hiệu nhận biết căn bản của căn bệnh “VIP”. Mỗi “bệnh nhân” đang ở trong giai đoạn báo động đỏ về sự nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên các con bệnh chưa nhận ra được cánh cửa của “căn phòng cấp cứu”. Cần lắm một tiếng nói hay hành động nhận thức từ trong mỗi người trẻ cư dân khu giảng đường.

Nguyễn Thu Hà (gdtđ)

Bình luận (0)