Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh cần được trang bị kỹ năng sống

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình học nặng nề, nhiều môn học chỉ dạy lý thuyết, ghi chép nhiều, thực hành ít, học sinh ít được trang bị kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế để định hướng nghề nghiệp… là những vấn đề bức xúc được nêu ra tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM với trên 160 học sinh tiêu biểu, học giỏi ở các trường học vào ngày 25-3.
Cách dạy còn nhàm chán
Em Phạm Quỳnh Bảo Ngân, học sinh Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận) phát biểu, chương trình học quá nặng, đa phần tiết học chỉ dạy lý thuyết khiến việc tiếp thu kiến thức thụ động, một chiều. Vì thế, em đề nghị ngành GD-ĐT có thể tăng thêm nhiều tiết thực hành, sinh hoạt ngoại khóa để học sinh giảm áp lực học tập, có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống bổ ích.
Tương tự, em Nguyễn Nhật Vy (Trường THPT Thủ Đức) cũng bày tỏ: “Chương trình học tuy có đổi mới nhưng còn nặng nề, chưa gắn liền với thực tế đời sống và học sinh chưa được rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết các tình huống bất ngờ…”.

Học sinh Chế Thanh, Trường THPT Ngô Quyền, tại buổi đối thoại.

Một số ý kiến khác chỉ ra việc duy trì cách dạy thụ động, bắt trò ghi chép, nhớ nhiều kiến thức ở các môn xã hội như Sử, Địa, Giáo dục công dân, Sinh… khiến học trò chán học, không cảm thấy hứng thú với những giờ lên lớp. Mặc dù nhiều trường, nhiều giáo viên đã chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng tư duy lối mòn, thụ động, bắt ghi chép nhiều hơn giảng giải vẫn ám ảnh nhiều học sinh.
Em Phạm Thị Thanh Phụng (lớp 9/3, Trường THCS Chu Văn An, quận 11) bộc bạch: Học nhiều là đương nhiên, nhưng phải làm sao để học trò cảm thấy thoải mái, thích thú với các môn học, nhất là Lịch sử, Sinh học… Học sinh có thể soạn bài trước ở nhà và đến lớp chỉ cần nghe cô giảng bài, sửa những ý mới. Như thế, trong 1 tiết học dài 45 phút, học sinh bớt phải ghi chép bài quá dài, nhiều khi phải viết đến 4 – 5 trang vở, tiếp thu kiến thức không sâu.
Với môn Anh văn, học sinh rất cần học đủ 4 kỹ năng đọc, viết, nghe, nói để tự tin giao tiếp, nhưng chuyện “học chay”, chủ yếu chỉ là đọc và viết vẫn phổ biến. Em Phạm Hoàng Long, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Lê Quý Đôn (Thủ Đức) bày tỏ sự chán ngán, khó hiểu khi giáo viên Anh văn bắt cả lớp “chép bài từ đầu giờ đến cuối giờ với 3 – 4 trang dày đặc”. Không chỉ chép từ nội dung sách giáo khoa, từ mới, học sinh còn phải chép lại bài tập đã làm trong sách (!?).
Đề cập đến nỗi khổ phải học kiến thức cũ, lạc hậu xa rời thực tế, em Nguyễn Văn Bảo Phúc học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du quận 1 nói: “Đến giờ này chúng em vẫn phải học môn tin học với phần mềm Word, Excel 2003, trong khi đó phiên bản cập nhật Word, Excel mới là 2010, 2013”.
Không những thế, học sinh cũng nêu nhiều khó khăn, thiếu thốn điều kiện thực hành môn học như Lý, Hóa và trở ngại lớn khi tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Học sinh Phan Ngọc Kim Thư cho biết, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm ở trường không trang bị đủ nên khi làm đề án nghiên cứu khoa học kỹ thuật em phải nhờ sự hỗ trợ của Trường ĐH Sài Gòn… Em Nguyễn Văn Bảo Phúc nêu ý kiến: đối với môn Hóa học, cần tăng cường thực hành thí nghiệm, bớt lý thuyết suông, bớt những bài toán hóa học mang tính đánh đố.
Trải nghiệm nghề nghiệp
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nêu hạn chế về công tác tư vấn tâm lý học đường, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông còn hời hợt, chưa đáp ứng nhu cầu thiết thực muốn trải nghiệm, tìm hiểu ngành nghề theo sở trường, năng lực cá nhân. Việc định hướng nghề nghiệp chậm và đến gần mùa tuyển sinh mới tư vấn chọn nghề hướng nghiệp nên không hiệu quả. Đó là chưa kể, các trường CĐ, ĐH khi đến trường tư vấn tuyển sinh chủ yếu quảng cáo về trường của họ chứ không nói rõ tận tường về ngành học liên quan đến hành nghề như thế nào.
Một học sinh ở Trường THPT Gò Vấp nêu kiến nghị: “Chúng em cần truyền cảm hứng về nghề nghiệp, hiểu rõ những ngành nghề mà xã hội đang cần để chọn lựa hướng đi phù hợp”. Học sinh Nguyễn Văn Trọng lo lắng về tình trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng trong khi các trường ĐH vẫn tuyển sinh ồ ạt. Như thế, học sinh âu lo và không biết chọn ngành nghề nào cho phù hợp, tránh thất nghiệp.
Lắng nghe các ý kiến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của học sinh để tạo ra môi trường học tốt hơn, chất lượng đào tạo hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, tiếng nói của các em sẽ giúp ngành GD-ĐT TP nhìn lại những gì còn hạn chế nhằm khắc phục, chấn chỉnh. Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, nhờ buổi đối thoại này, Thành đoàn TPHCM sẽ lắng nghe những ước mơ của học sinh, giới trẻ và sẽ có thêm nhiều chương trình Đoàn, Đội thiết thực, lan tỏa sâu rộng hơn để trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho các em
Một vấn đề khiến học sinh phổ thông lo ngại là nạn bạo lực học đường gia tăng và sự xâm nhập, tấn công của các trang mạng xã hội đang ảnh hưởng đến môi trường học đường. Theo nữ sinh Phương Thảo (Trường THPT Đào Sơn Tây), Sở GD-ĐT TPHCM cần tạo thêm nhiều trang mạng xã hội lành mạnh để giúp học sinh giải tỏa tâm lý, tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ những lo lắng về kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra với nhiều thay đổi trong quy chế.
Một vấn đề khiến học sinh phổ thông lo ngại là nạn bạo lực học đường gia tăng và sự xâm nhập, tấn công của các trang mạng xã hội đang ảnh hưởng đến môi trường học đường. Theo nữ sinh Phương Thảo (Trường THPT Đào Sơn Tây), Sở GD-ĐT TPHCM cần tạo thêm nhiều trang mạng xã hội lành mạnh để giúp học sinh giải tỏa tâm lý, tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ những lo lắng về kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra với nhiều thay đổi trong quy chế.

KHÁNH BÌNH 

(SGGP)

Bình luận (0)