Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên đón Tết muộn

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải SV nào cũng được may mắn mua vé để về nhà ăn Tết

Giảng đường vắng sinh viên (SV), đó là chuyện thường thấy ở các trường ĐH, CĐ mỗi khi Tết đến, bởi ai cũng muốn về quê sớm chuẩn bị đón Tết. Thế nhưng, có không ít SV chỉ mong những ngày Tết qua nhanh… mới về sum họp với gia đình.
Tranh thủ ở lại… kiếm tiền
Năm nay là năm thứ hai, Quốc Minh (SV năm 2 Trường ĐH GTVT TP.HCM) đón Tết muộn. Nhà đông anh em, kinh tế eo hẹp nên bố mẹ rất chật vật để nuôi Minh học ĐH. Năm ngoái, vì không có tiền về nhà, Minh bắt chước các anh chị khóa trên đi làm thêm tại Metro An Phú (TP.HCM). Tưởng rằng những ngày Tết sẽ qua nhanh sau những ngày làm việc vất vả, thế nhưng, nỗi nhớ nhà cộng với sự buồn chán của cái Tết xa nhà đã khiến chàng SV xứ Thanh đưa ra một quyết định thật bất ngờ: bắt xe về quê vào sáng mùng 2 Tết. Có kinh nghiệm rồi nên năm nay Minh quyết định lại theo “con đường cũ”. “Nghe các bạn nói lại, em cũng đã biết giá vé đi về trong những ngày cận Tết. Số tiền dành dụm từ việc dạy thêm tính ra cũng đủ để mua vé về nhà nhưng bỏ ra một lúc sáu, bảy trăm ngàn để về thì phí quá, bằng cả tháng bố mẹ em gửi tiền vào. Đắn đo mãi, em quyết định làm như năm ngoái: đi làm thêm chờ đến ngày mùng 2 Tết ra bến bắt xe về nhà”. Cùng chung cảnh ngộ với Minh, Hoàng Uyên (SV Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM) cũng đã lên kế hoạch kiếm tiền vào mùa Tết từ đầu năm học. “Tết này em sẽ thuê lại xe bán nước mía của một chị gần phòng trọ để bán trong đêm giao thừa. Tranh thủ trong những ngày cận Tết, em đăng kí làm thêm cho một cửa hàng bán hoa tươi. Những ngày này tiền công trả cao lắm. Phải tranh thủ kiếm thêm chút ít để còn “rủng rỉnh” đi về”, Uyên tâm sự.
Thực ra, SV làm thêm trong những ngày Tết không còn được coi là sáng kiến mới mẻ. Những năm gần đây, “chiến thuật” về Tết muộn thường được rất nhiều SV xa nhà áp dụng. Họ hầu hết đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, phải tranh thủ thời gian để kiếm thêm tiền trang trải cho việc học hành. Trong khi bạn bè cùng lớp, cùng trường chỉ nôn nóng chờ thi xong môn cuối, thậm chí còn bỏ dở những buổi học cuối cùng để trốn về nhà sớm, ngược lại, những SV khó khăn lại bình tĩnh, tranh thủ cơ hội những ngày gần Tết để “làm ăn”. “Đến hết ngày mồng 1 là có xe chạy rồi. Không như những chuyến xe trước Tết, xe về vào những ngày này vắng người và thoải mái lắm, thậm chí lái xe chỉ mong cho có người trên xe cho… đỡ buồn. Vì thế, giá vé có thể nói là rẻ như cho. Năm ngoái, khi nghe em kể về hoàn cảnh gia đình, bác tài xế còn không lấy tiền xe, lại cho em ăn cùng trên trong suốt hai ngày đường nữa. Chịu thiệt thòi một tí nhưng đỡ tốn kém. Mỗi mùa Tết như vậy em cũng kiếm được gần 2 triệu đồng, thoải mái đi về”, Quốc Minh tâm sự.
Đón Tết muộn, xả hơi dài
Thông thường, thời gian nghỉ Tết của SV tại các trường ĐH, CĐ không nhiều, chậm nhất là đến mồng 10, SV phải có mặt ở trường để tiếp tục những môn học cho học kì 2. Nhưng với những SV đón Tết muộn, vào nhập học trễ dường như đã trở thành luật “bất thành văn”. Thường thì phải tới sau ngày rằm tháng Giêng, thậm chí có SV tới hết tháng 1 âm lịch mới có mặt để “điểm danh” trên lớp. “Cả năm mới tranh thủ về nhà được một lần. Vì thế phải “bù lỗ” chứ. Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà”, Quốc Minh hào hứng nói về kế hoạch nghỉ… dài hơi của mình. Còn với Hoàng Uyên, lý do cô nàng xứ Nghệ này đưa ra lại có vẻ rất hợp lý: Cứ ăn Tết xong là nhà Uyên bước vào vụ mùa mới. Thành thử, trước khi vào TP.HCM học tập, Uyên lại tranh thủ ra đồng giúp đỡ bố mẹ. “Nhà mình ít người, bố mẹ lại già cả. Kể ra mà gần nhà thì thỉnh thoảng mình cũng cố gắng về nhà làm giúp. Ở xa nên đành chịu”, Uyên ngậm ngùi nói.
Và tất nhiên, để chuẩn bị cho những ngày nghỉ “trái tuyến”, những SV ăn Tết muộn luôn phải chuẩn bị trước cho mình một “hậu phương” vững chắc, sẵn sàng đối phó với việc kiểm tra và điểm danh ở trường. “Trăm sự nhờ… bạn bè” là câu cửa miệng trong những trường hợp nhờ người làm bài kiểm tra hay điểm danh giùm. “Có qua có lại cả thôi. Trước Tết bọn mình đã thỏa thuận với nhau rồi, mình giúp các bạn “đối phó” với thầy cô thì sau này các bạn ấy cũng phải giúp lại mình như thế. Với lại, bạn bè mà, dễ thông cảm cho nhau trong những trường hợp này lắm”, Uyên chia sẻ về “giao kèo” mà cô và người bạn của mình đã “kí kết”. Thỏa thuận là vậy nhưng không phải trường hợp nào cũng được diễn ra “xuôi chèo mát mái”. Duy Tiến (ĐH Quốc tế Hồng Bàng) bùi ngùi khi kể về “tai nạn” mà chính Tiến vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. “Lần đó mình vào muộn, có nhờ các bạn trong lớp điểm danh giùm. Một hôm, cô giáo dạy môn kinh tế chính trị đã điểm danh. Người bạn cùng phòng với mình điểm danh giúp. Ai dè, một lúc sau đếm lại thấy thiếu một người, cô giáo truy ra mới phát hiện thiếu… tên mình. Mình phải tức tốc từ quê vào TP.HCM gấp, đến gặp cô trình bày lý do mới được cô hủy cái án… cấm thi”. Và còn rất nhiều “sự cố” ngoài ý muốn mà SV gặp phải nhưng xem ra, họ vẫn chấp nhập “liều” để được sống trong không khí những ngày đón Xuân muộn này.
Bài, ảnh: NGỌC ANH
Mỗi khi Tết đến, có không ít SV đã lắc đầu thở dài khi nhìn bảng giá vé tàu xe được nâng lên quá cao, đó là số tiền khá lớn so với những khoản tiền mà các bạn phải tằn tiện mỗi ngày.
 

Bình luận (0)