Khi chuyển từ loại hình đào tạo niên chế truyền thống sang tín chỉ (TC) thì cần thay đổi cả chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thư viện… Nhưng rất nhiều trường ĐH, CĐ chưa đủ khả năng nên trên thực tế, TC hiện nay còn nửa vời.
Theo lộ trình của Bộ
GD-ĐT, đến năm 2010 tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước phải áp dụng hình thức đào tạo TC. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, chỉ có khoảng hơn 10% số trường thực hiện và đã vấp phải không ít khó khăn.
SV tìm hiểu thông tin để đăng ký tín chỉ tại trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) – Ảnh: Đ.N.T
Ở những trường bắt đầu áp dụng quy chế đào tạo này thường xảy ra tình trạng có rất đông sinh viên (SV) bị buộc thôi học ngay từ năm đầu tiên.
Điển hình là trường hợp ở trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Vào năm học 2008-2009, hơn 1.000 SV rơi vào diện phải buộc thôi học do không đủ điểm. Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng), năm đầu áp dụng quy chế này cũng đã rơi vào tình trạng tương tự. Mới đây nhất là sự kiện của trường ĐH Mỏ – Địa chất. Nhà trường cũng bất ngờ với 856 SV nằm trong danh sách buộc thôi học sau khi kết thúc năm học đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo TC.
Điều đáng nói là so với quy chế đào tạo cũ thì những SV trên không đến nỗi thuộc diện phải đuổi học. Vì vậy hầu hết các trường đều phải tìm cách để “vớt” lại số SV rơi vào tình trạng này. Ban giám hiệu ĐH Đà Nẵng chỉ cho thôi học 161 SV kém nhất. Số còn lại sẽ phải kéo dài thời gian học tập thêm 1 năm nữa để cải thiện lại điểm của mình. Trường ĐH Mỏ – Địa chất đã chuyển số SV không đủ điều kiện học tiếp ĐH sang bậc CĐ. Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng) cũng có cách xử lý tương tự. Tuy nhiên, các xử lý này đều là những biện pháp đối phó nên việc SV bị thôi học cứ liên tục diễn ra hết trường này đến trường khác.
Do SV “chưa quen”?
Đi đầu thực hiện ý tưởng này là trường ĐH Bách khoa TP.HCM (năm 1993). Sau đó đến các trường ĐH Xây dựng Hà Nội, trường ĐH Thăng Long. Đến năm 2007, có 12 trường ĐH thực hiện đào tạo theo TC. Tháng 8.2007, Bộ GD-ĐT cho ra đời Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống TC. Hiện nay, có 50 trường (45 ĐH, 5 CĐ trong tổng số 154 trường ĐH và 228 trường CĐ) trên cả nước thực hiện chế độ đào tạo theo TC. |
Hầu hết các trường lý giải tình trạng này là do SV chưa quen với hình thức đào tạo mới. Quy chế đào tạo TC đòi hỏi SV phải tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn so với niên chế. Một đơn vị TC được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn bị cá nhân. Nhưng đa số SV chưa quen với cách học này. Học theo TC, cần phải có lực lượng cố vấn học tập. Tuy nhiên, lực lượng này ở các trường chưa tốt nên nhiều SV đăng ký học quá sức so với khả năng, cũng buộc phải chấp nhận bị thôi học.
Tiếp xúc với phóng viên, PGS-TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ – Địa chất cho rằng, Quy chế 43 về đào tạo TC đưa ra yêu cầu cao hơn so với điều kiện thực tế. “Những SV thi vào ĐH Mỏ – Địa chất có học lực vừa phải. Vì vậy khi đào tạo theo TC nhiều em đuối sức do yêu cầu cao hơn so với đào tạo theo niên chế. Ví dụ, đối với niên chế, 5 là điểm trung bình nhưng sang TC thì điểm trung bình phải là 5,5”, ông Thắng lý giải.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phúc, giảng viên trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, lý giải: “Yêu cầu SV năm thứ nhất phải ngay lập tức có khả năng tự học và tự nghiên cứu là điều khó khăn. Bởi các em đã quen cách học ở phổ thông theo kiểu một chiều, thầy đọc trò chép, thầy giảng trò ghi”…
Bất cập từ nhà trường
Trong khi đó, nhiều SV cho biết, việc bố trí giờ học của nhà trường cũng như công tác thư viện chưa thực sự hỗ trợ cho người học theo hệ thống TC. Ở nhiều trường ĐH, thư viện chỉ mở vào những giờ SV lên lớp nên hầu như họ không có nơi để được thỏa mãn nhu cầu tự học. Việc tìm tài liệu cũng khó khăn vì không phải lúc nào cũng có thể tìm được đúng tài liệu mà giảng viên liệt kê ở thư viện.
Tại một hội nghị bàn về Đổi mới phương pháp giảng dạy ĐH theo hệ thống TC, GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, khối lượng kiến thức trong đào tạo TC của VN cao hơn so với khu vực. Hiện các nước trong khu vực quy định số lượng TC tối thiểu hệ ĐH 4 năm chỉ vào khoảng từ 120 – 150 đơn vị học trình, còn ở VN vào khoảng 180 – 200 đơn vị.
Tổng kết năm học 2007 – 2008, các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT cần phải điều chỉnh hoặc xây dựng lại chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, đến nay, các quy định về đào tạo TC do Bộ GD-ĐT ban hành vẫn chưa thay đổi.
Học theo tín chỉ là gì?
Đào tạo theo hệ thống TC xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Đặc trưng của hệ thống này là kiến thức được cấu trúc thành các học phần.
Khối lượng kiến thức tích được đánh giá theo thang điểm chữ A, B, C, D được chuyển thành điểm chữ như sau: Loại đạt: gồm: Giỏi A (8,5 – 10), Khá B (7,0 – 8,4), Trung bình C (5,5 – 6,9), Trung bình yếu D (4,0 – 5,4). Loại không đạt: Kém F (dưới 4,0). SV có học phần bắt buộc bị điểm F phải đăng ký học lại học phần đó ở một trong các học kỳ tiếp theo cho đến khi đạt điểm A, B, C hoặc D.
Hạng tốt nghiệp được xác định theo điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học, như sau: loại Xuất sắc: từ 3,6 đến 4; loại Giỏi: từ 3,2 đến 3,59; loại Khá: từ 2,5 đến 3,19; loại Trung bình: từ 2 đến 2,49.
(Trích Quy chế 43 về đào tạo ĐH, CĐ theo TC do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007)
|
Rắc rối thang điểm
Hàng trăm SV khóa 2006-2010 trường ĐH Đà Nẵng, khóa đầu tiên tốt nghiệp đào tạo theo hệ TC, ngao ngán với nhiều rắc rối trong quá trình xin việc.
Cao Thị Hòa nộp đơn xét tuyển ngạch giáo viên THPT của Sở GD-ĐT Quảng Nam. Cuối hạn nộp hồ sơ, người trong Sở gọi lên và thông báo, cần phải có giấy xác nhận của nhà trường quy đổi điểm từ "thang điểm 4" sang "thang điểm 10" để tiện việc xét tuyển vì Sở không có người ngồi cộng trừ nhân chia việc này.
Theo TS Nguyễn Tấn Lê, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, có gần 500 SV mới tốt nghiệp đến xin cấp lại bảng điểm có thang điểm 4 và thang điểm 10, đồng thời cấp giấy xác nhận kết quả chung toàn khóa. Chỉ trừ TP Đà Nẵng, còn hầu hết ngành giáo dục các tỉnh thành khu vực miền Trung đều không đồng ý với thang điểm 4, bắt buộc các tân cử nhân phải về trường quy đổi.
Trường hợp của Hòa sau khi quy đổi không bị ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhưng trường hợp của Nguyễn Thị Ngọc thì lại là một chuyện khác. Theo kết quả học tập của hệ TC, thì nếu tính thang điểm 4, kết quả của Ngọc là 3,2, đạt loại giỏi. Thế nhưng, khi quy đổi sang thang điểm 10, thì chỉ đạt 7,99 – không đủ điểm xếp loại giỏi. Nơi Ngọc xin việc cũng không chịu công nhận kết quả tốt nghiệp này là loại giỏi, bởi cho rằng, 7,99 sao lại đạt loại giỏi!
"Rất nhiều em rơi vào tình cảnh này gọi điện khóc òa! Chịu, chúng tôi cũng không biết giải quyết làm sao bởi độ vênh trong khi quy đổi là tất yếu", TS Lê lắc đầu ngao ngán.
Diệu Hiền
|
Vũ Thơ / Thanh nien
Tin liên quan
Vừa qua, tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (quận 6, TP.HCM), cuộc thi “The Students’ Talents Show” đã diễn ra sôi động,...
TS. Trần Hoàng Dũng - giáo sư trợ lý từ Mỹ giành giải thưởng xuất sắc nhất tại lễ vinh danh tiến...
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng một lớp học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những giờ...
Sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói…...
Bình luận (0)