Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tốt nghiệp cao đẳng, đi… bán vé số mưu sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tốt nghiệp loại khá hệ chính quy ngành Sư phạm giáo dục Công nghệ Trường đại học Tiền Giang năm 2008, cô cử nhân Nguyễn Thị Kim Thoa ngậm ngùi “gác” tấm bằng tốt nghiệp đi bán vé số kiếm sống đã 2 năm qua…

Vừa đi học vừa đi bán vé số

Chúng tôi được anh Trần Anh K. (hàng xóm với Thoa) cho biết về hoàn cảnh của Thoa: “Hồi còn học cấp 2, tôi học chung với Thoa, lúc đó gia đình Thoa rất khó khăn nên Thoa vừa đi học vừa phải đi bán vé số. Mẹ Thoa lại bệnh nặng rồi mất nhưng Thoa vẫn học xong 12, rồi học lên cao đẳng luôn. Không ngờ Thoa ra trường rồi mà vẫn đi bán vé số kiếm sống”.
Kim Thoa kể: “Vì gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp 12 em không thể học tiếp mà ở nhà vừa đi bán vé số, vừa giúp cha làm ruộng. Sau 2 năm đi bán vé số, em cũng dành dụm được một số tiền đủ để trang trải học phí nên em quyết định nộp hồ sơ dự thi vào ngành Sư phạm giáo dục Công nghệ (hệ cao đẳng) của Trường ĐH Tiền Giang và em đậu khóa học 2005-2008. Sau 3 năm học đến tháng 8/2008 em tốt nghiệp ra trường”.
Ra trường với tấm bằng loại khá, Thoa vẫn không xin được việc làm. Trong khi đó cả nhà (5 người) chỉ trông chờ vào 2 công ruộng nên thiếu trước hụt sau. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Thoa lại trở về với công việc bán vé số.
Suốt 2 năm nay sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Kim Thoa đi bán vé số kiếm sống vì không xin được việc. Trong ảnh: Thoa (giữa) đang bán vé số ở một quán café ven sông Chợ Gạo, Tiền Giang.
Được biết, hiện giờ mỗi ngày Thoa lấy 100 tờ vé số đi bán, chủ yếu bán ở các quán café cặp bờ kè sông Chợ Gạo. Mỗi buổi bán như vậy, Thoa chỉ bán được hơn phân nửa số vé, lời từ 50-60 ngàn đồng là cùng, còn lại bao nhiêu thì Thoa đem trả lại cho đại lí, nhưng phải trước 1 giờ 30.
Đến thăm nhà Thoa, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Văn Tám (52 tuổi) – cha của Thoa bùi ngùi kể chuyện: “Trong suốt 12 năm đi học, cứ một buổi đến đường còn một buổi thì con Thoa đi bán vé số kiếm tiền đóng học phí và mua sách vở. Khó khăn vất vả như vậy mà năm nào nó cũng lên lớp, có năm còn có cả giấy khen nữa chứ. Đến năm 2000 thì mẹ nó mất, tui thấy gia đình nợ nần túng thiếu nên tôi bảo nó nghỉ học ở nhà làm ruộng với tôi. Nó không chịu, một hai năn nỉ tui cho nó đi học, còn tiền đóng học phí nó nói với tui sẽ tiếp tục đi bán vé số để trang trải. Tui thấy nó kiên quyết như vậy nên tui cũng chiều theo ý của nó luôn”.
Ông Tám chia sẻ thêm: “Ngày nó nhận bằng tốt nghiệp tui rất tự hào và rất vui mừng, vì tui cứ nghĩ rằng con Thoa sẽ trở thành cô giáo, chấm dứt nghề bán vé số đã đeo đuổi nó trong suốt 14 năm qua. Có ai ngờ đâu cái Thoa lãnh bằng tốt nghiệp xong rồi lại tiếp tục đi bán vé số như thế này. Phận làm cha mà tôi không làm được gì cho con nó, tôi thấy đau lắm chứ”.
Mong được làm cô giáo từng ngày
Nói về chặng đường học hành gian nan của mình, Kim Thoa bộc bạch: “Có lẽ, cũng chính vì ước mơ được trở thành cô giáo đã giúp em vượt qua tất cả khó khăn để có được tấm bằng Cao đẳng Sư phạm như mong muốn. Chỉ tiếc một điều là em chưa thực hiện được ước mơ đi dạy có tiền rồi lo cho hai em đi học tiếp”.
Thoa cho chúng tôi xem tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm giáo dục Công nghệ loại khá cùng các chứng chỉ phụ khác như: Chứng chỉ tin học A, chứng chỉ giáo dục quốc phòng và 1 chứng chỉ nghề.
Kim Thoa lặng lẽ sắp xếp mấy tấm bằng và chứng chỉ của mình vào cặp để đi bán tiếp sấp vé số còn lại.
Thoa ngậm ngùi nói: “Em rất nôn nóng để được đi dạy nên vừa khi tốt nghiệp xong em đã làm hồ sơ đi nộp ở Sở Giáo dục. Đợi một thời gian em lên hỏi thăm thì được Sở trả lời “Mang hồ sơ về phòng giáo dục của huyện nộp”. Em tiếp tục về nộp hồ sơ ở phòng giáo dục huyện Chợ Gạo. Cứ 2, 3 tháng thì em lên hỏi thăm 1 lần, những lần lên hỏi thăm thì được các thầy ở đây cho biết: “Chưa có yêu cầu nhận giáo viên Công nghệ của các trường. Rồi em về và đi bán vé số cho tới nay luôn”.
Chúng tôi hỏi vui “Bây giờ Kim Thoa đi bán vé số có thấy ngại không?”, cô cho biết: “Công việc này em đã làm suốt 14 năm nay nên chẳng thấy ngại gì. Nhưng chỉ có điều hôm nào gặp bạn bè, thấy tụi nó là thầy cô giáo, còn mình vẫn còn đi bán vé số thế này, em cũng tủi thân lắm!”.
Trao đổi với thầy Huỳnh Văn Thanh – phó phòng giáo dục huyện Chợ Gạo về hoàn cảnh của Kim Thoa, thầy Thanh cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi không chỉ có nhận được hồ sơ của em Thoa. Nhưng từ năm 2008 đến bây giờ chúng tôi không nhận được yêu cầu xin giáo viên Công nghệ của các trường nên cũng đành chịu. Riêng trường hợp của em Thoa, chúng tôi sẽ xem xét lại để bố trí cho em Thoa (có thể là không đúng ngành) một công việc gì đó để giúp em và gia đình bớt đi khó khăn”.
Bài và ảnh: Ngô Nguyễn / Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)