Kiến thức nhân loại ngày nay đang tăng theo cấp số nhân, cứ khoảng 4-5 năm thì tăng lên gấp đôi. Trong khi đó số năm học phổ thông hay đại học thì không thể tăng theo như vậy, chỉ kéo dài thêm vài năm học cũng là cả một vấn đề nan giải rồi. Chỉ còn có cách là thay đổi chương trình, thay đổi cách dạy nhằm giúp cho người học được cung cấp những kiến thức hiện đại.
Cách dạy, cách trình bày kiến thức càng lên lớp cao càng thay đổi nhiều. Tình hình này khiến cho người trong ngành sư phạm cứ phải được bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng thêm hằng năm theo bộ môn của mình để theo kịp chương trình. Người có nghề dạy học mà còn vậy nữa là người ngoài nghề thì gặp nhiều khó khăn khi dạy con là điều tất nhiên.
Vậy cha mẹ phải làm sao để giúp con học ở nhà? Xin có lời khuyên: nếu muốn giúp con học một bộ môn nào đó thì cần đọc kỹ bộ sách giáo khoa của bộ môn thuộc cấp học mà con đang học, phải chịu khó học cái mới và cách diễn đạt mới rồi mới dạy con chứ không nên dạy theo “tuồng bụng”. Nhưng hãy nhớ là cha mẹ chỉ dừng lại ở chỗ giải thích cho con hiểu vấn đề và nhắc con vận dụng hiểu biết vào thực tế chứ tuyệt đối không học thay con, làm bài tập thay con, cho dù đó là bài thủ công hay bài văn, bài toán. Cha mẹ chỉ có thể tập cho con “đi” chứ không “đi” thay con được.
Với ngành giáo dục, cũng xin có 2 đề nghị:
Một là, cha mẹ là lực lượng hỗ trợ rất tích cực cho ngành, là người thầy đầu tiên của đứa con của mình, nên trường học cần tìm cách tận dụng tối đa hiệu quả của lực lượng này. Nên có tài liệu, thậm chí lớp bồi dưỡng cập nhật hóa kiến thức phổ thông cho những ai thiết tha với việc giúp con học, nhất là học sinh có khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức tại lớp. Với truyền hình và internet, việc mở những lớp với người học tự nguyện này là việc hoàn toàn khả thi.
Hai là, đối với học sinh phổ thông, các nhà viết sách giáo khoa chớ nên tham mà chỉ chọn những kiến thức cơ bản nhất, thiết thực nhất, trình bày dễ hiểu nhất cho học trò học và để cho cha mẹ không tốn nhiều công sức để hiểu khi muốn giúp gỡ rối cho con. Cái uyên bác của người viết sách giáo khoa là làm cho vấn đề phức tạp trở thành dễ hiểu và gần gũi với lứa tuổi chứ không phải làm phức tạp thêm vấn đề. Hơn nữa mục tiêu cung cấp kiến thức của nhà trường phổ thông không phải là biến mọi trẻ em sau này thành chuyên gia có tầm cỡ về từng bộ môn được học trong trường mà chỉ là để làm người lao động, làm công dân, làm người biết cách học và ham học suốt đời. Bởi con người ta chỉ có thể thu lượm được 25% kiến thức cần cho cuộc sống của mình từ nhà trường, còn 75% còn lại là tự thu lượm ngoài đời thông qua trải nghiệm của bản thân.
TS Hồ Thiệu Hùng/TNO
Bình luận (0)