Nhiều địa phương đang triển khai hàng loạt biện pháp tình thế nhằm “cứu” các cử nhân khỏi cảnh thất nghiệp triền miên
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2013, cả nước có 183.600 người mới gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, do nền kinh tế không tạo đủ việc làm nên số lượng người thất nghiệp nói chung và thiếu việc làm vẫn có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, tỉ lệ lao động thiếu việc làm chiếm 3,58%, tỉ lệ thất nghiệp chung 2,1%. Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn đều tăng so với năm 2012. Gần 1 triệu người đang không có việc làm.
N.K.T, tốt nghiệp Trường ĐH Đồng Tháp, đang làm nhân viên phục vụ tại một quán cà phê ở TP Long Xuyên – An Giang. Ảnh: THỐT NỐT . |
Bố trí việc làm phù hợp
Do suy giảm kinh tế nên trong năm 2012, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh An Giang đã thu hẹp sản xuất, sa thải lao động. Số người thất nghiệp về địa phương này lên đến 6.000. Thống kê ban đầu của Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho thấy hiện khoảng 300 cử nhân của tỉnh chưa có việc làm; trong đó phần lớn là cử nhân sư phạm, tập trung ở bậc THPT.
Để giải quyết vấn đề này, ông Phan Văn Sơn, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ – Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết từ đầu năm học 2012-2013, sở đã tăng cường tuyển dụng và bố trí các cử nhân thất nghiệp vào làm công tác đội hoặc phụ trách những phòng chức năng như thư viện, thiết bị của các trường. Sở cũng đề xuất với các địa phương ưu tiên mở các lớp mẫu giáo 5 tuổi để số sinh viên thất nghiệp còn lại về dạy học.
Theo ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trước mắt, tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương rà soát lại nhu cầu của đơn vị để đưa sinh viên ngành sư phạm vào làm việc. Giải pháp thứ hai tỉnh đang hướng đến là đào tạo thêm văn bằng 2 cho số sinh viên này để họ trở thành giáo viên dạy nghề ở các trung tâm.
“Đây là những biện pháp mang tính tình thế và số lượng sinh viên có việc làm cũng không đáng kể. Về lâu dài, các sở, ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền để học sinh chọn đúng ngành, đúng nghề theo nhu cầu xã hội, tránh tình trạng dư thừa như hiện nay” – ông Tân khẳng định.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công văn yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB-XH, Sở GD-ĐT cùng các đơn vị liên quan, căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2020 để đề ra phương án bố trí việc làm cho gần 25.000 cử nhân thất nghiệp.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Tích, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, nhận định vấn đề quan trọng là phải xem xét nhu cầu, nguyện vọng của các cử nhân rồi thống kê từng ngành học, bậc học nhằm có phương án bố trí hợp lý nhất; làm sao để vừa không lãng phí nguồn nhân lực vừa giải quyết được việc làm. Không phải sở này, huyện kia thiếu người rồi bố trí họ vào làm cho đủ “quân số” là được.
Đừng nhận sai lầm chung chung!
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM (Sở LĐ-TB-XH TP), công bố số liệu khảo sát trên 100.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong năm 2012 và quý I/2013 cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ ĐH-CĐ chỉ chiếm gần 25%, còn lại là tuyển dụng lao động kỹ thuật có trình độ, tay nghề trong các lĩnh vực vận hành máy móc, sản xuất, kinh doanh – dịch vụ…
Theo ông Tuấn, khi hệ thống giáo dục mở rộng, cử nhân không còn là của hiếm nữa thì bằng cấp mất dần giá trị bởi doanh nghiệp cần nhân lực có thể đáp ứng được công việc. Tuy nhiên, dù hay than phiền trình độ cử nhân kém, thiếu kinh nghiệm nhưng các doanh nghiệp chưa nhiệt tình phối hợp với các đơn vị đào tạo để công bố chi tiết về yêu cầu chất lượng, tỉ trọng cơ cấu nguồn nhân lực…
Bà Nguyễn Kim Hường, Trưởng Phòng Dạy nghề – Giải quyết Việc làm – Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang, cho biết: Sắp tới, sở sẽ lên kế hoạch liên hệ với nhiều công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm và cung cấp nguồn lao động sẵn có ở địa phương, nhất là đối với các cử nhân. Tuy nhiên, để giảm áp lực về giải quyết việc làm cho bậc ĐH, các trường nên làm tốt công tác phân luồng, tư vấn và định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS nên theo học các trường trung cấp nghề.
“Tôi nghĩ trong tình hình khó khăn chung như hiện nay thì các bậc phụ huynh không nhất thiết phải cho con em mình vào ĐH, thậm chí chỉ cần học sơ cấp hoặc trung cấp nghề để giảm bớt gánh nặng cho gia đình mà còn dễ kiếm việc” – bà Hường đề xuất.
Theo ông Trần Anh Tuấn, các cơ quan quản lý liên bộ, liên ngành, các tỉnh, TP cần tăng cường khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu sử dụng lao động để nhà trường, thí sinh và xã hội đều biết. Mặt khác, hàng ngàn cử nhân thất nghiệp nên xác định vấn đề cốt lõi là việc làm, chỉ cần có công việc rồi từ đó tiếp tục phấn đấu, xác định năng lực bản thân, trau dồi kiến thức, kỹ năng để thăng tiến từ những công việc nhỏ nhất.
“Tâm lý chung là còn đặt nặng vấn đề bằng cấp và học gì thì ra trường phải làm việc đó, trong khi chính sách sử dụng nguồn nhân lực là dựa vào công việc để quyết định cần người như thế nào. Vấn đề quan trọng lúc này là các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động và đơn vị đào tạo cần góp sức để “cứu” cử nhân, đừng chỉ thừa nhận sai lầm một cách chung chung nữa” – ông Tuấn kiến nghị.
Siết chặt chất lượng đầu ra
Bàn về biện pháp hạn chế tình trạng cử nhân thất nghiệp tràn lan, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo (Long An), kiến nghị Bộ GD-ĐT nên kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp soạn ra đề thi mang tầm quốc gia để kiểm định chất lượng đầu ra ở các trường có cùng ngành nghề đào tạo. Những trường có tỉ lệ đậu thấp liên tục nhiều năm sẽ tự giải thể hoặc hạn chế đào tạo tràn lan đến mất kiểm soát. Các sinh viên lọt qua được vòng thi này chắc chắn được các doanh nghiệp trọng dụng.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần đưa ra những dự báo cho các trường về chỉ tiêu đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng để tránh gây lãng phí nguồn nhân lực. |
Theo Người lao động
Bình luận (0)