Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bệnh hình thức

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lĩnh vực giáo dục đòi hỏi cần phải đi vào thực chất hơn, thế nhưng hiện cũng không tránh khỏi căn bệnh hình thức. Nhiều phụ huynh có con ngay từ bậc mầm non, tiểu học nhất quyết phải cho con học một ngôi trường thật to, thật danh tiếng dù trái tuyến cũng cố chạy vạy. Lẽ ra, trước tiên phải quan tâm xem con mình có đủ khả năng để học trường đó hay không, sẽ học được những gì…
Sau khi tốt nghiệp THPT thì phải quyết thi vào một trường ĐH, càng danh tiếng càng tốt. Không cần biết thi đỗ hay không vì dù rớt một trường ĐH danh tiếng còn hơn thi vào một trường CĐ hay trung cấp (TC).
Tại thời điểm này, hàng trăm ngàn thí sinh từ các địa phương đổ về những TP lớn để luyện thi ĐH cấp tốc cũng chỉ vì áp lực phải thi đỗ ĐH. Chính nhiều giáo viên luyện thi ĐH cũng thừa nhận những lớp học cấp tốc như thế này chẳng qua là liều thuốc tinh thần chứ không thể thay đổi sức học của học viên. Vậy mà, hằng năm, thí sinh vẫn lũ lượt dồn vào những lớp học chật chội, đông đúc, dạy hời hợt hơn cả “cưỡi ngựa xem hoa”.
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1/5 số thí sinh dự thi không trúng tuyển ĐH cả 3 nguyện vọng. Gia đình tốn công sức, tiền bạc; bạn trẻ có thể sẽ bị một cú sốc về tinh thần, chán nản, mất niềm tin… mà không hề biết rằng đó là hậu quả tất yếu của việc không biết lượng sức mình. Thực tế đã chứng minh, ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời. Biết bao bạn trẻ đã thành công vì có hướng đi đúng đắn: chọn cho mình một bậc học phù hợp, sau đó vừa đi làm kiếm tiền, bổ sung kinh nghiệm vừa học liên thông để lấy bằng ĐH.
Cho nên với nhiều người, trường ĐH giống như món đồ trang sức để được hãnh diện dù nó chưa chắc đã phù hợp. Đó cũng chính là lý do vì sao thí sinh trượt ĐH không mấy ai chịu vào học tại một trường TCCN mà phần lớn chọn bậc học này trong trường ĐH mà mình đã dự thi (nếu trường đó có đào tạo TC). Trong khi đó, nhiều trường TCCN đang sống dở chết dở vì không có người học.
Hiệu trưởng một trường TCCN tại TP.HCM cho biết: “Chúng tôi nỗ lực hết mình, tận tâm tận sức vì học sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, học sinh ra trường có việc làm ngay… Trong khi nhiều trường ĐH cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lại phải tập trung lo chính cho bậc ĐH, làm sao đào tạo tốt bằng chúng tôi được”. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có chủ trương chấm dứt tình trạng để nhiều trường ĐH tuyển sinh số lượng lớn sinh viên bậc TCCN, góp phần tạo điều kiện cho bệnh hình thức trong một bộ phận phụ huynh học sinh tiếp tục tồn tại. 
Rõ ràng, lựa chọn một hướng đi phù hợp với mình sẽ giúp bạn trẻ tự tin hơn khi vào đời. 
Theo Mỹ Quyên
(TNO) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)