Giáo viên tư vấn học đường có chuyên môn đang rất thiếu. Trong quá trình làm việc, giáo viên tư vấn gặp vô vàn khó khăn. Công tác này đang thiếu một cơ chế thống nhất để vận hành… Đó là những bức xúc được nêu ra tại hội thảo “Xây dựng mô hình tư vấn học đường” do Sở GD-ĐT TP.HCM và UNICEF tổ chức sáng 23-9.
“Người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông hiện đang thiếu điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ công việc: phòng tư vấn, điện thoại, máy vi tính… Hiện chưa có chế độ cụ thể cho giáo viên tư vấn trong khi đa số phải làm việc ngoài giờ, chưa kể phải tìm đến gia đình học sinh để hiểu rõ hoàn cảnh các em. Thỉnh thoảng giáo viên tư vấn còn gặp rào cản khác từ một số lực lượng trong trường do họ chưa hiểu hết chức năng, vai trò của công tác tư vấn” – cô Nguyễn Thị Thanh Hường, giáo viên tư vấn tâm lý Trường THPT Bình Hưng Hòa, phát biểu tại hội thảo.
Một giáo viên trẻ tâm sự tại hội thảo: “Tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý – giáo dục học, tôi được Sở GD-ĐT phân công về trường. Thế nhưng phải chạy đi chạy lại nhiều lần, cuối cùng tôi mới được nhận vì ban giám hiệu trường có quan điểm khác nhau. Người bảo cần, người lại bảo không cần phải có giáo viên tư vấn”.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức – cán bộ Sở GD-ĐT TP, đã có lần tâm sự với Tuổi Trẻ: “Định biên nhà trường có chức danh giáo viên tư vấn học đường nhưng không phải ban giám hiệu tất cả các trường đều nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác này. Đó là chưa kể mấy năm gần đây các trường được tự chủ về tài chính nên một số hiệu trưởng có tâm lý giảm bớt nhân sự để giảm bớt chi phí. Thế là giáo viên tư vấn không được tuyển vào”.
Tại hội thảo, nhiều giáo viên cho biết khi làm công tác tư vấn họ đã bị cắt mất khoản 30% phụ cấp đứng lớp nên thu nhập rất thấp, chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng vì không thể dạy thêm. Bà Bùi Thị Kiều – giáo viên tư vấn Trường THPT Marie Curie – kể: “Lớp tôi học ngày xưa có 38 người thì chỉ có ba người làm công việc tư vấn trong trường học. Nhưng hai người kia đang chuẩn bị bỏ nghề”. Thừa nhận vấn đề trên, TS Nguyễn Thị Bích Hồng (khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng nghề tham vấn có những nghiệt ngã và hầu hết đều làm việc bằng cái tâm: “Bản thân tôi khi làm việc tại một trường phổ thông được trả lương 800.000 đồng/tháng, chỉ bằng mức thù lao một buổi làm việc, nhưng vì nhận thấy người làm công tác đào tạo cần tiếp cận nhiều hơn với thực tế nên tôi vẫn làm”.
Tại hội thảo, hầu hết đại biểu đều cho rằng cần có một cơ chế rõ ràng cho hoạt động tư vấn học đường cũng như quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, có chế độ, chính sách thỏa đáng cho giáo viên tư vấn học đường.
HOÀNG HƯƠNG / TTO
Bình luận (0)