Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều trường mầm non ở thành phố Vinh tăng học phí

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Dù chưa có cơ sở là thực hiện chương trình chất lượng cao nhưng 13 trường mầm non trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) đã đồng loạt tăng học phí gấp hai lần so với năm học trước, từ mức 256 nghìn đồng lên 540 nghìn đồng vào đầu năm học mới này.
Một buổi học của các cháu Trường mầm non Quang Trung, TP Vinh.  

Việc tăng học phí tại các trường mầm non ở thành phố Vinh thật sự gây khó khăn cho hàng nghìn phụ huynh. Hằng tháng ngoài việc tăng học phí, các phụ huynh còn phải gánh thêm các khoản đóng góp khác như "xã hội hóa giáo dục tự nguyện", tiền đồ chơi, tiền bồi dưỡng năng khiếu… Giải thích việc tăng học phí, các trường mầm non cho rằng, thực hiện theo Quyết định 40/2011/QÐ-UBND ngày 16-8 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định thu học phí mầm non công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí.

Ðúng là UBND tỉnh Nghệ An đã có chủ trương chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập. Theo chủ trương này, có 37 trường mầm non bán công khu vực 2 miền núi được chuyển sang công lập; 296 trường mầm non bán công khác chuyển sang công lập tự chủ một phần kinh phí; 36 trường (trong đó có 13 trường trên địa bàn TP Vinh) chuyển sang loại hình công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Theo đó, lớp mẫu giáo bán trú của các trường mầm non công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động trên địa bàn TP Vinh có mức thu tối đa là 540 nghìn đồng/cháu/tháng. Như vậy, sau khi Quyết định 40 của UBND tỉnh ban hành, dù chưa thực hiện chương trình chất lượng cao hay có căn cứ nào công nhận thì ngành giáo dục và đào tạo (GD-ÐT) TP Vinh đã lập tức cho các trường mầm non trên địa bàn đồng loạt thu học phí ở mức tối đa.
Ðáng chú ý, Sở Nội vụ Nghệ An đã có ý kiến là phải cân nhắc, tính toán kỹ mức thu học phí cho phù hợp thu nhập thực tế của nhân dân trên địa bàn tỉnh để góp phần hạn chế các khoản đóng góp khác và cũng để góp phần hạn chế tình trạng bỏ học của một số học sinh trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngành Tài chính cũng cho rằng, hiện các cơ quan liên quan vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí chương trình chất lượng cao, cho nên việc trường nào thực hiện được chương trình chất lượng cao tại thời điểm hiện nay là chưa xác định được. Phó Giám đốc Sở GD – ÐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng: Ngay tại thời điểm hiện nay, khi chưa xây dựng và thực hiện được chương trình chất lượng cao thì mức thu tối đa 540 nghìn đồng tại 13 trường mầm non trên địa bàn TP Vinh là quá cao.
Trước bức xúc của dư luận, ngày 20-9, UBND tỉnh Nghệ An do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Ðường chủ trì đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở: GD-ÐT, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan báo chí về việc chấn chỉnh thu mức học phí mới tại các trường mầm non trên địa bàn. Tại cuộc họp, Phòng GD-ÐT thành phố Vinh đã nhận trách nhiệm về việc khi chưa có hướng dẫn liên ngành thực hiện mức thu học phí mới nhưng nhiều trường đã tổ chức thu và thu ở mức tối đa. Ðó là việc các trường mầm non chưa đạt chất lượng cao nhưng đã thu học phí với mức thu tối đa theo Quyết định 40 của UBND tỉnh. Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Ðường kết luận, chủ trương tăng học phí theo Quyết định 40 của UBND tỉnh đối với trường mầm non thực hiện chương trình chất lượng cao là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng của bậc học mầm non trong yêu cầu mới. Sở GD-ÐT có trách nhiệm kiến nghị với Bộ GD-ÐT kịp thời có hướng dẫn mức thu đối với trường mầm non thực hiện chất lượng cao. Nếu Bộ chưa có văn bản hướng dẫn thì Sở phải chỉ đạo Phòng GD-ÐT và các trường tổ chức họp lấy ý kiến tham khảo của phụ huynh trên cơ sở đó đề ra mức thu học phí phù hợp Quyết định 40 của UBND tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương này.
Theo PHẠM NGÂN
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)