Quản lý cấp phép cho các nhóm trẻ gia đình lâu nay đã trở thành một vấn đề nan giải của không chỉ ngành giáo dục mà còn cả chính quyền địa phương. “Dẹp rồi lại mọc lên” là điệp khúc nói mãi của các cơ quan có thẩm quyền. Nhóm trẻ gia đình vẫn “nở rộ” kéo theo nhiều hệ lụy thiếu giáo viên, không đảm bảo an toàn cho trẻ…
Cầu vượt cung
* TPHCM có 417 trường mầm non công lập, hơn 300 trường tư thục và 875 nhóm trẻ gia đình.
* Các trường công lập tại TPHCM còn thiếu trên 500 giáo viên, các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình thiếu trên 3.000 giáo viên.
* 15 phường, xã tại TPHCM chưa có trường mầm non công lập.
|
Tại nhóm trẻ gia đình Gấu Trắng (quận 12), các phòng ốc đều nhỏ hẹp nhưng mỗi lớp có tới 35-40 em chen chúc nhau trong căn phòng nhỏ.
Với diện tích của các phòng học này, theo quy định để được cấp phép thì chỉ được nuôi dạy khoảng 70-80 em, nhưng các phòng đều được chủ nhóm nhận gấp đôi sĩ số cho phép. Lớp đông, nhưng cũng chỉ có một giáo viên và một bảo mẫu.
Quận 12 có tới 89 nhóm trẻ, trường tư thục. Riêng phường Hiệp Thành đã có đến 24 nhóm, trường tư thục. Trong đợt thanh tra, kiểm tra vừa qua, có đến 33 nhóm không đạt yêu cầu do vượt sĩ số theo quy định, giáo viên ở các nhóm này chủ yếu là những bảo mẫu được đào tạo cấp tốc 3- 6 tháng.
Ở các quận Bình Tân, Thủ Đức, Bình Thạnh… từ hẻm nhỏ đến hẻm to nhiều nhóm trẻ gia đình mọc lên như nấm. “Tăng thì năm nào, tháng nào cũng tăng. Chúng tôi thường xuyên nhận được cả xấp hồ sơ xin thành lập trường, mở nhóm… Mệt mỏi nhất là khi đi thẩm định cấp phép. Nhìn qua thì đạt yêu cầu nhưng tháng sau quay lại thì không còn chuẩn nào đạt nữa. Cô giáo thì không có người nào có nghiệp vụ mà toàn là bảo mẫu”, bà Đỗ Thị Giang, Phó Phòng GD-ĐT quận Bình Tân than thở.
Thực tế những khu vực đông dân nhập cư như quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Thạnh… trường lớp dường như ngày càng thu hẹp lại, người dân không có điều kiện để gởi con vào những trường có điều kiện tốt hơn, đành chấp nhận gởi trong những cơ sở mầm non chưa đạt chuẩn.
Thống kê của các quận huyện, có tới hơn 60% trẻ trong độ tuổi mầm non hiện nay phải học trong những nhóm trẻ gia đình, trường tư thục. Đã có cả những trường hợp trẻ không được học qua bậc mầm non. Thậm chí không ít trường hợp đến xin học cho con nhưng thất vọng ra về vì hết chỗ. Chị Hương Giang với đôi mắt đỏ hoe nói: “Cả hai vợ chồng đều ở quê vào xin làm công nhân may. Việc đã xin được rồi mà mấy ngày nay đi xin chỗ gởi con không được. Không gởi được cháu, em không biết phải làm sao đi làm ?!”.
Quản lý lỏng lẻo
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định: “Đây là nhu cầu rất thiết thực của người dân. Tuy nhiên, đảm bảo an toàn cho trẻ vẫn là tiêu chí đặt ra hàng đầu. Những nhóm vượt quá sĩ số quy định sẽ phải giảm sĩ số. Nhóm có trên 3 lớp chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn để động viên họ từng bước nâng cao chất lượng, nâng lên thành trường. Những trường hợp không đạt yêu cầu tối thiểu nên có biện pháp kiên quyết cho đóng cửa ngay, để tránh những rủi ro có thể xảy ra với trẻ.
Giờ ăn trưa tại một nhóm trẻ gia đình.
|
Dù kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng phụ huynh vẫn phải cắn răng chấp nhận, bởi không gởi ở những nơi này thì con họ biết gởi vào đâu? Hệ thống các trường mầm non công lập tại TPHCM đã quá tải từ nhiều năm nay. Thậm chí ở thành phố thuộc loại bậc nhất của cả nước vẫn còn tới 15 phường, xã chưa có trường mầm non. Những tai nạn đáng tiếc đã từng xảy ra tại những nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên việc khắc phục xem ra vẫn còn giậm chân tại chỗ. “Đây là lỗ hổng lớn trong sự nghiệp chăm sóc trẻ”.
Giải quyết căn cơ về cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non là đòi hỏi thực tế. UBND TPHCM cũng đã có quy định buộc chủ đầu tư khi xây dựng nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư mới… phải dành kinh phí xây dựng trường mầm non để công nhân yên tâm làm việc. Nhưng thực tế không được như vậy. Đã đến lúc cần hơn nữa sự quyết tâm của các ngành, các cấp có trách nhiệm.
Theo Lê Linh / SGGP
Bình luận (0)