Bé Linh Đan (ngồi đầu bên phải) và các thí sinh lọt vào vòng chung kết |
Nhằm thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao chất lượng dạy và học bằng tiếng Anh, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội thi hùng biện tiếng Anh cho học viên các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn TP. Chủ đề hội thi: “Học sinh thành phố mang tên Bác – Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Biết ước mơ để thấy mình có trách nhiệm
Rất tự tin sau khi hoàn thành bài thi, Linh Đan (7 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1) tâm sự: “Để đến được hội thi này, con đã trải qua vòng thi tuyển tại Trung tâm Anh ngữ ASTON và đạt được giải cao. Dù nhỏ tuổi nhất, thời gian thi kéo dài nhưng con luôn được các thầy cô của trung tâm và gia đình quan tâm, ủng hộ hết mình. Đây chính là động lực rất lớn, giúp con tự tin trong phần dự thi của mình”. Khi được hỏi về cách học tiếng Anh và ước mơ sau này của mình, Đan cho biết: “Con học tiếng Anh cũng không có gì đặc biệt, hàng ngày mẹ dành thời gian từ 15 đến 30 phút đọc chuyện, xem phim cùng con. Sau đó mẹ đặt câu hỏi và con trả lời, nhờ vậy giúp con nhớ từ mới rất nhanh. Con mong ước sau này sẽ trở thành họa sĩ đi nhiều nơi vẽ những cảnh đẹp của đất nước và mong muốn sẽ được ra thăm Làng Sen – quê hương của Bác Hồ”. Em Nguyễn Trần Thiên Kim (Trung tâm Anh văn Hội Việt My – VUS) đã tạo ấn tượng với cách chào “chững chạc” của một Đội viên. Thiên Kim tâm sự: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là phải thể hiện được tính tự tôn dân tộc. Cách chào này thể hiện sự đoàn kết. Năm ngón tay khép kín, thể hiện tình đoàn kết dân tộc. Bàn tay giơ cao trên đầu cho thấy người Đội viên luôn luôn đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên bản thân”. Khi biết mình đạt giải nhất của bảng A (nhóm tuổi từ 6 đến 12), Thiên Kim rất vui và hạnh phúc, em cho biết: “Bài hùng biện mà em đem đến hội thi có nội dung liên quan tới một trong năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng: “Yêu tổ quốc – Yêu đồng bào”. Để thể hiện mình là người yêu nước thì những việc dù là nhỏ nhất, khi được thầy cô, cha mẹ tin tưởng giao cho, mình đều phải hoàn thành một cách tốt nhất”.
Còn với Huỳnh Ngọc Thế Nhân (học sinh lớp 5 Trường Việt Mỹ) là “tác phong” của một doanh nhân tương lai khi em rất tự tin trong giao tiếp và sẵn sàng chia sẻ những dự định của mình trong tương lai. Nhân thổ lộ: “Để sau này trở thành doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực phần mềm, em luôn xác định mình phải học thật giỏi Anh ngữ và lịch sử của đất nước. Vì khi đó em sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều đối tác là người ngoại quốc, tiếng Anh không giỏi, không hiểu và không giao tiếp được với họ thì công việc sẽ thất bại. Với em, môn lịch sử đem đến những vốn kiến thức sâu rộng, qua đó em học hỏi được ở các bậc danh nhân, ý trí và tâm hồn Việt Nam. Ở nhà, dù được bố mẹ hết sức thương yêu, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em học tập nhưng em vẫn tạo ra cho mình một “không gian” riêng. Đó là trồng và tự chăm sóc vườn rau của mình. Đây là cách để em thể hiện mình luôn luôn học tập và làm theo Bác “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Em rất vui, vì từ khi có vườn rau này mẹ cũng đỡ vất vả hơn khi không còn phải thường xuyên đi chợ mua rau nữa”.
Vững bước tiến vào tương lai
Ông Phạm Văn Ba, quyền Trưởng phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: “Đây là hội thi mà thí sinh có thể vừa thuyết trình hay kể một câu chuyện bám sát chủ đề chính, hoặc các nội dung nói lên nhận thức, cảm nghĩ của bản thân về những lời dạy của Bác đối với thanh, thiếu niên, nhi đồng và vai trò của thanh niên trong việc góp phần xây dựng TP.HCM văn minh – hiện đại – nghĩa tình. Để hoàn thành tốt bài thuyết trình các thí sinh phải vừa giỏi tiếng Anh vừa có các hoạt động trong học tập, tu dưỡng và rèn luyện nhân cách. Hiểu được ý nghĩa của việc làm thì bài thi hùng biện mới có tính thuyết phục. Thông qua chủ đề của hội thi, nội dung giáo dục thế hệ trẻ được thực hiện rất hiệu quả. Hình ảnh những chủ nhân tương lai của TP, những con người mới hình thành rõ nét, thông minh học giỏi, tự tin, năng động”.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhận xét: “Cuộc thi đã thành công. Cách thể hiện của các thí sinh nhỏ tuổi nhất cho đến các bạn mười tám đôi mươi rất năng động, tự tin. Ngoại ngữ là một phương tiện giúp các em hội nhập với thế giới. Muốn học để hiểu và nói được ngoại ngữ giỏi thì bản thân các em phải không để mất bản sắc văn hóa Việt Nam của mình. Những bài hùng biện của các em mang đến hội thi đều bám sát chủ đề, từ trong suy nghĩ cho tới cách thể hiện đã nói lên tình cảm đặc biệt của mình với Bác Hồ kính yêu.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Từ 296 thí sinh đăng ký tham gia, ban giám khảo đã chọn được 18 thí sinh lọt vào vòng chung kết (tổ chức ngày 31-1). Ở vòng thi chung kết, mỗi thí sinh có 3 phút để trình bày bài thuyết trình, sau đó bốc thăm chọn một giám khảo để được trao đổi thêm về chủ đề hội thi hoặc các vấn đề liên quan đến nội dung thí sinh vừa trình bày. |
Bình luận (0)