Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm 2024 các thị trường M&A sẽ tiếp tục sôi động

Tạp Chí Giáo Dục

Nội dung này được nói đến tại hội thảo “Ngành hàng tiêu dùng và phân phối: Xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức ngày 12-3.


Các đại biểu thảo luận về “Xu hướng M&A và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam”

Theo số liệu thống kê của Viện Mua bán sáp nhập và liên minh (IMAA), kể từ năm 1996 đến hết năm 2022, có khoảng 6.550 thương vụ M&A tại Việt Nam, trong đó nổi bật là ba nhóm các nhà đầu tư chính: Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. So với 3 năm trước (nhà đầu tư nội vượt trội trong thị trường M&A), top 5 deal giá trị nhất 2023 thuộc về nhà đầu tư ngoại

Còn theo số liệu từ KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD với hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính và bất động sản. Giá trị trung bình các thương vụ là 54,5 triệu USD.

Trước thực tế này, TS. Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam) nhận định, trong năm 2024 các thị trường M&A sẽ tiếp tục sôi động, bởi các nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm. Nhà đầu tư cũng muốn chốt thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ như: bất động sản, xây dựng.

Ngoài ra, sự tích cực và sôi động trên thị trường còn đến từ nguyên nhân nội tại của các doanh nghiệp nội địa, khi nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp đang buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư để giải quyết sức ép về tài chính.

“Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn. Bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Một yếu tố khác là phải làm sao để tạo điều kiện rút ngắn thời gian hoàn tất thương vụ”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.


Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia

“Về phía doanh nghiệp, không phải người bán “muốn bán”, người mua sẵn sàng chi tiền là có thể mua – bán ngay được. Bên cạnh việc chuẩn bị về tâm thế, do nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa quen với tâm thế liên doanh – nơi hợp tác cho và nhận, để định nghĩa vai trò các bên có liên quan, hài hòa sự khác biệt văn hóa giải quyết vấn đề tài sản”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói thêm.

Bên cạnh việc chuẩn bị về tâm thế, do nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa quen với tâm thế liên doanh – nơi hợp tác cho và nhận, để định nghĩa vai trò các bên có liên quan, hài hòa sự khác biệt văn hóa giải quyết vấn đề tài sản, Luật sư Đào Tiến Phong (Công ty Tư vấn InvestPush) cho rằng khi có kế hoạch M&A, nên có cơ cấu cổ phần hóa trước để thuận tiện về mặt pháp lý và tránh rủi ro về thuế khi M&A. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đặc biệt chú ý đến chiến lược “chống pha loãng” để tránh bị thâu tóm toàn công ty, nếu chỉ định bán một phần.

Bà Minh Huỳnh – Giám đốc Quỹ Tael Partners cũng cho rằng, hoạch định tài chính cho doanh nghiệp cũng như hoạch định tài chính của đời mình, cần phải tính cả những thuận lợi và khó khăn. Khi tính đến chuyện huy động vốn thì cần phải đặt ra câu hỏi: Tại sao lại cần huy động vốn? Mình cần gì ở nhà đầu tư: vốn, công nghệ, quản trị? Câu hỏi thứ hai là khi nhà đầu tư vào với mình rồi thì sẽ thay đổi như thế nào, quản trị ra sao, kỳ vọng như thế nào? Mình phải trả lời được tất cả các câu hỏi đó trước khi tính đến chuyện mời gọi nhà đầu tư góp vốn.

Cũng tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia cao cấp nhấn mạnh, việc tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài là xu hướng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, bên cạnh nguồn vốn thì các doanh nghiệp còn tìm kiếm các yếu tố khác khi mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài qua các thương vụ M&A đó là: công nghệ, kỹ năng, quản trị, thị trường, tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

“Tìm kiếm các nhà đầu tư mới, tìm kiếm các nhà đầu tư từ bên ngoài là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần, nhưng cái cần hơn là chính sách vĩ mô phải tốt để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài và giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong quá trình M&A. Nhưng đây cũng là chỗ tôi lo lắng. Số doanh nghiệp ngưng hoạt động từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay vẫn tăng cao, nếu doanh nghiệp được vốn kịp thời thì không như vậy”- bà Phạm Chi Lan nói.

N.Trinh

Bình luận (0)