Với cách làm như hiện nay, trước các biến động lớn của thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ khó tránh khỏi thua lỗ.
Năm 2011, theo dự báo Việt Nam có thể xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đó là nhận định của ông Phạm Quang Diệu, kinh tế trưởng – chuyên gia của Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor).
Vào ngày 11/7 vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã ra thông báo tạm ngừng chủ chương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu. Trước đó theo kế hoạch, từ 15/7 đến 30/8, các doanh nghiệp thành viên VFA sẽ thu mua gạo tạm trữ nhằm để giá lúa khô không rớt xuống dưới 5.000 đồng/kg.
Trao đổi với VnEconomy, ông Diệu cho hay, hơn một tuần sau khi VFA công bố thông tin, giá lúa đang được thu mua tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn được đánh giá là khá tốt.
Giá thu mua hiện nay đang cao hơn kỳ vọng do chất lượng lúa hè thu thường không cao, độ ẩm lớn. Nhưng hiện nay giá lúa khô vẫn đang được thu mua với mức từ 5.800 – 6.000 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu ở mức từ 8.200 – 8.400 đồng/kg. Điều này chứng tỏ lượng mua vào khá nhiều.
Do vậy, có thể nói quyết định của VFA không làm cho thị trường lúa gạo trong nước bị suy giảm. Về phía doanh nghiệp, cũng không thể “trách” họ vì hiện nay lãi suất ngân hàng ở mức rất cao, khiến cho các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro khi thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân. “Trên thực tế, việc can thiệp chỉ cần thiết khi thị trường thực sự xấu, còn hiện nay thị trường đang khá sôi động”, ông Diệu đánh giá.
Ông nói tiếp, nếu VFA vẫn đẩy mạnh việc mua vào như đã công bố, sẽ làm cho giá lúa trên thị trường bị đẩy lên, khiến cho các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo ở mức giá thấp có thể bị lỗ nặng. Sự can thiệp này còn có thể gây “méo mó” thị trường và tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong một thời gian khá dài sau đó.
“Với giá gạo nguyên liệu hiện nay thì với gạo xuất khẩu 5% tấm, doanh nghiệp phải chào bán ở mức 505 – 510 USD/tấn mới đảm bảo có lãi. Trong khi với mức giá này, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh trên thị trường thế giới”, ông Diệu dẫn chứng.
Tuy nhiên từ biến động của thị trường năm nay, ông Diệu cho rằng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cần có sự thay đổi lại tư duy. Trước đây, họ thường ký hợp đồng sau đó mới thu mua gạo nguyên liệu, vì hy vọng giá lúa gạo thu mua trong vụ hè thu sẽ ở mức thấp.
Song, năm nay diễn biến của thị trường lại khác. Thời gian qua đã xuất hiện các yếu tố đột biến đó là xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và châu Phi tăng rất mạnh, để có lúa gạo đáp ứng các hợp đồng này, các doanh nghiệp đã phải đẩy giá thu mua lên cao.
Vì vậy doanh nghiệp cần phải căn cứ vào các biến động của thị trường doanh nghiệp để linh hoạt hơn trong việc thu mua nguyên liệu, có thể mua tạm trữ rồi mới tham gia ký kết hợp đồng.
Thêm vào đó, trước đây doanh nghiệp thường nhìn vào hợp đồng của Chính phủ để định hướng kinh doanh cũng như quyết định giá trên thị trường. Năm nay, hợp đồng gạo do Chính phủ ký kết không chỉ ở mức thấp, mà giá xuất khẩu cũng không cao.
Dự báo về lượng xuất khẩu gạo trong năm nay, ông Diệu cho rằng con số 7 triệu tấn như ước tính của VFA là điều có thể đạt được. Tuy nhiên việc xuất khẩu nhiều không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ lãi cao, vì thời gian tới thị trường gạo thế giới sẽ có thể có những biến động do hiện nay nhiều thông tin vẫn còn chưa rõ ràng.
Nếu chính phủ mới của Thái Lan thực hiện đúng như những gì đã cam kết với cử tri khi tranh cử thì giá gạo trên thị trường thế giới có thể đẩy lên mức 800 USD/tấn. Kéo theo điều này, giá gạo của Việt Nam cũng có thể tăng theo.
Nhưng cũng có thông tin Ấn Độ đã quyết định xuất khẩu trở lại 1 triệu tấn gạo với giá sàn chỉ là 400 USD/tấn. “Cũng chưa thể biết lượng gạo xuất khẩu của quốc gia này có dừng ở con số 1 triệu tấn hay không, nhưng điều này cũng sẽ khiến thị trường bị điều chỉnh. Gạo của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo Ấn Độ để có thể tiếp tục xuất đi châu Phi, Bangladesh”, ông Diệu nhìn nhận.
Y Nhung (Theo TPO)
Bình luận (0)