Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“A còng” xung đột với “lưng còng”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, không ít ông bố bà mẹ gặp nhau chỉ để than thở: “Tôi thế này mà chẳng dạy được con. Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bây giờ thì ngược lại”.

Một diễn đàn online lại xôn xao vấn đề: Mỗi gia đình và mọi xã hội đều có người già, trẻ con… nhưng tại sao nhiều trẻ con lại “chưa bao giờ trò chuyện với cha mẹ vì họ không hiểu em tí nào”. 

Sự ngược chiều tư duy làm khoảng cách của hai bên ngày càng xa, khi mà điều kiện sống ngày càng được cải thiện. 

“A còng” phản ứng           

Vừa ăn cơm, chưa kịp nghỉ ngơi, chị Liên đã ra lệnh cho con: “Thằng Cường, lên học bài!”. Cậu bé nhăn mặt: “Bài học hết rồi. Cho con xem hoạt hình tí”. Chị Liên quát: “Học hồi nào mà hết”. 

Vừa nói chị sực nhớ hôm qua mình đã kiểm tra bài vở của con rồi. Nhưng đã lỡ “ra lệnh” nên chị đành tiếp lời: “Học hết rồi thì lấy bài tập làm thêm. Học không bao giờ là đủ. Hồi xưa, hễ rảnh lúc nào mẹ học lúc đó. Nhờ vậy nên tháng nào mẹ cũng có tên trên bảng danh dự, cũng được nhà trường khen”.    

Cậu bé cãi lại: “Học là để mình biết chứ đâu phải học để được khen, được lên bảng danh dự. Học cho dữ mà cuối cùng chuyện gì mẹ cũng bảo không làm được, ngoại trừ việc ở nhà nấu cơm thì thà không học còn hơn”.  

Chị Liên sửng sốt nhìn con rồi quát to: “Đồ mất dạy! Đã ngu mà còn lý sự. Không nói nữa. Năm phút sau, chưa thấy ngồi vào bàn học thì ăn đòn”. Nhận tối hậu thư, thằng bé dùng dằng bước lên phòng đóng kín cửa. 

Trong nhật ký của mình, Quyên, 18 tuổi, viết: 18 năm qua mình được những gì từ bố mẹ? Nền nếp giáo dục rất tốt của gia đình, nhất là bên ngoại. Một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi, một khoản tiền tiêu hàng tháng và một suất du học tại Singapore trong tháng 10 tới. Mình có đủ thứ, hơn rất nhiều người. Nhưng lúc nào mình cũng có cảm giác thiếu thốn tình cảm và dư thừa không khí ngột ngạt. Dường như trong nhà chỉ có bố mẹ là luôn luôn đúng. Mẹ yêu thương mình, nhưng hễ thấy bạn trai nắm tay mình, mẹ quát: “Đồ mất nết! Học không lo, chỉ lo đú đởn”. Nhưng nắm tay thì có liên quan gì đến chuyện nết na chứ!  

Bố cũng có rất nhiều điểm tốt, nhưng bố không bao giờ thừa nhận mình sai. Mỗi lần nói lý không lại con gái, bố nghiến răng: “Thứ mất dạy! Nói chuyện với bố mà cứ trả treo tiếng một. Con với cái, đã ngu mà còn cãi. Tao lớn tao biết”. Bố bảo bố biết, nhưng sao khi biết bố sai với con, bố không xin lỗi? Bạn bè nói: Quyên sướng thế, nhưng sao mặt mày lúc nào cũng rầu rầu như trầu phải lửa? Đúng là mình sướng thật, được bố mẹ chăm, được đủ thứ nhưng điều mình cần hơn là được tôn trọng. 

Còn Huyền, vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã bay thẳng vào TP.HCM xin việc. Bốn tháng, chuyển hai chỗ làm, thu nhập bình quân bằng 1/5 công việc mà bố Huyền xin cho ở Hà Nội, thế nhưng cô kiên quyết không trở ra chỉ vì “nếu sống chung nhà, bố mẹ hay can thiệp vào chuyện riêng tư của mình”. 

Huyền kể: đưa bạn về nhà chơi, chưa kịp chào hỏi giới thiệu thì mẹ lườm nguýt: “Mày đi đâu tới giờ mới vác mặt về? Liệu hồn nghe con, khôn ba năm dại một giờ đấy!”. Tiễn bạn về chưa khỏi cửa, bố đã oang oang: “Mấy thằng mắt hí, trông nó gian gian thế nào”. Góp ý bố mẹ không nghe, cô đành hẹn bạn bè ngoài quán. Biết chuyện, bố mẹ cũng chẳng tha, nói xa nói gần: “Đàn đúm, túm năm tụm ba không phải thứ chôm đồ nhà thì cũng là phường hút chích”. Thôi, đi xa, thà mỏi chân còn hơn ở gần mà mệt óc. 

“Lưng còng”… đầu hàng!  

“Phải biết đặt chân mình vào đôi giày của người khác”, để thấu cảm, điều này người lớn cần phải học, chứ không riêng gì trẻ em

Thấy chồng thản nhiên trước phản ứng không hợp tác của con, chị Liên tâm sự với chị Hạnh Dung: “Một tiếng cha bằng ba tiếng mẹ, vậy mà mỗi khi tôi rầy con, ông ấy cứ xem như chuyện của hàng xóm, sao mà nó sợ”. Đã vậy ổng còn càu nhàu: “Bà rảnh hơi, cứ như tôi đây, hồi xưa ai bắt tôi học, mà tôi cũng đậu tú tài, cử nhân, cũng nên người, cũng cưới được vợ… Trăng đến rằm ắt tròn, lớn lên nó khắc biết nên như thế nào!”. 

Chị Thu Trang, P.2, Q. 8 viết: “Con gái tôi năm nay đã bước vào tuổi 15. Ở trường, các thầy cô giáo và bạn bè đều quý mến cháu. Hàng xóm ai cũng khen cháu ngoan, có duyên, lễ phép. Nhưng trong nhà cháu lại gây ra quá nhiều lo lắng, băn khoăn cho cha mẹ… Nhiều lúc cháu hờn dỗi, bướng bỉnh, cãi lại bố mẹ, thậm chí còn chê bố mẹ bảo thủ, chậm tiến. Quần áo không bao giờ chịu mặc những thứ mẹ mua. Phòng ngủ của cháu luộm thuộm, sách báo, gương lược và đồ trang điểm vứt lung tung…”. 

Anh Trung Nghĩa, Hội Cựu chiến binh P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM bức xúc: “Là một người cha, tôi rất lo lắng và sốt ruột về hành vi, sinh hoạt của cháu. Tối nó thức suốt đêm để chát chit với bạn bè. Ban ngày thì xài di động nhắn tin buôn chuyện với nhau. Có lần, muốn biết con cái nói gì, tôi xem lén tin nhắn, nhưng bị nó phát hiện, quát ngược lại tôi, rồi chuyển qua nhắn bằng những cụm từ viết tắt rất lạ lùng mà chỉ có chúng mới hiểu. Mãi sau này, tôi mới biết khi chúng nhắn POS nghĩa là đang bị bố mẹ theo dõi tin nhắn (Parent over shoulder), PRW: đang bị bố mẹ soi, chờ tí (Parent are Watching) hay KPC: đừng để ông bà bô biết, rách việc (keep parents clueless)… 

Sợ con sa đà, tôi quyết tâm siết chặt kỷ luật để rèn cháu vào nền nếp. Nhưng những gì mà tôi nhận được là phản ứng kịch liệt, thậm chí cố tình làm trái tất cả những mong muốn của cha mẹ, và đỉnh điểm là cháu bỏ nhà đi gần hai tháng trời. Tôi tự hỏi, không biết cháu có thấu hiểu nỗi lo của cha mẹ không?” 

Giáo sư – nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, đưa ra nhận xét của một nhà tâm lý học mà theo ông, đó cũng là kinh nghiệm của nhiều người: “Một người ngoài bốn mươi tuổi mà còn đưa ra những ước mơ viễn vông, không tưởng, bàn tính những hành động cao xa, siêu việt thì người đó quả là một kẻ biến thái; trái lại, một thanh niên hai mươi tuổi mà chỉ lo những quyền lợi thiết thân, theo đuổi những việc làm thực tế trắng trợn, thì thanh niên đó cũng là một dị nhân”. 

Nhắc lại nhận định này, ông muốn nêu ra một vấn đề xã hội và văn hóa để chúng ta cùng suy ngẫm: Những dị biệt căn bản giữa hai thế hệ nối tiếp nhau trong một xã hội, nhất là giữa lớp người trẻ và lớp người đứng tuổi là chuyện bình thường, dù những dị biệt này nhiều khi thật nặng nề dễ dẫn tới những va chạm, những xung đột, đổ vỡ.  

Theo bà Nguyễn Thị Oanh – thạc sĩ phát triển cộng đồng, giữa cha mẹ và con cái có khoảng cách của hai thế hệ và đó là một tồn tại khách quan. Khoảng cách này hoàn toàn có thể rút ngắn hay thậm chí xóa bỏ khi người ta đối xử với nhau bằng sự hiểu biết. Đó là biết tâm lý con người nói chung và đặc điểm tâm lý – nhu cầu của từng lứa tuổi nói riêng. Tuy nhiên, có hai xu hướng tự nhiên khiến cho khoảng cách có thể nới rộng. Đó là người trẻ thì luôn dễ tìm đến cái mới, còn người già thì bảo vệ cái hiện có và cái đã qua. 

Với hai môi trường sống khác nhau, sự tiếp nhận thông tin khác nhau với tốc độ chuyển biến cực nhanh của xã hội, nhịp sống của đôi bên càng cách biệt. Người lớn hay áp đặt ý kiến của mình mà quên rằng trẻ em khác ta. Vì thế, bố mẹ hay những người già phải cố gắng luôn ý thức về xu hướng bảo thủ của mình, luôn học hỏi để thích nghi với một xã hội không ngừng đổi mới. Phương Tây có câu: “Phải biết đặt chân mình vào đôi giày của người khác”, để thấu cảm, điều này người lớn cần phải học, chứ không riêng gì trẻ em. 

Theo Nguyễn Thiện –  Phụ Nữ

 

Bình luận (0)