Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh – sinh viên (HSSV) do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 3-8, Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình nhận định, chương trình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn học tập của nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Song các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ hơn để chương trình này đến được nhiều đối tượng hơn nữa…
Không để học sinh, sinh viên bỏ học vì khó khăn tài chính
Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 50.303 HSSV được vay hơn 517 tỷ đồng. Trong đó, cho vay thông qua gia đình là 511,5 tỷ đồng (47.388 hộ vay); còn lại là cho HSSV vay trực tiếp. Dư nợ với HSSV học đại học, cao đẳng là 409 tỷ đồng (chiếm 78,8% tổng dư nợ); dư nợ với HSSV học trung cấp là 94,5 tỷ đồng (chiếm 19,1%); còn lại là cho HSSV học nghề. Ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hà Nội cho biết, chi nhánh đã giải ngân cho vay kịp thời, không để HSSV nào phải bỏ học vì những khó khăn về tài chính. Thủ tục vay vốn liên tục được cải tiến theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với trình độ người vay. Mạng lưới hoạt động của chi nhánh rộng, với 436 điểm giao dịch cấp xã, thông qua hơn 6.000 tổ tiết kiệm.
Làm thủ tục cho HSSV vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN
Bà Nguyễn Thị Lợi, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Yên Thị (thuộc Hội Phụ nữ xã Tiến Thịnh – Mê Linh) cho biết, ngay khi có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, Hội đã phổ biến chính sách và đề nghị tổ trưởng các tổ tiết kiệm, chi hội trưởng phụ nữ tổng hợp danh sách những hộ có nhu cầu vay vốn để bảo đảm cho vay đúng đối tượng. Hiện, tổ Yên Thị nhận vốn ủy thác cho vay 4 chương trình tín dụng từ NHCSXH huyện, trong đó chương trình cho vay HSSV chiếm tỷ trọng dư nợ lớn (926,6 triệu đồng). Nhờ chương trình này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn có điều kiện cho con theo học tại các trường đại học, cao đẳng…
Bình luận (0)