Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

GD-ĐT Hà Nội: Một năm chuyển mình

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành GD-ĐT Hà Nội mới đã tròn một năm tuổi – một năm ghi dấu biết bao sự kiện, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ để đạt mục tiêu giảm dần sự khác biệt về mọi mặt giữa các vùng, miền. Những thành quả gặt hái được sau một năm bộn bề thử thách là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vì mục tiêu chung của mọi thành viên trong ngành.

Giờ học vi tính của học sinh Trường Tiểu học Thanh Trì. Ảnh: Trung Kiên

Sớm ổn định, đồng lòng vì mục tiêu chung

Còn nhớ, ngay giữa bộn bề công việc của những ngày đầu mới hợp nhất, cùng với các lực lượng khác, ngành GD-ĐT Thủ đô đã phải đối mặt với trận mưa lụt lớn ít có trong lịch sử. Hơn 70 nghìn cán bộ, giáo viên toàn ngành ngày đêm xoay xở trong nước lũ để bảo đảm tài sản, con người và tiến độ chương trình dạy học ở hơn 2.300 trường học trên địa bàn TP, rồi hối hả khôi phục hậu quả mưa lụt, dạy bù, học bù, không quên kèm cặp những HS yếu, kém, nghỉ học dài ngày… để đến khi kết thúc năm học, chất lượng vẫn ổn định và có chiều hướng tiến bộ. Có được những kết quả ấy, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, là nhờ sự chỉ đạo kiên quyết, thống nhất và phù hợp để tạo nên mối đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên mọi địa bàn ngay trong những thời khắc khó khăn nhất.

Chuyển biến về các điều kiện phục vụ dạy – học

 
Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà nhằm giảm dần sự khác biệt nhất định giữa các địa bàn cũ và mới sau khi mở rộng được lãnh đạo ngành xác định ngay từ những ngày đầu và trở thành nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2008-2009. Hai yếu tố có tác động lớn nhất tới chất lượng là điều kiện cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ được đặc biệt quan tâm.
Trong năm học, Hà Nội đã xây mới để thay thế được 800 phòng học tạm và cấp 4 với tổng kinh phí 300 tỷ đồng, ngoài ra cũng dành gần 250 tỷ đồng để cải tạo, xây mới gần 1.200 phòng học – góp phần làm tăng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia lên 456 trường, đạt tỷ lệ 20,9%. Tỷ lệ này chắc chắn sẽ còn tăng lên vào năm 2010 khi toàn ngành triển khai xong kế hoạch của TP để xóa hơn 5.500 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, chưa kể 3.000 tỷ đồng từ Đề án phát triển giáo dục mầm non tới năm 2015 vừa được HĐND TP phê duyệt.
Bên cạnh việc dành 126 tỷ đồng để xây mới "cỗ máy cái" – Trường Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ giáo dục Hà Nội, kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (CB, GV) toàn ngành ngày càng tăng, từ 8,4 tỷ đồng (năm 2008) lên 10,5 tỷ đồng trong năm nay. Hơn 30.000 lượt CB, GV đã được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có gần 4.000 lượt người được bồi dưỡng về giảng dạy chương trình – SGK mới lớp 12, lớp cuối cùng thực hiện việc đổi mới chương trình – SGK phân ban đại trà.
Dấu ấn về chất lượng
Một trong những kết quả ghi dấu ấn đậm nét của ngành GD-ĐT Thủ đô sau một năm triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh địa giới hành chính mở rộng là tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT với tỷ lệ đỗ 88,28%. Các "điểm nóng" khu vực mở rộng được kiểm soát hoàn toàn, số HS vi phạm quy chế giảm hẳn so với các năm trước, trong khi số lượng HS tham gia kỳ thi lên tới gần 100.000 em – nhiều nhất cả nước.
Tuy nhiên, sự chênh lệch đáng kể về kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2009-2010 của hơn 83 nghìn HS vừa qua đã một lần nữa càng cho thấy những khó khăn mà ngành GD-ĐT phải đối mặt, song cũng chứng tỏ sự đúng đắn của mục tiêu mà ngành đã đặt ra. Lãnh đạo Sở cho biết, kết quả thi sẽ được so sánh với tỷ lệ xếp loại học lực của HS từng trường THCS để thấy rõ nơi nào làm thực chất, nơi nào chưa; dữ liệu này cũng sẽ được phân tích cụ thể tới từng trường, làm căn cứ để các cấp quản lý kịp thời có biện pháp chỉ đạo đơn vị từng bước nâng cao chất lượng.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội, những kết quả gặt hái được đã phản ánh đúng thực chất chất lượng ở các nhà trường, là sự chuyển biến phù hợp trong chặng đường một năm đầu hợp nhất và đã được Bộ GD-ĐT ghi nhận bằng Cờ thi đua xuất sắc, bằng khen cho 11 chỉ tiêu công tác. Kết quả ấy còn là minh chứng rõ nét về hiệu quả của những giải pháp mà Hà Nội đã tích cực triển khai trong thời gian qua, tiền đề quan trọng để ngành GD-ĐT Thủ đô tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn địa bàn.
Hồng Hạnh (HNM)

Bình luận (0)