Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015: Mỗi trường mỗi kiểu

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này các trường đã công bố đề án tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều cốt lõi nhất với tuyển sinh năm nay là thí sinh phải tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia 2015 thì mới được đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường mà thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, thực tế trong đề án tuyển sinh của từng trường lại có rất nhiều điều kiện phụ khác, nếu thí sinh không tìm hiểu kỹ sẽ bị thiệt thòi.

Tìm hiểu kỹ đề án

Theo Hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM, thí sinh có hạnh kiểm khá, điểm trung bình 5 học kỳ (cả năm lớp 10, cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 6,5 trở lên (hệ ĐH) và 6,0 trở lên (hệ CĐ) sẽ vượt qua vòng sơ tuyển. Tuy nhiên, điều kiện được đăng ký vào ĐH này phải tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia 2015 và thi tại các cụm thi do các trường ĐH tổ chức (không nhận thí sinh thi tại các cụm thi do địa phương tổ chức). Ngoài ra, khoảng tháng 3-2015, thí sinh sẽ đăng ký hồ sơ xét tuyển trực tuyến hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại phòng đào tạo của các trường thành viên. Sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM cũng đưa ra phương án “mở” nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh là dự kiến mỗi thí sinh có thể đăng ký xét tuyển các nguyện vọng vào cùng một trường hoặc nhiều trường thành viên khác nhau trong cùng hệ thống ĐH này.

Khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, thí sinh cần đọc kỹ phương án xét tuyển của từng trường.

Trong khi đó, thí sinh muốn đăng ký vào Trường ĐH Luật TPHCM phải thực hiện 2 bước. Bước 1 là xét tuyển: điểm trung bình 3 năm học phổ thông chiếm 20% số điểm trúng tuyển và kết quả thi tốt nghiệp chiếm 60% tổng số điểm trúng tuyển. Sau đó, trường sẽ xét tuyển theo cách chọn điểm từ cao xuống thấp để xác định thí sinh trúng tuyển bước 1. Bước thứ 2 là thí sinh làm bài kiểm tra khả năng về các lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp (kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, địa lý, đạo đức…) và tư duy logic. Bài kiểm tra này chiếm 20% trong tổng số điểm trúng tuyển. Bài kiểm tra gồm phần trắc nghiệm (45 phút) và tự luận (60 phút). Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM: “Trường sẽ xét tuyển và chọn thí sinh trúng tuyển vừa thỏa mãn điều kiện xét tuyển của trường, đồng thời tuân thủ theo đúng quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 của Bộ GD-ĐT. Với cách xét tuyển này, nếu thí sinh không đăng ký sơ tuyển trước thì không được xét tuyển vào trường”.

Thông tin về đề án tuyển sinh của trường, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, trong năm 2015 công tác tuyển sinh của trường sẽ có nhiều điểm mới. Thí sinh muốn đăng ký vào trường phải đạt điều kiện cứng là tốt nghiệp THPT quốc gia tại các cụm thi trên toàn quốc do các trường ĐH tổ chức. Trong khâu xét tuyển, thí sinh phải trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (sơ tuyển trực tuyến) dựa vào tổng điểm trung bình học bạ của 3 năm trung học phổ thông với 2 môn cơ bản là Toán và Ngữ văn phải đạt 11 điểm trở lên (thang điểm 10). Giai đoạn 2 (xét tuyển sau sơ tuyển) dựa vào điểm kỳ thi THPT quốc gia hoặc học bạ. Trong cơ cấu chỉ tiêu, trường dành cho các tổ hợp (khối thi) truyền thống tối thiểu 75%, các tổ hợp bổ sung mới chiếm tối đa 25% chỉ tiêu từng ngành. Trường dành tối đa 10% chỉ tiêu (400 chỉ tiêu) xét tuyển thẳng.

Chạy theo số lượng

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015, các trường có thể xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp quốc gia 2015, đồng thời kết hợp cả việc xét điểm học bạ 3 năm THPT. Cho dù xét tuyển hình thức nào thì với điều kiện bắt buộc phải đậu tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhiều đề án tuyển sinh riêng ở các trường, có trường lại không cần cả tốt nghiệp kỳ thi quốc gia. Trao đổi về vấn đề này, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đối với trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia 2015 và xét tuyển dựa vào điểm học bạ 3 năm THPT thì điều kiện bắt buộc phải là tốt nghiệp THPT. Nếu đề án nào không đề cập đến điều kiện tốt nghiệp THPT trong xét tuyển dựa vào điểm học bạ thì Bộ GD-ĐT sẽ không duyệt”.

Thực tế cho thấy, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT đưa ra không ràng buộc bao nhiều phần trăm chỉ tiêu đối với 2 hình thức xét tuyển. Và đây dường như là kẽ hở trong việc kiểm soát chỉ tiêu nên các trường như “nắng hạn gặp mưa rào”, tha hồ “vơ vét” thí sinh. Thực tế điều kiện quy định xét tuyển học bạ THPT là tốt nghiệp THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10). Tuy nhiên, dư luận dường như không dám tin vào “chất lượng” của điểm học bạ THPT.

Xuất phát từ thực trạng trên, bức tranh về cơ cấu chỉ tiêu trong năm 2015 ở rất nhiều trường đã dồn phần lớn chỉ tiêu ở phương án xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT. Theo đề án tuyển sinh mà Trường CĐ Viễn Đông công bố trên website, trường dành 2.200 chỉ tiêu để xét tuyển học bạ THPT (55% tổng chỉ tiêu). Trong khi đó, Trường CĐ Y tế Quảng Ninh dành 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ… Nhiều trường ĐH khác cũng dành từ 50% – 60% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào điểm học bạ như Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An: 60%, Trường ĐH Hà Hoa Tiên: 50%, Trường ĐH Văn Hiến: 58%, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: 50%.

Với cách tuyển sinh như năm nay, Bộ GD-ĐT phải tăng cường kiểm soát được chỉ tiêu theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Nếu để xảy ra tình trạng vào ĐH như vào trung cấp hay cao đẳng nghề (chỉ cần tốt nghiệp THPT) thì sẽ xảy ra thực tế ồ ạt chạy vào ĐH, còn các hệ đào tạo khác sẽ thoi thóp và phá sản chủ trương phân luồng.

THANH HÙNG

(SGGP)

Bình luận (0)