Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lớp học Ngoại ngữ trong… chùa

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM), chùa Lá ngày ngày vang lên tiếng đọc bài của học viên các lớp học ngoại ngữ miễn phí được tổ chức tại chùa. Đã ba năm qua, âm thanh quen thuộc ấy đã trở nên quen thuộc với người dân sống quanh đây.

Năm 2009 các sư thầy chùa Lá dành một phần đất của chùa để xây dựng lớp học ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên nghèo. Ban đầu trung tâm chỉ có một lớp dạy tiếng Anh với 30 học viên. Sau một thời gian hoạt động, đến nay trung tâm có tới 22 lớp dạy tiếng Anh, Hoa, Nhật, Pháp, Đức với hơn 700 học viên và con số ấy không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Về mục đích xây dựng các lớp học ngoại ngữ miễn phí, thầy Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá nói: "Tôi muốn đóng góp cho đất nước, cho xã hội ngày một đi lên. Các em sinh viên bây giờ ở tỉnh đi lên để học hỏi, đang khó khăn về mặt kinh tế nên tôi mở ra lớp học này để giúp đỡ các em, để các em được học ngoại ngữ chu đáo, tự tin trên con đường hội nhập quốc tế".
Học viên ở đây phần lớn là các sinh viên nghèo từ các tình lên thành phố trọ học. Nhiều bạn phài đi làm thêm để có tiền trang trải ăn học, nhưng để theo học được ở các trung tâm ngoại ngữ là không thể.
Từ ngày lớp học trong chùa được mở ra, nhiều sinh viên đã chuyển về thuê nhà ở gần chùa để có thể tham gia lớp học miễn phí. Nhiều sinh viên ở quận 9, Thủ Đức hàng ngày cũng đi xe buýt về học.
Chùa có mặt bằng khá khiêm tốn nên diện tích dành cho lớp học cũng không nhiều, chỉ khoảng 30 m2, khi học viên đăng kí quá nhiều nhà chùa phải chia ra thành nhiều ca trong ngày để dạy. Thương học viên không có chỗ học, sư thầy trụ trì đã dọn vào ở tạm trong một căn phòng nhỏ phía sau chánh điện, nhường phòng ngủ của mình làm nơi học tập cho học viên. Hiện tại trung tâm có 2 phòng học hoạt động liên tục từ 7h30 tới 22h hàng ngày.

Lớp học ngoại ngữ trong chùa Lá. (Ảnh Nguyễn Hằng)
Vào những ngày cuối tuần, các lớp học luôn trong tình trạng quá tải, có học viên kê ghế ngồi ở trước sân để học.
Trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đều do các thầy tự sắm dần. Các thầy xin bàn ghế dư thừa hoặc bàn ghế cũ hư hỏng từ các trường học rồi sửa lại cho học viên.
Tuy không thu phí của học viên nhưng mỗi tháng chùa phải trả cho các giảng viên từ 35- 40 triệu đồng. Số tiền ấy không nhiều so với thu nhập của hơn 10 giảng viên, nhưng với một ngôi chùa chỉ có vỏn vẹn 4 vị sư thì con số ấy là rất lớn.
Để cố gắng trả lương cho các giảng viên, các sư thầy phải tự xoay xở bằng cách viết chữ thư pháp, kinh doanh đá phong thủy hoặc trích một phần từ tiền cúng dường của chùa.
Ngoài giờ học thầy trụ trì còn lên lớp nói chuyện với học viên, giúp học viên thư giãn sau những buổi học. Đó là những câu chuyện vui nhưng thấm nhuần triết lý, mang đậm tính nhân văn sâu sắc và là những kinh nghiệm sống quý báu của các sư thầy ở đây.
Trong thời buổi hội nhập quốc tế, ngoại ngữ trở thành một nhu cầu thiết yếu để có thể tìm được một việc làm. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện đến trường học ngoại ngữ. Chính vì thế, trung tâm ngoại ngữ miễn phí chùa Lá đã giúp cho sinh viên nghèo nuôi dưỡng ước mơ trên con đường bước vào hội nhập.
Tiếng đọc bài hòa lẫn với tiếng mõ tụng kinh của các sư thầy nơi đây sẽ luôn đọng lại trong trái tim những bạn trẻ hiếu học, tiếp thêm hành trang để vững bước trên con đường đi tới thành công.
Theo Nguyễn Hằng
Tuần Việt Nam


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)