Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Minh bạch, công khai và xử lý phải nghiêm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lâu nay, nạn chạy trường, chạy lớp, học thêm, xin điểm, mua đề thi, luận văn, luận án… vẫn chỉ xem là những “tiêu cực” chung chung, không gọi là tham nhũng. Trong những tranh luận về phòng và chống tham nhũng cũng không có chỗ cho loại tham nhũng trong giáo dục.

Cũng còn nhiều người cho rằng ba tệ nạn tham nhũng được gọi tên ra lần này chỉ là bề nổi của một “tảng băng” chìm của tham nhũng trong giáo dục. Có người đã nói muốn mở một trường đại học trong thời gian vừa qua thì phải “bôi trơn” qua các “cung bậc” một khoản tiền không nhỏ; rồi việc xà xẻo ngân sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục như xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị… Báo chí đã đăng tải nhiều trường học, phòng học chưa sử dụng đã xuống cấp, trần nứt nẻ, tường sụp đổ… nguyên nhân có phải là do tham nhũng, làm ẩu làm dối? Việc trang bị đồ dùng dạy học thì khá nhiều hàng giả được mua sắm nên không thể đưa ra thực hành hay thí nghiệm, mà mua về chỉ để trưng bày hay giam trong kho.
Trên một tờ báo tuần qua vừa đưa tin, Tạ Quang Phúc là giáo viên Trường Tiểu học Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã bị bắt vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chạy dự án xin kinh phí xây dựng Trường Trung cấp Kinh tế và Công nghệ Lương Tài tại Hưng Yên bằng nguồn vốn ODA 220 tỉ đồng. Và còn biết bao nhiêu dự án với hàng trăm, hàng triệu USD đi vay của nước ngoài chi cho giáo dục mà không ai nhìn thấy rõ hiệu quả gì cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Chấm dứt việc mua bằng, mua chức, bán điểm”. Nhưng đến nay, nạn mua bằng, bán điểm không những không được chấm dứt mà ngày càng phát triển rộng hơn. Tính trong sạch, lành mạnh của nền giáo dục nước ta đang bị bôi bẩn. Mấy chục triệu đồng thì có ngay bằng tiến sĩ, mười mấy triệu đồng là có bằng cử nhân… Nếu cái “thị trường” buôn bán bằng cấp này không chấm dứt thì hỏi nền giáo dục nước ta sẽ đi về đâu?
Cuộc hội thảo vừa qua mới nêu được ba tệ nạn tham nhũng ở cấp trường phổ thông, chưa nêu được các tệ nạn tham nhũng trong cả hệ thống, từ cơ quan cao nhất cho đến đơn vị nhỏ nhất của các cấp quản lý. Cũng trong cuộc hội thảo này, đại diện Bộ GDĐT – ông Phó Thanh tra bộ đã nêu ra 4 nguyên nhân và một số giải pháp đối phó với tình trạng tham nhũng trong giáo dục nhưng đó chỉ là những điều chung chung và chủ yếu là ở một số cơ sở giáo dục. Điều đó chứng tỏ rằng bộ cũng chưa có những chiến lược, dự án gì về chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Ông Phó Thanh tra bộ đã nói nguyên nhân thứ hai của tệ nạn tham nhũng là do đời sống của đa số giáo viên đang còn rất khó khăn, mức lương còn thấp thì ông đã nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất. Đúng là đời sống của đa số giáo viên có khó khăn, nhưng đó không phải là một nguyên nhân của nạn tham nhũng trong giáo dục. Ai cũng biết người có chức, có quyền mới có “điều kiện” để tham nhũng chứ giáo viên, nhất là giáo viên ở nông thôn, vùng khó khăn thì tham nhũng thế nào được, có khi còn phải “nhường cơm sẻ áo” cho học sinh. Ông Tào Hữu Phùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội – khi còn đương chức đã nói: “Cứ nhà nghèo là đi ăn cắp à?”
Nạn tham nhũng trong giáo dục có nhiều nguyên nhân và phải cần nhiều biện pháp để chống, Bộ GDĐT và các cơ quan chống tham nhũng các cấp phải tìm ra biện pháp cụ thể, không thể dừng ở việc “khơi” ra với những giải pháp chung chung, vì như thế khác nào chỉ để làm “tròn” nhiệm vụ với xã hội. Chỉ có minh bạch, công khai và xử lý nghiêm mới làm giảm dần tệ tham nhũng nói chung.
 
    Nhà giáo Trần Hữu Trù
Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)