Hệ thống trường ĐH ngoài công lập (NCL) ở VN vẫn loay hoay tìm hướng đi, trong khi những quy định chưa rõ ràng khiến hoạt động ở nhiều trường ĐH lại là siêu lợi nhuận.
"Nếu đã nói đến lợi nhuận thì buộc phải coi giáo dục ĐH là một loại hàng hóa, cho dù người ta vẫn nói đó là một hàng hóa đặc biệt" GS Phạm Phụ – ĐH Bách khoa TP.HCM
|
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 vào một trường ĐH ngoài công lập ở TPHCM trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2010 – Ảnh: Đ.N.T
Tiếp xúc với phóng viên, GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP.HCM), phân tích: “Nếu đã nói đến lợi nhuận thì buộc phải coi giáo dục ĐH là một loại hàng hóa, cho dù người ta vẫn nói đó là một hàng hóa đặc biệt. Tuy nhiên hiện nay, “người mua” thường được biết rất ít và rất khó đánh giá về loại hàng hóa mà họ đang “mua” nên rất dễ lâm vào tình trạng nhận được chất lượng thấp hơn nhiều so với những gì mà họ kỳ vọng cũng như cái giá mà họ phải chi trả. Luật pháp cần phải minh bạch, rõ ràng chứ không nên như hiện nay, các quy định cứ mờ mờ, ảo ảo”. Vì vậy, theo GS Phạm Phụ, hiện có tình trạng các trường thì cứ tuyên bố phi lợi nhuận nhưng thực chất là siêu lợi nhuận. “Họ tổ chức lớp đông để kiếm lời nhưng chất lượng thì cực thấp. Cuối cùng là đổ hết lên đầu sinh viên, chất lượng sinh viên sẽ rất thấp. Đó là hậu quả trước mắt, còn về lâu dài thì Nhà nước khó đạt được các mục tiêu đã đặt ra, chẳng hạn việc phát triển số sinh viên NCL lên tỷ lệ 30 – 40% như mong muốn”, GS Phạm Phụ nói. Từ thực tế này, ông khẳng định: “Điều đó không chỉ làm cho xã hội hoài nghi mà còn làm ảnh hưởng không tốt đối với một số cơ sở ĐHTT, với những nhà đầu tư hoạt động chân chính và có tâm huyết”.
Mỗi cổ đông một lá phiếu
GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng toàn bộ nguồn vốn hoạt động của trường đều hình thành từ vốn góp của tư nhân – các thành viên sáng lập, các cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên của trường. Để thực hiện mô hình phi lợi nhuận, ông Phương cho biết có nhiều quy định buộc phải “lách luật”. Chẳng hạn: trường ông xác định là trường có chủ (chứ không phải vô chủ như quy chế ĐH dân lập – PV). Chủ trường được xác định là những người góp vốn. Tuy nhiên quyền lực không phải trao vào tay những người có số vốn lớn nhất như quy chế ĐHTT hiện nay. Điều lệ nhà trường quy định: “Mỗi cổ đông có một phiếu biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn đóng nhiều hay ít”. Trường không mời nhà đầu tư để làm chủ trường mà những người góp vốn hầu hết là cán bộ, công nhân viên, giảng viên và một số người có công sáng lập. Đồng thời trường quy định việc chuyển nhượng cổ phần chỉ được thực hiện trong nội bộ cổ đông để ngăn việc bán trường.
|
Về mô hình trường ĐHTT hiện nay nên đi theo hướng nào, GS Phạm Phụ thừa nhận: “Do VN chưa có truyền thống cho tặng trong giáo dục ĐH nên ĐHTT không vì lợi nhuận có lẽ chỉ tồn tại trong một số trường hợp riêng. Vì vậy cần khuyến khích phát triển các ĐHTT “nửa vì lợi nhuận”. Các ĐHTT vì lợi nhuận đều phải ở trạng thái của một công ty, ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi. Với một số ít cơ sở ĐHTT không vì lợi nhuận thì Nhà nước cần có tài trợ và ưu đãi đặc biệt”.
Đầu tư giáo dục phải có điều kiện
Tôi sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi ngôi trường mình đang học được đem ra mua bán, được các nhà đầu tư “lướt ván” như chơi cổ phiếu, kinh doanh vàng, bất động sản. Nên nhớ, giáo dục nhằm tạo ra những con người tri thức, lao động tri thức cho xã hội. Giáo dục không phải là hàng hóa để mua bán. Việc chuyển nhượng trường cho bất kỳ ai cũng cần có điều kiện, người mua phải là nhà giáo dục, có tâm huyết với nghề. Nếu một trường đại học được mang đi bán cho một người chỉ có trình độ học vấn lớp 3 nhưng có nhiều tiền thì ngôi trường ấy sẽ đi về đâu khi chủ nhân chỉ quan tâm đến lợi nhuận?
Trần Nguyễn Huy Hùng (huyhung_vanlang09@yahoo.com)
Quan trọng ở chất lượng
Hiện nay tại VN, có khá nhiều trường quốc tế. Về thực chất, các trường này cũng hoạt động nhắm đến mục tiêu chính là lợi nhuận song song với mục tiêu chất lượng giáo dục. Tất nhiên, họ thu học phí rất cao. Mặc dù vậy họ vẫn được nhiều sinh viên lựa chọn theo học. Lý do là chất lượng giáo dục được bảo đảm. Như vậy, việc chuyển nhượng trường tư thục cho tư nhân hay các nhà đầu tư là điều bình thường, quan trọng là cần bảo đảm chất lượng.
Thu Hằng (TP Pleiku, Gia Lai)
Nên giám sát chặt chẽ
Bất kỳ trường nào cũng phải dung hòa được các mối quan hệ nhà nước – nhà trường – xã hội. Nhà nước quản lý, giám sát, yêu cầu nhà trường đào tạo có chất lượng; nhà trường bảo đảm tuân thủ đúng quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước về tài chính và quy định đào tạo; xã hội đòi hỏi chất lượng giáo dục tốt để đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nếu Nhà nước đảm bảo được vai trò này thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản.
Thanh Nhàn (nhanbinhdinh@gmail.com)
|
Bình luận (0)