Là một tỉnh miền núi với 27 dân tộc trong đó dân tộc thiểu số chiếm 12,2%, đến nay Bắc Giang đã có hơn 50% trường học đạt chuẩn quốc gia. Vậy nguyên nhân nào tạo nên sự đột biến như vậy của ngành giáo dục Bắc Giang?
Câu hỏi này đã được chính ông Ngô Văn Thọ – Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang phần nào giải đáp tại cuộc hội thảo Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2009-2010 vừa được tổ chức ở Sa Pa, Lào Cai.
Hội nghị này là sáng kiến của 15 giám đốc Sở GD-ĐT vùng 1 nhằm mục đích cùng ngồi lại để phân tích đánh giá và học hỏi để làm sao nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Lãnh đạo 15 Sở GD-ĐT các tỉnh vùng 1 cùng trao đổi để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Thực trạng phát sinh ra giải pháp
Theo ông Ngô Văn Thọ thì Sở GD-ĐT Bắc Giang đã nhận thấy những tồn tại về công tác quản lý giáo dục mà bắt đầu từ việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp bô trí đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) chưa hợp lý.
Cụ thể, trong thời gian qua các địa phương thực hiện phân cấp quản lý mới về công tác tổ chức cán bộ và biên chế. Một số địa phương khi bố trí CBQL, GV vẫn để tình trạng “hồng” mà không “chuyên, có nơi bố trí CBQL, GV do mối quan hệ nhiều hơn là căn cứ vào năng lực, phẩm chất của cán bộ, dẫn đến những hạn chế bất cập như: quan liêu, chậm tiến bộ và không chịu đổi mới, từ đó phát sinh hiện tượng buông lỏng quản lý, chất lượng giáo dục không tiến bộ trong nhiều năm…
Bên cạnh đó, một số CBQL khi được bổ nhiệm đã thể hiện sự thiếu năng lực, không mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm. Nhiều GV khi được điều động công tác về giảng dạy trong nhiều năm thì lại có tư tưởng “an phận thủ thường” không có ý chí vươn lên, thiếu tinh thần tự giác học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới, chậm đổi mới phương pháp dạy học.
Qua các kì kiểm tra thì cho thấy một số GV còn bộ lộ sự yếu kém về kiến thức chuyên môn trong khi toàn ngành đang tích cực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học.
Ngoài ra, một số nhà trường sau khi đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia thì việc duy trì và phát triển chất lượng trường chuẩn thiếu tích cực, đặc biệt là chất lượng học tập trong khi đang thực hiện quyết liệt phong trào “Hai không”.
Đứng trước thực trạng đó, ngành giáo dục Bắc Giang đã tập trung bàn các giải pháp có tính đột phá trong công tác quản lý chỉ đạo với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, GV và nâng cao chất lượng giáo dục.
Giải pháp đột biến: Tuyển chọn chức danh hiệu trưởng trường THPT
Chia sẻ tại hội nghị, ông Thọ cho biết một trong những giải pháp đột biến của ngành giáo dục Bắc Giang năm 2009-2010 đó là tổ chức tuyển chọn chức danh hiệu trưởng trường THPT.
Theo ông Thọ thì đây là một giải pháp đột phá bãi bỏ thế tuần tự, khép kín trước đây, nhằm tuyển chọn và bổ nhiệm người đứng đầu, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng viên khi tham gia tuyển chọn, đồng thời phát huy dân chủ trong trường học, đó là việc GV được tham gia lựa chọn người đứng đầu và giám sát chương trình hành động của hiệu trưởng khi được tuyển chọn điều hành quản lý trường học.
Ông Thọ cũng cho biết, với phương thức thực hiện giải pháp như vậy thì ở năm 2009 đã tuyển chọn được 4 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng trường THPT.
Để nâng cao chất lượng GV, Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng đã tiến hành tổ chức kiểm tra kiến thức và coi đây là một giải pháp có tính đột phá trong năm học.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì khi quyết định lựa chọn giải pháp tổ chức kiểm tra kiến thức GV, Sở GD-ĐT Bắc Giang đã chịu nhiều sức ép từ phía GV. Bởi theo ý kiến của các thầy cô thì trình độ kiến thức thể hiện qua tấm bằng tốt nghiệp ĐH, chính vì thế việc tổ chức kiểm tra đánh gia lại là không “tôn trọng” tấm bằng của họ.
Chia sẻ về những khó khăn khi triển khai giải pháp này, ông Thọ cho biết: “Thật sự ra hiện nay không ít GV bằng lòng với tấm bằng của mình. Hơn thế nữa do sự đánh giá không khách quan nên GV không bao giờ bị xếp loại trung bình. Chính vì thế đã tạo cho không ít GV phớt lờ mục tiêu phấn đấu, nhất là những người đã có tuổi. Trong khi đó, giải pháp này được các GV trẻ hưởng ứng bởi các em xác định đây là cơ hội để nâng cao trình độ khẳng định mình”.
Theo ông Thọ, sau khi kiểm tra như vậy ở học kì thi I năm học 2009-2010, toàn tỉnh Bắc Giang có đến gần 13% GV trong tổng số GV tham gia các kỳ kiểm tra chưa đạt yêu cầu (dưới điểm trung bình). Đối với những đối tượng này thì tiếp tục phải có kế hoạch tự học, bồi dưỡng và được tổ chức kiểm tra lại trong kì II. Kết quả kiểm tra kiến thức là một tiêu chí để đánh giá xếp loại GV theo chuẩn nghề nghiệp, những GV không đạt chuẩn nghề nghiệp được đào tạo lại.
Quyết liệt với giải pháp đưa ra, ông Thọ tiết lộ: “ Năm 2010 tỉnh Bắc Giang đã bố trí gần 1 tỷ đồng cho ngành để thực hiện đào tạo lại số GV này. Sau các lần kiểm tra và đào tạo lại mà vẫn không đạt thì Sở sẽ nhất quyết tiến hành sàng lọc theo Nghị định số 132 của Chính phủ”.
Với cương vị là một khách mời tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Đây là một cách làm linh động và sáng tạo. Có thể khi triển khai sẽ gặp nhiều ý kiến bất đồng từ nhiều phía nhưng nếu lãnh đạo các Sở thấy hướng đi đó là đúng thì nên mạnh dạn làm”.
Chất lượng trường chuẩn sẽ tăng nếu trách nhiệm hiệu trưởng "nặng"
Trao đổi tại hội nghị, ông Ngô Văn Thọ cho rằng nên căn cứ vào kết quả kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT (đối với trường THCS) và thi tốt nghiệp THPT (đối với các trường THPT) để đánh giá chất lượng giáo dục văn hóa của các nhà trường. Các trường đã được công nhận đạt chuẩn mà tiêu chí không đạt chuẩn thì xem xét đề nghị thu hồi quyết định. Những trường THCS, THPT trong kế hoạch xây dựng chuẩn khi kiểm tra kỹ thuật mà điểm bình quân thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT quá thấp hoặc thấp hơn điểm bình quân trong huyện, thành phố thì không đề nghị xét công nhận.
“Cách làm này rất có hiệu quả đối với Bắc Giang vì đã nâng cao trách nhiệm hiệu trưởng. Khi trách nhiệm được nâng cao lên thì chắc chắn chất lượng lượng các trường chuẩn quốc gia sẽ được cải thiện đáng kể", ông Thọ chia sẻ.
|
Nguyễn Hùng / Dan tri
Bình luận (0)