Hằng ngày, các em đến lớp học, vẫn ùa ra như ong vỡ tổ những giờ giải lao. Nhưng, các em không nói, cũng không nghe. Mọi hoạt động giao tiếp phải qua chữ cái ngón tay, thủ ngữ điệu bộ.
Ở phường Long Tâm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có một trường học đặc biệt như thế.
Những đứa trẻ khiếm thính đang nô đùa với nhau.
Những mảnh đời học trò khiếm thính
Trường Nuôi dạy Trẻ khuyết tật (số 1, Nguyễn Hữu Tiến, P.Long Tâm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có chức năng giáo dục chuyên biệt, hướng dạy nghề và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị khuyết tật thính giác, trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… Trong khu nhà chữ U ấy, là nơi học tập, sinh hoạt của hơn 150 tâm hồn trẻ thơ có cảnh đời bất hạnh.
Sau giờ học, các em ùa ra vui chơi như ong vỡ tổ. Những đứa trẻ chơi trò cút bắt, hò hét nhau, nhưng không đứa nào thốt thành lời. Bởi, các em bị câm, điếc bẩm sinh. Trong khu nội trú phía sau trường học, nhiều em bị bệnh tự kỷ, chậm phát triển vẫn ngơ ngác nhìn bạn bè vui chơi mà đôi mắt như đang nhìn vào khoảng trống vô hình. Các em đến với ngôi trường này đặc biệt này có cùng điểm chung không ai mong muốn đó là đều xuất phát từ những hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã.
Em Nguyễn Anh Tuyên, 16 tuổi, học sinh lớp 3B có hoàn cảnh đáng thương tâm. Ngoài căn bệnh câm, điếc bẩm sinh, Tuyên còn bị bệnh tim hở 4 lá. Năm 2008, người mẹ vô vàn kính yêu của Tuyên đã vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời trong một vụ tai nạn giao thông. Hằng ngày, cha Tuyên phải sống cảnh gà trống nuôi con. Người cha chạy đôn chạy đáo khắp nơi phụ hồ kiếm tiền về nuôi 3 đứa con thơ dại. Tuyên được gửi về ở với bà ngoại đã ngoài 80 tuổi.
Em Nguyễn Anh Tuyên, 16 tuổi, học sinh lớp 3B có hoàn cảnh đáng thương tâm. Ngoài căn bệnh câm, điếc bẩm sinh, Tuyên còn bị bệnh tim hở 4 lá. Năm 2008, người mẹ vô vàn kính yêu của Tuyên đã vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời trong một vụ tai nạn giao thông. Hằng ngày, cha Tuyên phải sống cảnh gà trống nuôi con. Người cha chạy đôn chạy đáo khắp nơi phụ hồ kiếm tiền về nuôi 3 đứa con thơ dại. Tuyên được gửi về ở với bà ngoại đã ngoài 80 tuổi.
Mới đây, một tổ chức nhân đạo mổ phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em về với những mảnh đời bất hạnh ở Vũng Tàu. Tưởng đâu nỗi đau vì bị bệnh tim dằn vặt của Tuyên sẽ được trút bỏ, thế nhưng Tuyên lại không được phẫu thuật vì quá tuổi mổ tim cho phép. Câm, điếc, hở tim… đang ngày đêm hành hạ đứa trẻ 16 tuổi như em. Nhưng không nỗi đau nào bằng khi ngày đêm tiếng “Mẹ” thân thương mà em không thể cất được thành lời.
Cậu bé bất hạnh tên Minh vẫn đang vô tư vui chơi, nhưng có ai biết rằng, em có một tuổi thơ không bình yên như bạn bè trang lứa.
Em Phạm Văn Minh (8 tuổi, học lớp 1B) có hoàn cảnh nghiệt ngã không kém. Minh bị bỏ rơi khi lọt lòng mẹ. Một người dân phát hiện và gửi Minh vào Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu để được chăm sóc. Minh lớn lên trong tình thương của những cô, dì ở Trung tâm. Nhìn Minh hăng hái chạy nhảy, tinh nghịch, không một chút mệt mỏi như đứa trẻ bình thường nhưng ai có ngờ, em đang mang trong người căn bệnh câm, điếc bẩm sinh.
Cô Lê Thị Sáu – Giáo viên phụ trách đội kể lại hoàn cảnh của cháu gái Võ Phan Mẫn Nhi (8 tuổi) làm nhiều người nghe không khỏi chạnh lòng. Năm 2006, ba mẹ Nhi và đứa em mới 8 tháng tuổi đi về nhà ngoại đám giỗ. Trên đường từ Châu Đức về lại Vũng Tàu thì bị tai nạn giao thông làm cha mẹ và em của Nhi chết tại chỗ. Đứa con gái câm điếc bẩm sinh mới gần 6 tuổi phải bơ vơ không cha, không mẹ về nương tựa tại nhà người dì.
“Có những chiều cuối tuần, nhiều em ở gần được người thân đến tận trường đón. Nhìn bạn bè ra về trong vòng tay người thân, Nhi đứng bám tay vào khung cửa sắt, nước mắt chảy ròng. Có lẽ, cháu đang thèm lắm một vòng tay nâng niu” – cô Lê Thị Sáu tâm sự.
Nói với nhau bằng thủ ngữ
Cô giáo Trương Thị Xuân Liêm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu hết các em đều ở vùng sâu vùng xa của tỉnh, bị gia đình bỏ mặc nên công tác chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục cho các em tương đối khó khăn.
Do học sinh là khuyết tật về khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ nên cần phải được quan tâm, chăm sóc về mọi mặt. Đặc biệt, cần phải có một chương trình giảng dạy phù hợp để các em tiếp thu một cách tốt nhất.
Chương trình học của nhà trường theo chương trình bậc tiểu học nhưng thu hẹp phạm vi nội dung. Học sinh khiếm thính học 12 môn, trong đó có 7 môn học trong chương trình tiểu học phổ thông được điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tâm lý trẻ khiếm thính. Một số môn đặc thù như: ngôn ngữ ký hiệu, phát triển giao tiếp, luyện nghe, phát âm… Đối với học sinh chậm phát triển trí tuệ học chương trình mầm non và tiểu học nhưng cũng được điều chỉnh cho phù hợp.
Phương pháp dạy cho học sinh “đặc biệt” cũng rất đặc biệt. Cô trò trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu, thủ ngữ, phương pháp đọc hình miệng. Với những em chậm phát triển trí tuệ thì được giảng dạy bằng cách dùng hình vẽ, tranh ảnh, cử chỉ…
Một buổi ngồi quan sát các em sinh hoạt, chúng tôi cũng không giao tiếp với các em nếu như không có sự “thông dịch” của cô giáo phụ trách. Cô Liêm tâm sự: “Mỗi em đều có một hoàn cảnh hết sức thương tâm. Chúng tôi cố gắng vận dụng những phương pháp giảng dạy sao cho các em tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Nhiều em có tuổi thơ không bình yên nên tâm tính trở nên gắt gỏng, tự cô lập. Giúp trẻ xóa bỏ mặc cảm, dần dần hòa nhập cộng đồng là việc mà chúng tôi hết sức quan tâm”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Thành Kỳ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Trước thềm năm học mới, tỉnh hiện còn một số trường đang xuống cấp. Vừa qua, Trường Nuôi dạy Trẻ khuyết tật đã được Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn, trực thuộc SCG Chemicals đầu tư 11 tỷ đồng để nâng cấp xây mới nên cũng tạo điều kiện tốt cho các em học sinh đặc biệt này bước vào năm học”.
Trả lời câu hỏi của PV về việc hòa nhập các em với cộng đồng, ông Kỳ tâm sự: “Không những trang bị kiến thức văn hóa, thích nghi hoàn cảnh xã hội, chúng tôi còn chú trọng việc nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển thể trạng để khi ra trường các cháu dễ dàng hòa nhập cộng đồng”.
Công Quang (Dan tri)
Bình luận (0)