Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Phải biết tác động vào nhận thức và tình cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn giáo dục được HS chưa ngoan thì trước hết giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em lại có những thái độ hành vi chưa chuẩn mực, chứ đừng vội quy kết thiếu căn cứ. Ảnh: H.Triều
Về mặt tâm sinh lý, theo các nhà nghiên cứu khoa học, HS phổ thông trải qua hai giai đoạn: trước và sau tuổi dậy thì. HS tiểu học và THCS (lứa tuổi trước dậy thì) thường có tình cảm, nhận thức và xu hướng hành vi chưa toàn diện.
Do tính khoa học chưa cao, tư duy chưa trưởng thành, chưa thật sự gắn kết với vận động nên hầu hết ý thức còn nặng về cảm tính. Cảm xúc chưa bền vững nên các em còn bồng bột, thiếu chín chắn về suy nghĩ. Trước những tình huống của cuộc sống các em chưa ứng xử phù hợp, phản ứng trong cuộc sống chưa đúng nên thường có hành vi thái độ không phù hợp với chuẩn mực, nói chung là còn lệch với những cái chuẩn chung. Vì thế những em đó dễ trở thành HS hư, chưa ngoan, và có khi còn rơi vào đối tượng HS cá biệt.
Riêng với HS THPT (lứa tuổi sau dậy thì) do đã khôn lớn hơn nên tư duy đã bắt đầu có tính hệ thống và có nền tảng về cơ sở khoa học hơn, vì thế ở độ tuổi này các em chín chắn và chững chạc hơn. Tuy nhiên trong bao la của một “bầu trời tưởng tượng” tuy các em đã vươn tới những ước mơ nhưng những điều mơ mộng đó chưa gần với hiện thực, thiếu sức bền vững. Tâm lý chung các em luôn muốn khẳng định mình nên hay tự ái khi bị nhắc nhở, có những phản ứng thái quá khi bị xúc phạm. Hay khẳng định bản thân, nên cái tôi được đề cao quá lớn. Thích được học làm người lớn, mang nặng tâm lý đám đông và thường bị ảnh hưởng từ những người xung quanh nên các em hay nghe theo lời bạn bè. Ước mơ lớn hơn khả năng của bản thân nên HS thường có thái độ, hành vi hơn người, thích “ra vẻ ta đây”. Do muốn thử xem một lần cho biết nên các em dễ bị “cuốn” vào các hành vi xấu và tệ nạn nguy hiểm như: đánh nhau, yêu đương, trộm cắp, đua xe, hút chích ma túy…

Mỗi đối tượng HS đều có những tính cách và hoàn cảnh riêng, không em nào giống em nào. Yếu tố quyết định trong giáo dục HS chưa ngoan là phải tìm cách thuyết phục được các em. Muốn vậy, thầy cô cần có sự nhiệt tình, biết yêu thương HS của mình. Không thương học trò thì khó mà giáo dục được các em, không tìm hiểu các em thì cách giáo dục đưa ra cũng không sát. Bên cạnh đó, thầy cô cần phải có kinh nghiệm để cách xử lý nhẹ nhàng hơn.

Thầy Nguyễn Thành Trung
(chuyên viên Phòng HSSV Sở GD-ĐT TP.HCM
Từ những cơ sở khoa học về tâm sinh lý đó muốn giáo dục được các HS chưa ngoan thì trước hết giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em lại có những thái độ hành vi chưa chuẩn mực, chứ đừng vội quy kết tội cho các em một cách thiếu căn cứ. Con người là mối quan hệ tổng hòa của xã hội nên chúng ta phải xem xét, đánh giá học trò của mình trong mối quan hệ với bạn bè, sách vở, phim ảnh, mạng internet… Nói cách khác là phải “thâm nhập thực tế” và hiểu đối tượng chứ không thể “đứng từ xa” mà đánh giá, phán quyết. Để được như thế thầy cô phải đi sâu đi sát từng cá thể, tìm hiểu tâm sinh lý riêng biệt cụ thể nhất là những em có khí chất “khác lạ”, ví dụ như quá mạnh mẽ nhưng không cân bằng, hay nóng nảy, giận dữ. Hiểu rồi nhưng cũng chưa đủ, sau đó phải có biện pháp tác động phù hợp tới nhận thức để HS biết thay đổi và làm chuyển biến những nhận thức lệch chuẩn. Không chỉ phân tích, giảng giải mà còn phải thuyết phục, cảm hóa hướng các em có hành vi đúng chuẩn. Một mặt khác là chúng ta phải biết tác động vào phương diện tình cảm vì có em có nhận thức đúng nhưng tình cảm lại chưa bền vững, thiếu ổn định. Bằng mọi cách phải làm chuyển hướng các em nếu không khi đã thành thói quen các em dễ đi theo “vết xe đổ” rất khó cứu vãn. Cũng có trường hợp giáo viên phải dùng những biện pháp mạnh mẽ cứng rắn hơn để trách phạt những trường hợp quậy phá, hỗn láo nhưng phải luôn lưu ý mọi phản ứng của các em. Do bồng bột, thiếu ý thức nên phản ứng của các em thường đem đến những hậu quả không lường được trước làm cho cách giáo dục bị tác dụng ngược, kết quả lại ngoài sự mong đợi của chúng ta.
Trong thực tế nếu thầy cô nào giàu kinh nghiệm, có thâm niên giáo dục HS cá biệt và hiểu rõ từng đối tượng của mình thì rất dễ thành công. Khi chúng ta tạo được mối quan hệ đúng mực, hòa khí thân tình và không căng thẳng thì các em rất dễ nghe lời. Tất nhiên thành công đó không thể không có sự vận dụng uyển chuyển các phương pháp giáo dục phù hợp và sát thực tế đồng thời luôn biết linh hoạt tận dụng nhiều “đối tác” khác của các em như bạn bè, cha mẹ, người thân. Còn ngược lại, nếu ai đó quá nóng vội, thiếu uy tín chưa xây dựng được niềm tin bền vững và không hiểu đối tượng thì thất bại là điều khó tránh khỏi trong việc giáo dục các em HS chưa ngoan.
TS. Hồ Văn Liên
(Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) 
LTS: Trong thời gian gần hai tháng, diễn đàn “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?” đã nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc chia sẻ về thực trạng học sinh (HS) chưa ngoan trong nhà trường hiện nay và kèm theo đó là các phương pháp giáo dục hiệu quả. Để kết thúc diễn đàn, tòa soạn xin giới thiệu bài viết của TS. Hồ Văn Liên – Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) xem như là sự đúc kết của diễn đàn. Tòa soạn rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến, chia sẻ của bạn đọc trong các diễn đàn tiếp theo.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)