Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng tính tự chủ cho trường Đại học – Cao đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

“2 trong 1”: Bỏ 1 nào trong 2?
Trước hết, tôi nghĩ việc Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về một chủ trương lớn này là hết sức cần thiết. Dư luận xã hội hết sức hoan nghênh Báo SGGP, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã mở diễn đàn hết sức có ý nghĩa này.
Và mục tiêu “2 trong 1”, chắc chắn được đón nhận cao. Tuy nhiên, vấn đề còn tranh luận là bỏ 1 nào trong 2 kỳ thi? Tôi nghĩ việc xác định mục tiêu là quan trọng, sau đó là phương cách để đạt được mục tiêu đó.
Bộ GD-ĐT cũng đã nghiên cứu, điều tra rất kỹ và có cơ sở lý luận thực tiễn để đưa ra quyết định quan trọng này. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và ảnh hưởng đến số đông xã hội, đương nhiên cần phải có sự đồng thuận cao của xã hội. Nghiên cứu kỹ sẽ tránh việc thử nghiệm, nhất là thử nghiệm trong giáo dục và đào tạo sẽ có tính rủi ro rất cao, mà “sản phẩm” trực tiếp lại là con người, trình độ nhân lực trong tương lai.
Kỳ thi THPT quốc gia cũng giống như mô hình đối với học sinh lớp 9 (xét tốt nghiệp và thi tuyển vào lớp 10). Chọn 1 kỳ thi này cũng giảm thiểu chi phí cho bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời là cơ sở “sàng lọc” trước chất lượng thí sinh đầu vào các trường ĐH-CĐ.
Hiện tại kỳ thi tốt nghiệp THPT được xem là nghiêm túc, có những mặt tích cực. Song, liệu những yếu tố tích cực này còn được duy trì không nếu như cuộc thi này phải “gánh” thêm mục tiêu thứ 2, thứ 3…? Chắc chắn không thể! Khi đó, sự việc sẽ trở nên phức tạp, rối rắm hơn, tốn kém hơn nhiều lần. Và có thể chúng ta phải giải quyết những hệ quả là hàng loạt những tiêu cực mang tính hệ thống xuyên cấp?! Như vậy, tôi sẽ trả lời câu hỏi thứ nhất: nếu bỏ 2 trong 1, phải bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT! Vậy kỳ thi còn lại sẽ được tiến hành như thế nào để đảm bảo tính công bằng, khách quan và chuẩn mực?
Các trường tự chủ, Bộ GD-ĐT giám sát
Làm công tác đào tạo, hỗ trợ sinh viên liên quan đến tiếp xúc doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động từ nguồn đào tạo, tôi vẫn tiếc nuối kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo cách trước đây: Các trường tự tổ chức thi tuyển sinh tùy theo điều kiện đặc thù. Bằng chứng sống cho nếp nghĩ này là nhà tuyển dụng, nhà trường và chính những SV đã đậu và học ĐH theo nguyện vọng 2, 3 đều… buồn.
Thống kê cho thấy, hàng năm có trên 30% chỉ tiêu tuyển sinh được dành cho NV2, 3. Trong đó, một tỷ lệ không nhỏ TS chỉ quyết tâm phải đậu ĐH-CĐ bằng được và dừng ở đấy. Theo học nhưng SV phải học ngành không yêu thích, thiếu đam mê và các em lại bỏ dở giữa chừng để tìm kiếm cơ hội mới có phải là quá lãng phí trong đào tạo?! Điều này trái với mục tiêu hướng đến của chương trình tư vấn hướng nghiệp “Tiên hướng nghiệp, hậu hướng trường” của Báo SGGP và mong ước mà xã hội hướng đến. Phải chăng NV2, 3 là “sân bay quá cảnh”, là trạm dừng chân tạm thời của các em? Điều này cho thấy hạn chế của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung” tuy đã đạt được tiêu chí quan trọng là không để TS có điểm cao lại rớt ĐH!?
Một số ví dụ để nói lên chính kiến của mình: tiếc cho kỳ thi do chính các trường tự tổ chức, nhất là những ngành năng khiếu nghệ thuật, kỹ thuật có tính đặc thù cao. Nên chăng để các trường ĐH, CĐ tự chủ và tự chịu trách nhiệm khâu tuyển sinh: một công đoạn quan trọng của chuỗi quá trình đào tạo. Tuyển sinh rất cần tính thực chất và nên do chính các nhà trường tự quyết. Trường ĐH, CĐ, TCCN… là nơi chịu trách nhiệm chính về chất lượng đào tạo, vì vậy nên trao quyền tuyển sinh cho nhà trường. Đương nhiên, nhà trường tuyển sinh dưới sự định hướng, chỉ đạo, giám sát của Bộ GD-ĐT. Các trường có thể đặt ra tiêu chí, hình thức tuyển sinh sao cho phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề, khu vực.
Và, trả lời cho câu hỏi thứ 2 này: nếu vượt qua được sự mang tiếng “đổi mới” những điều “mới đổi”, nên trở lại hình thức tuyển sinh trước đây: các trường tự tổ chức kỳ thi dưới sự giám sát tối đa của Bộ GD-ĐT. Dẫu biết rằng quay lại cơ chế trước đó là rất khó nhưng… không có sự bắt đầu nào là muộn cả!?
Th.S TRẦN ĐÌNH LÝ
(Ban chủ nhiệm CLB hướng nghiệp các trường ĐH-CĐ phía Nam)
 

Bình luận (0)