Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học: Cần giải quyết bài toán tự chủ cho các trường

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường ĐH phải được tự chủ trong đào tạo, thể hiện ở các mặt: Tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo dựa trên đội ngũ giảng viên của trường. Ảnh: M.Tâm
Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý từ các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục cho dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân về vấn đề này.
Luật còn quá chung chung
Dự thảo luật (Luật GDĐH – PV) đã cố gắng bám sát các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển ĐH cũng như đã đề cập khá toàn diện đến các vấn đề có liên quan đến phát triển và quản lý GDĐH ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, phải nói rằng dự thảo luật còn quá chung chung, rất khó triển khai thực hiện trong thực tế. Tôi xin góp một số điểm cụ thể như sau:
– Thứ nhất, GDĐH, theo như quy định ở khoản 2 điều 10 là có 2 loại hình công lập và tư thục. Hai loại hình này khác nhau căn bản là chủ sở hữu. Bởi vậy, tuy có những điểm chung song nó cũng có nhiều điểm khác biệt nhất là về nguồn lực tài chính, cách thức huy động và sử dụng nguồn lực này. Do đó, luật cũng không thể quy định chung mọi thứ cho hai loại hình trường này như nhau được.
– Thứ hai, về cơ sở GDĐH, cũng cần quy định rõ ràng ở Việt Nam có những mô hình GDĐH nào, điều kiện cụ thể để thành lập từng mô hình này là gì? Bởi, hiện ở Việt Nam đang tồn tại 5 mô hình GDĐH khác nhau: ĐH quốc gia, ĐH vùng, trường ĐH, học viện và viện ĐH. Chúng ta chưa có đánh giá cụ thể nào đối với 5 mô hình này mà luật cứ quy định chung chung như điều 10 thì tôi lo rằng chúng ta cũng chẳng có bước tiến nào so với hiện tại khi luật được ban hành.
– Thứ ba, về nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục ĐH, tại khoản 1 điều 11 của dự thảo luật quy định như sau: Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở GDĐH; triển khai hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật; tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý cơ sở GDĐH; quản lý người học, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên, người học, bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục; các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tôi nghĩ quy định như vậy là không ổn. Bởi lẽ, chúng ta biết các trường ĐH luôn có hai nhiệm vụ chủ yếu: Đào tạo nhân lực, nhân tài cho đất nước và nghiên cứu khoa học. Không giao nhiệm vụ nghiên cứu cho các cơ sở GDĐH là một sai lầm nghiêm trọng. Hơn nữa, quy định các trường chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giảng viên thôi là không đúng. Họ còn phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công nhân viên làm việc trong trường nữa.
– Thứ tư, về quyền hạn của các cơ sở GDĐH được quy định tại khoản 2 điều 11, theo tôi không nêu bật được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH, nhất là các cơ sở công lập.
Năm yếu tố quyết định quyền tự chủ
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH, theo tôi phải được khẳng định ở năm yếu tố sau:
– Tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Quyền tự chủ này được thể hiện ở các mặt: Tự quyết định việc mở các ngành, chuyên ngành đào tạo dựa trên cơ sở đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường trên cơ sở quy định của Bộ GD-ĐT; tự quyết định chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cho từng bậc học dựa trên những chuẩn mực do bộ quy định, đặc biệt là dựa trên nhu cầu thực tiễn của xã hội; tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh các bậc học và trường…
– Tự chủ về công tác tổ chức và cán bộ. Quyền này phải được thể hiện như tự quyết định về mô hình tổ chức bộ máy của nhà trường và xác định các cơ chế chủ yếu đảm bảo cho bộ máy đó vận hành trôi chảy, đạt hiệu quả cao; tự quyết định việc tuyển dụng các loại cán bộ phục vụ trong bộ máy của nhà trường; tự quyết định chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ…
– Tự chủ về tài chính, bao gồm: Tự chủ trong việc tổ chức khai thác các nguồn thu từ các hoạt động do nhà trường tổ chức; tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính nhà trường thu được để trả thù lao cho người lao động, xây dựng mới, sửa chữa… dựa trên những quy định về kế toán, kiểm toán…
– Tự chủ trong hợp tác quốc tế như tự quyết định việc lựa chọn đối tác, nội dung, chương trình và phương thức hợp tác với các trường ĐH, các viện nghiên cứu của các nước; tự quyết định mời các chuyên gia, các nhà khoa học là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu tại trường…
– Tự chịu trách nhiệm, bao gồm: Tự chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, pháp luật về mọi quyết định, việc làm và hành vi của nhà trường; tự chịu trách nhiệm trước xã hội về các sản phẩm và dịch vụ do nhà trường tạo ra và cung cấp; tự chịu trách nhiệm về sự phát triển của nhà trường, về việc làm, thu nhập và đời sống của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, về quản lý sinh viên và học viên các hệ đào tạo.
Tôi cho rằng các nội dung trên là những vấn đề cốt lõi cần được thể hiện trong Luật GDĐH.n
 
Nghiêm Huê (ghi)
* Tựa và tít do tòa soạn tự đặt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)