ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, trả lời các câu hỏi của HS
|
Quan tâm tới nhóm ngành kinh tế, quản trị nhưng sự “ảm đạm” của nền kinh tế quốc gia và thế giới trong vài năm gần đây cùng nhiều ý kiến trái chiều về nhu cầu nhân lực của nhóm ngành này đã khiến không ít học sinh (HS) “chùn tay”. Thậm chí các em còn có ý định “quay lưng” với nhóm ngành này.
Nhu cầu vừa thiếu, vừa thừa
Tại buổi tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” cho HS Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM), em Vũ Đình Hưng (học lớp 12) bày tỏ băn khoăn rằng em đang rất khó xử trước những định hướng từ phía gia đình. Hưng nói: “Em muốn học một ngành thuộc nhóm kinh tế, quản trị như marketing, quản trị kinh doanh hay kinh tế xây dựng…, nhưng ba mẹ lại nói đây là những ngành không ổn định. Nhiều người học các ngành này xong ra trường không xin được việc làm hoặc xin được nhưng lại rất chật vật trong công việc. Do đó, em muốn biết xu hướng phát triển của nhóm ngành này trong những năm tới có gì thay đổi không? Em có nên mạo hiểm lựa chọn nhóm ngành này?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), cho biết: “Khối ngành kinh tế, quản trị gồm nhiều ngành như: Kế toán kiểm toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, marketing và nhiều chuyên ngành khác. Những biến động về cơ cấu kinh tế dẫn đến sự biến động về nhu cầu nguồn nhân lực của khối ngành này khiến khả năng tìm việc bị giảm sút trong thời gian qua là điều hoàn toàn không tránh khỏi. Tuy nhiên, đây cũng là khối ngành luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo HS, phụ huynh cũng như nhiều trường tham gia đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Điều này không có gì mâu thuẫn bởi nhu cầu tuyển dụng khối ngành này luôn rất lớn. Ngoài ra, những chính sách phát triển kinh tế cộng với sự hấp dẫn về môi trường làm việc rộng lớn, năng động, thu nhập cao và nhiều cơ hội thăng tiến thì khối ngành kinh tế, quản trị luôn là lựa chọn hàng đầu của người học”.
Về nhu cầu nhân lực, ThS. Phạm Doãn Nguyên nhận định: Nguồn nhân lực của khối ngành kinh tế, quản trị đang đứng trước nghịch lý vừa thừa vừa thiếu. Dù số lượng sinh viên tốt nghiệp khối ngành này vẫn tăng lên hàng năm, nhưng các đơn vị tuyển dụng vẫn thiếu và “khát” nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Xét về tổng thể, khối ngành kinh tế, quản trị vẫn luôn mở ra cánh cửa tương lai tốt đẹp cho những người có kiến thức thực, năng lực thực để đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, tham gia hợp tác toàn diện với các nước ASEAN trong thời gian sắp tới thì những người vững vàng về chuyên môn, giỏi về ngoại ngữ, tin học, tốt về kỹ năng mềm và thái độ thích nghi tích cực chắc chắn không bao giờ lo thất nghiệp.
Cần nhiều tố chất phù hợp
Mỗi ngành nghề trong xã hội đều cần những tố chất (tính cách cá nhân, sở thích; khả năng, sở trường và niềm đam mê…) phù hợp. Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên, khối ngành kinh tế, quản trị phù hợp với các bạn có những sở thích chung như: Thích làm kinh tế, kinh doanh, quản lý; thích làm việc với những con số, tương tác, thảo luận và làm việc với nhiều người; thích công việc mang tính thách thức, thậm chí có thể có rủi ro, có khả năng quan sát, phân tích, có óc tổ chức, có khiếu lãnh đạo, thuyết phục hoặc gây ảnh hưởng đến người khác; có khả năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách độc lập và có phần sáng tạo, có một số kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, giao tiếp, nói, viết… Nếu đi sâu vào từng ngành cụ thể, mỗi ngành sẽ phù hợp với một số sở thích mang tính đặc trưng riêng như ngành tài chính – ngân hàng, kế toán – kiểm toán phù hợp với những người thích theo dõi thị trường chứng khoán, về tiền tệ; ngành marketing phù hợp với những người thích việc mua bán, quan tâm đến chất lượng các mẫu quảng cáo hay đơn giản là thích để ý đến cách trưng bày sản phẩm trong siêu thị; ngành quản trị kinh doanh phù hợp với những người có tố chất mạnh mẽ, quyết đoán, có tư duy logic, nhạy bén, thích giao tiếp với nhiều người, có khả năng thuyết phục người khác… Tuy nhiên, rất khó có người hội tụ đầy đủ những tố chất năng lực, sở thích, đam mê với một ngành. Vì vậy, các bạn chỉ cần có một số sở thích, năng lực, đam mê nêu trên là có thể tự tin chọn khối ngành kinh tế, quản trị.
“Quá trình học tập và rèn luyện ở bậc ĐH, CĐ sẽ giúp các bạn hoàn thiện những sở thích, khả năng của mình để phù hợp với yêu cầu ngành học mà các bạn đã chọn. Các em HS có thể lựa chọn các ngành thuộc khối ngành kinh tế, quản trị ở những trường đào tạo có uy tín, chất lượng như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF)…”, ThS. Phạm Doãn Nguyên chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Khối ngành kinh tế, quản trị vẫn luôn mở ra cánh cửa tương lai tốt đẹp cho người học; điều quan trọng là người học phải học thực để có kiến thức thực, có năng lực thực nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà tuyển dụng”, ThS. Phạm Doãn Nguyên khẳng định. |
Bình luận (0)