Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bộ trưởng GD-ĐT: “Không lấy phần tăng học phí để bù chi”

Tạp Chí Giáo Dục

“Để mỗi thầy giáo kèm sinh viên hơn, để có điều kiện thực tập tốt hơn, phải tăng chi phí đầu vào. Chi phí này người học đóng thêm và nhà nước cũng chi tăng thêm chứ không phải phần tăng của người học để bù cho việc chi toàn bộ…”.

Theo dan triThủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân “trả lời chất vấn” của báo giới xung quanh đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.
Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục Bộ GD-ĐT vừa trình QH đưa ra mức tăng học phí và các khoản chi cần thiết khác bằng 6% thu nhập gia đình được đánh giá là khá cao, làm khó đa phần học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn?
Theo nội dung này, người gặp khó khăn sẽ được quan tâm hơn. Xưa nay, hỗ trợ người học chỉ có biện pháp miễn học phí. Nhưng đề án này xác định nếu không đủ chi phí mua sách vở, giày dép, mua đồng phục… thì còn phải hỗ trợ kinh phí để làm việc đó. Đây là khái niệm chi phí học tập khác ngoài học phí. Trước khi đóng tiền học phải hỏi trước xem có đủ tiền mua những cái khác không, mua xong rồi, còn dư thì mới đóng, không dư thì không đóng. Bản chất vấn đề là như thế.
Nhưng thực ra các chi phí cần thiết khác này mới là phần đáng bàn. Căn cứ nào để xác định, thưa Bộ trưởng?
Phần này đúng là có ý kiến cho rằng không kiểm soát được nhưng thực ra chỉ có 5-7 mục: sách giáo khoa, vở mực bút, cặp, áo mưa, giày dép, quần áo đồng phục, tiền gửi xe đạp… Mỗi tỉnh, HĐND sẽ biết rằng ở địa phương mình số tiền này sẽ khoảng bao nhiêu. Đề án chỉ làm tổng quát là khoảng 70.000đ, mỗi năm tăng thêm 8%. Việc này các địa phương làm được. Đề án này mục đích cao nhất là để người nghèo được hỗ trợ nhiều hơn và được đi học.
Việc cần đổi mới cơ chế tài chính giáo dục thì dư luận cơ bản đã đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn giữa học phí tăng và chất lượng giáo dục làm sao phải tương quan với nhau. Công cụ nào kiểm chứng hiệu quả khi việc công khai chất lượng hiện chưa tốt?
Không phải là chưa tốt mà làm còn yếu bởi chưa có quy định chính thức là phải công khai những gì và kiểm tra đến đâu. Đề án này cũng nhắm vào việc đó. Chính phủ đưa 2 nguyên tắc, làm thế nào sử dụng hiệu quả nguồn vốn giáo dục và tăng nguồn thu ở mức dân chịu đựng được.
Để sử dụng hiệu quả thì có 7 giải pháp, trong đó có giải pháp quy định trách nhiệm kiểm tra của các cấp. Tài chính giáo dục kiểm tra cái gì, phòng GD-ĐT kiểm tra cái gì, về đến trường kiểm tra cái gì… sau đó sẽ phải công bố. Tôi cho rằng thông tin công khai, người dân có quyền lựa chọn thì chính áp lực xã hội buộc các trường nâng cao chất lượng một cách thực chất.
Mức tăng thu ở bậc cao đẳng, đại học đề xuất theo hướng nhà nước tránh “trợ giá” cho cả những đối tượng khá giả để san sẻ cho nhiều đối tượng chính sách hơn. Nhưng với phần lớn số người đi học ở cảnh khó khăn chứ không phải dư dả thì bài toán san sao cho đủ?
Không phải. Học phí là góp phần tạo chi phí đào tạo cao hơn. Đầu tiên chúng ta cần xác định có cần tăng chi phí cho đào tạo không để thầy giáo kèm ít sinh viên hơn, để có điều kiện thực tập tốt hơn. Cái này phải tăng chi phí đầu vào. Nhưng chi phí được giải quyết bằng 2 nguồn là người học và nhà nước. Bài toán ở đây là người học đóng thêm và nhà nước cũng chi tăng thêm nữa chứ không phải phần tăng của người học để bù cho việc chi toàn bộ.
Ngoài ra, với chính sách cho vay để học (cho vay rõ ràng là quyền của nhà nước), nếu học phí cao đẳng, đại học tăng thì mức cho vay cũng tăng lên tương ứng tức là người nghèo không bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính. Còn ai tự đóng được thì đóng.
Nghĩa là Bộ trưởng khẳng định việc tăng học phí sẽ không tước đi cơ hội học tập của nhóm học sinh, sinh viên nghèo?
Ngược lại, đề án này là để tạo cơ hội học tập nhiều hơn từ bậc mầm non đến đại học. Bản chất của nó là tạo cơ hội hơn, bằng cách nhà nước tăng hỗ trợ, nhưng người nào có khả năng thì cũng nên đóng góp thêm để tổng nguồn xã hội tăng thêm. Như vậy sẽ có 3 vế là tăng chất lượng, tăng quy mô, tăng đóng góp (người dân đóng góp nhưng trong quy mô không được gây quá tải).
Thẩm tra đề án, UB văn hoá giáo dục của QH cũng “chỉnh” một vấn đề nữa là mức học phí học nghề tăng cao hơn hẳn, cùng “chiếu” với khối cao đẳng?
Việc này là vì trước nay ta quan niệm đào tạo nghề là rẻ cho nên trung cấp nghề đánh giá là rẻ hơn trung cấp thường nhưng anh trung cấp nghề lại bảo nghề thực hành nhiều, tốn que hàn, tốn xăng dầu nhiều năm nên chi phí đào tạo nghề phải tăng. Trong cái tăng đó có chia sẻ, còn sau cái này sẽ cụ thể hoá tiếp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bài: P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng (Dan tri)

Bình luận (0)