Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

La liệt lớp kém ở “vùng trũng” giáo dục Thủ đô

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh khối 12 trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đang đối mặt nguy cơ trượt tốt nghiệp như hàng trăm học sinh lớp 12 các khóa trước của trường.
Học sinh trường THPT Lưu Hoàng tranh thủ ôn thi trong ngày tổng kết năm học. Ảnh: Quý Hiên. 
Chúng tôi có mặt ở trường THPT Lưu Hoàng, tìm hiểu việc chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Nhóm học sinh gần chục bạn lớp 12A6 không một ai đạt điểm trung bình trong kỳ thi thử tốt nghiệp do trường tổ chức trước đó một tuần.
Mấy bạn nam nửa đùa nửa thật, trượt tốt nghiệp em lên Hà Nội làm xe ôm; một bạn nữ nói, em sẽ lấy chồng. Còn  Đào, một nữ sinh nhỏ bé nhất trong nhóm, nếu không đỗ, em sẽ học trung cấp.
“Năm nay không có kỳ thi lần hai nên muốn thi lại phải chờ sang năm. Mà sang năm thì kiến thức mai một hết, có thi cũng chẳng đỗ” – Đào nói.
12 A6 không phải là lớp kém nhất trong số 11 lớp 12 của trường THPT Lưu Hoàng năm nay. Nhưng, xác định lớp nào kém nhất thì thầy Thuật, Phó hiệu trưởng nhà trường cũng bối rối.
Một giáo viên tiếng Anh nghe vậy góp chuyện: “Các lớp A1, A2, A3 có vẻ khá hơn, còn lại lớp nào mà chẳng kém”.
Nghe có lý, thầy Thuật gọi thầy Hanh, chủ nhiệm lớp 12 A7 đứng gần đến để chúng tôi hỏi chuyện.
Hồi mới tuyển sinh lớp 10, lớp này có sĩ số lớn nhất trường: 58 học sinh. Giờ chỉ còn 40.
“Nhiều em vào lớp 10 nhưng đọc còn ngắc nga ngắc ngứ, làm toán thì không biết cộng trừ số âm, không biết quy đồng mẫu số khi cộng trừ số thập phân. Kết quả là 23 học sinh phải lưu ban. Những em được lên lớp vì không đến nỗi quá dở chứ cũng không hẳn do học lực đạt yêu cầu”.
Kỳ thi thử vừa rồi, lớp 12A7 chỉ có bốn em đạt kết quả trên trung bình (kể cả cộng điểm khuyến khích do đạt kết quả khá, giỏi về học nghề). So với tỷ lệ bình quân chung của toàn trường (gần một nửa học sinh đạt trung bình trở lên, kể cả điểm khuyến khích) trong đợt thi thử vừa qua, kết quả đó là quá thấp.
Tuy nhiên, do số học sinh đạt yêu cầu dồn vào mấy lớp A1, A2, A3 nên lớp A7 không lẻ loi trong danh sách những lớp nhiều học sinh có kết quả dưới trung bình.
Nước lã không vã nên hồ?
Từ năm 2000, trường THPT Lưu Hoàng tách cấp thành trường THPT như bây giờ. Nhưng cũng như hầu hết trường THPT khác của Hà Tây cũ, kết quả tốt nghiệp hàng năm của học sinh không phải là mối bận tâm của thầy trò nhà trường, bởi một lẽ đơn giản, năm nào tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp chẳng 99 – 100 phần trăm!
Chỉ từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, khi Bộ GD&ĐT phát động phong trào hai không, thầy trò trường THPT Lưu Hoàng mới được nếm mùi vị của thất bại.
Năm 2008, lần một, vẫn chỉ một phần ba trong số thí sinh dự thi của trường đỗ tốt nghiệp – trường có kết quả tốt nghiệp thuộc loại thấp nhất trong vùng!
Hiện tại, thầy trò nhà trường rối bời trước một kỳ thi không đem lại nhiều hứa hẹn.
Một giáo viên tâm sự: “Có bột mới gột nên hồ. Đằng này, các em khi vào trường hầu hết đều hổng kiến thức. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm ngoái, trong số 400 học sinh được gọi vào học, phần lớn các em đều đạt dưới điểm hai môn toán (đạt từ năm điểm trở lên chỉ khoảng 50 học sinh). Có học sinh chỉ đạt điểm thi 1,75 hai môn (văn 1,5 điểm/10; toán 0,25 điểm/10) cũng đã trúng tuyển”.
Vùng trũng
"Nhờ chấn chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT mà các trường THPT nhìn thấy được chất lượng thật của mình. Nhưng, giáo dục phải từ gốc. Phải làm sao để các trường tiểu học, THCS nhìn thấy được chất lượng thật của họ. Đừng đẩy lên cho chúng tôi những học sinh học lực không đạt yêu cầu" – Một lãnh đạo trường THPT kiến nghị.
Kể cả bây giờ, Hà Tây cũ vẫn được xem là đất học và là nơi có nhiều thành tích trong giáo dục phổ thông. Kể từ khi thực hiện hai không, thành tích đỗ tốt nghiệp của Hà Tây cũ giảm nhưng đây vẫn là một địa phương có kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (xếp thứ bảy trong cả nước tính theo điểm bình quân của thí sinh dự thi).
Nhưng, nhờ thực hiện hai không, bản đồ giáo dục Hà Tây cũ hiện rõ là vùng trũng và giờ đây vùng trũng đó thuộc về Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Vui, Phó phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: “Các huyện khác cũng có những trường mà tỷ lệ học sinh đỗ rất thấp (như ở Ba Vì có trường THPT Xuân Khanh), nhưng một số trường trên cùng địa bàn đỗ cao kéo lại. Còn với các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, gần như trường nào cũng đỗ rất thấp, kể cả những trường A (trường nằm ở trung tâm, mặt bằng dân trí cao)”.
Lý giải về hiệu quả giáo dục thấp (thể hiện ở tỷ lệ đỗ tốt nghiệp), mỗi trường đều nêu nhiều lý do. Có lý do chủ quan như cơ sở vật chất thiếu, giáo viên thiếu.
Chẳng hạn, trường THPT Hợp Thanh, Mỹ Đức không có chỗ học, học sinh phải đi học nhờ ở hai nơi (nơi nọ cách nơi kia vài ba chục km). Mãi năm học này, học sinh của trường mới được học ở trường mình (nằm trên địa bàn xã Hợp Thanh).
Hoặc, trường THPT Lưu Hoàng thiếu giáo viên trầm trọng. Cách đây hai tháng, trường được bổ sung 18 giáo viên (theo thầy Phạm Đình Đức, hiệu trưởng nhà trường thì đó là cái lợi mà trường có được từ việc Hà Tây sáp nhập Hà Nội), nhưng hiện tại vẫn thiếu gần chục giáo viên nữa.
Nhưng, một lý do khách quan mà tất cả hiệu trưởng khi được hỏi đều nhấn mạnh, đó là hiệu quả giáo dục các cấp học dưới quá thấp, dẫn đến mặt bằng đầu vào thấp.
Đầu vào như trường Lưu Hoàng nêu ở trên (1,75 điểm/ hai môn học) cũng chưa phải là điểm tuyển thấp nhất vùng.
Có trường như THPT Đại Cường (Ứng Hoà), chỉ cần học sinh không bị điểm chết (điểm 0) là đỗ. Ngay cả trường tốt nhất trên địa bàn huyện là trường THPT Ứng Hoà A, đầu vào của thí sinh cũng chỉ từ mức năm – sáu điểm/ hai môn. 
Quý Hiên (TPO)

Bình luận (0)