Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cái kết của bạo lực học đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cái kết của bạo lực học đường không còn dừng lại ở việc kiểm điểm, đuổi học mà là chết chóc và nhà tù.
Người mẹ ấy đến phiên tòa từ sáng sớm. Bà ngồi ở hàng ghế đầu, chống cằm nhìn trân trân lên phía bị cáo L.Đ.H (SN 1994), kẻ đã giết chết đứa con trai út của bà, đang ngồi chờ xét xử. Cách bà mấy hàng ghế, có đôi vợ chồng nước da đen cháy, lam lũ nhìn như hút chặt vào tấm lưng nhỏ đang khòm thấp xuống của H. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi… 
Hình minh họa

Tức nước vỡ bờ

L.Đ.H và L.T.T đều là học sinh lớp 10 của một trường tư thục (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Trong giờ học môn vật lý, thầy giáo cho làm bài kiểm tra. Vì có câu hỏi khó, H. không làm bài được nên mượn của một người bạn để xem. T. cũng vậy, nhưng người bạn đó không cho T. mượn mà đưa cho H. Tự ái, tức giận, chẳng cần biết đúng sai, T. chửi rồi nhảy qua bàn đánh H. Tiếp đó, giờ ra chơi và các buổi học của ngày hôm sau, T. liên tục đấm đá H.
Bị đánh mãi, H. đã phản ứng lại bằng cách dùng compa dọa đâm, lấy chai nước đánh lại. Mâu thuẫn không được hóa giải lại được đáp trả bằng bạo lực đã khiến mối quan hệ bạn bè của cả hai càng lúc càng căng thẳng.
Ngày 27/3/2010, trước khi đi học, H. cầm theo con dao xếp bỏ vào cặp nhằm hăm dọa nếu bị T. tiếp tục đánh. Trong giờ nghỉ giải lao giữa buổi, H. đang ngồi ở bàn, T. lại xông đến đánh, đá vào ngực, bụng và đầu (để lại dấu vết bầm tím trên người H.).
Bạn học cùng lớp phải một phen vất vả mới kéo được T. ra ngoài hành lang nhưng liền ngay sau đó, T. vùng chạy vào lớp ép H. vào góc tường đánh tiếp. Uất ức, sau khi bạn học kéo T. ra ngoài, H. đến hộc bàn lấy dao trong cặp chạy ra đâm vào ngực T. Nhát dao duy nhất đó đã cướp đi sinh mạng của T.
Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai nhận định bị cáo phạm tội khi tròn 15 tuổi 8 tháng 10 ngày, trong trường hợp bị kích động về tinh thần do người bị hại liên tục chủ động đánh bị cáo nhiều ngày, gia đình bị cáo cũng thể hiện trách nhiệm bồi thường một phần cho gia đình người bị hại… Vì vậy, HĐXX tuyên phạt H. 5 năm tù về tội giết người. Không đồng ý với bản án, gia đình T. kháng cáo đòi tăng hình phạt và tiền bồi thường.
Nỗi đau của đấng sinh thành
“Bị cáo không cố ý giết bạn ấy, chỉ định đâm một cái để dọa thôi…’’ – H. cúi gằm mặt, líu ríu khai trước tòa. Tuy nhiên, lời khai đó không được mẹ của T. chấp nhận. Bà nói: “Bị cáo dự mưu trước mới đem theo dao. Hành động đâm vào ngực con tôi là cố sát. Bị cáo học đến lớp 10 đủ nhận thức được việc làm nguy hiểm của mình. Mức án 5 năm tù quá nhẹ’’.
Trò chuyện với chúng tôi, mẹ của T. nghẹn ngào: “Phải chi nó đánh lại con tôi gãy tay, gãy chân gì cũng được, băng bó xong, thằng nhỏ còn trở về. Đằng này, nó lại dùng dao đâm chết để bây giờ tôi vĩnh viễn mất con’’.
Lắc đầu như cố xua đi hình ảnh của những ngày tháng đau thương đó nhưng vẫn không sao thoát ra được, bà lại tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về lòng hiếu thảo của con: “Nhà nghèo, cha nó bệnh tật nằm một chỗ, ngoài giờ đi học, nó ở nhà chăm sóc cho cha. Thằng nhỏ mất, hai tháng sau, cha nó buồn quá cũng chết theo con’’. Nỗi đau của người phụ nữ chịu nhiều mất mát hiển hiện qua từng cái nhíu mày, ánh mắt xót xa, giọng nói nghèn nghẹn pha lẫn căm phẫn khiến người nghe nặng trĩu lòng.
Được mời lên, cha của H. thay mặt con tạ lỗi với gia đình người bị hại và tự nguyện bồi thường thêm 5 triệu đồng, ngoài số tiền tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc và gia đình ông đã khắc phục (43 triệu đồng).
“Con dại cái mang. Đó là trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ khi con mình đã gây nên mất mát, đau thương cho gia đình người ta. Thật ra mà nói, chúng tôi cũng rất khó khăn, chạy được tiền bồi thường không phải dễ. Nhưng cứ nghĩ con mình ở tù còn có ngày về chứ con chị ấy…’’ – cha của H. nói.
Chuyện H. mâu thuẫn với T., gia đình hai bên không ai hay biết cho đến khi vụ án xảy ra. Ngày đám tang T., vợ chồng ông tìm đến nhà của T. quỳ lạy xin lỗi. Bị chửi mắng, bị đuổi về, họ vẫn cắn răng chịu vì “con mình gây nên tội quá tày đình. Họ mất một đứa con, làm sao không đau lòng?’’. Đều đặn mỗi tuần, cha mẹ H. mua trái cây gửi kèm ít tiền để cúng cho T. Đến khi cha của T. mất, họ cũng làm như thế.
“Chúng tôi cố gắng làm hết khả năng để bù đắp phần nào nhưng dường như chị ấy vẫn không tha thứ… Hồi xưa, học trò đi học cũng có chuyện này chuyện nọ nhưng cùng lắm đánh tay đôi với nhau vài cái rồi thôi. Đám trẻ bây giờ, hở ra một chút là dùng dao, không giải quyết được gì mà người chết, người đánh mất tương lai. Giá mà chúng tôi gần gũi con hơn để biết sớm được việc này. Giá mà thầy cô sâu sát hơn. Giá mà cán bộ lớp của các cháu không vì thành tích mà giấu giếm thầy cô…’’ – vừa nói, cha H. vừa đau đớn nhìn theo chiếc xe tù chở con ông chạy vụt qua.
Chỉ đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra, người ta mới nhận ra nhiều điều. Nhưng chẳng thể trả lại được cuộc sống cho T…
Y án sơ thẩm
Tòa nhận định vụ án mang tính chất rất nghiêm trọng, cần có mức án nghiêm khắc, nhất là trong tình hình bạo lực học đường như hiện nay. Trong vụ án này, người bị hại có phần lỗi rất lớn, là nguyên nhân xảy ra vụ án. Tuy nhiên, hành vi bị cáo dùng dao đánh trả lại là rất nguy hiểm…
Mức án 5 năm tù giam đủ nghiêm, không nặng, không nhẹ (đối với người chưa thành niên). Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM giữ nguyên mức án sơ thẩm. 
Theo Người lao động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)