Vào các diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ thời điểm này, dễ dàng nhận thấy bên cạnh những topic tìm trường, tìm lớp cho các bé sắp vào lớp 1 là các chủ đề “tìm chỗ luyện chữ đẹp cho con”, “lớp luyện chữ khu vực…” dành cho các bé… 4-5 tuổi.
“Không tập viết trước không được”
Chị Hải Anh (quận Cầu Giấy) tâm sự: “Con tôi đang học mẫu giáo lớn, gặp người quen ai cũng hỏi: Đã cho con luyện chữ chưa? Khi tôi bảo cứ để cho cháu tự nhiên vào lớp 1 thì người nào cũng lắc đầu: Không tập viết trước là không theo kịp các bạn được đâu”. Tràn ngập trên các diễn đàn, blog của các bậc cha mẹ hiện nay là những lời tâm sự: "Con chị mấy tuổi rồi? Đã được luyện chữ trước chưa?", "Chị cho cháu luyện lúc 5 tuổi đi, vào lớp 1 mà chưa biết viết là “đuối” lắm đấy”, “Con nhà tôi luyện chữ từ hồi 4 tuổi kia kìa”…
Tại một lớp luyện chữ cho trẻ 5 tuổi
|
Rút kinh nghiệm từ cậu con trai đầu, vào lớp 1 mới bắt đầu tập viết từng nét, tuần nào cũng nhận được lời phàn nàn từ cô giáo nên ngay từ bây giờ, khi cô con gái thứ hai mới… 4 tuổi, chị Ngọc Minh (quận Ba Đình) đã bắt đầu bắt con mỗi tối ngồi vào bàn học, tập làm quen với sách vở, bút viết. Chị cho biết: “Tôi khổ sở và phát ngượng với những lời thông báo của cô giáo, nào là “con viết chậm, chữ xấu”, nào là “con không theo kịp các bạn” chỉ vì mình không cho con đi tập viết, tập đọc trước khi vào lớp 1. Một phần do mình chủ quan, nghĩ rằng ở trường mẫu giáo đã cung cấp đủ kiến thức cho con vào lớp 1 rồi nên khi mọi người bảo phải cho con đi học trước đi, tôi kiên quyết không nghe theo, nhưng rõ ràng, con mình không đi học trước sẽ vô cùng thiệt thòi”.
Cũng hoàn cảnh như vậy, chị Thanh Hà đang lo cuống cuồng vì tháng 9 này vào lớp 1 mà bé Thanh Tùng nhà chị vẫn chưa biết viết, chưa biết ghép vần. Một mặt chị chạy đôn đáo tìm cô giáo luyện chữ cho con, một mặt ngày nào chị cũng ép bé phải ngồi vào bàn viết đủ 5 trang, cho dù bé hoàn toàn không thích. Chị phân trần: “Nhìn con uể oải, ngáp lên ngáp xuống trước trang vở, tôi cũng xót xa lắm, nhưng nhìn những đứa khác viết đâu ra đấy, đọc vanh vách quyển sách mà sốt ruột. Con mình chậm thế này thì khi vào lớp 1 làm sao theo kịp các bạn?”
“Nóng” tại các “lò” luyện chữ
Trước cổng các trường mầm non vào thời điểm này xuất hiện rất nhiều tờ rơi quảng cáo các lớp luyện chữ đẹp để mời chào phụ huynh. Tại các “trung tâm” luyện chữ của Hà Nội như ở Cung Thiếu nhi, Chùa Bộc, Khâm Thiên, Hàng Mành, Phạm Hồng Thái… luôn chật kín học sinh “nhí”.
Anh Hoàng Kiên, hiện đang cho con theo học một lớp luyện chữ trên phố Lý Thái Tổ, cho biết: “Phải khó khăn lắm tôi mới xin được cho cháu vào lớp này đấy. Tuy lớp đông, trên 30 cháu nhưng các cháu được học cả làm toán, tập đọc như đang đi học lớp 1”.
Tại lớp luyện chữ của cô Liên Hương (Chùa Bộc), đa số các phụ huynh đều cho biết, các cháu vừa tan học ở trường mầm non là được chở thẳng tới đây để luyện chữ. Vì thế không hiếm cảnh các cháu bé vừa lên lớp vừa ăn bánh hoặc hút bịch sữa để lấy sức… học tiếp. Một phụ huynh có con học tại đây còn cho biết: “Do lớp này chỉ luyện chữ thôi nên tôi phải cho cháu đi học thêm tập đọc, làm tính ở nơi khác cho yên tâm”.
Mặc dù ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học – Sở GDĐT Hà Nội luôn khẳng định, hết lứa tuổi mầm non, các bé sẽ được làm quen với 24 chữ cái, nhận biết các chữ số từ 1 đến 10, lượng kiến thức đó đã là đủ cho bé bước vào lớp 1, nếu cho trẻ học trước sẽ khiến trẻ có tâm lý chủ quan khi vào lớp 1, đó là còn chưa kể đến việc ngồi sai tư thế, cầm bút sai. Tuy nhiên thực tế cho thấy, rất ít phụ huynh cảm thấy như thế đã là “đủ”. Chị Minh Hà cho biết, ở trường mẫu giáo, trẻ chỉ được làm quen với việc đọc các chữ cái nhưng hoàn toàn không được dạy viết; trong khi ở lớp 1, chỉ mới khoảng hai tháng sau khai giảng đã thấy các bé lớp 1 tập chép, thậm chí viết vài câu dạng chính tả.
Theo một giáo viên tiểu học của Hà Nội, đến giữa học kỳ 2 mới có phân môn chính tả. Tuy nhiên do học sinh thường rơi vào tình trạng đọc tốt mà không nhớ mặt chữ để viết, nên khoảng tuần thứ chín sau khi kết thúc phần âm, nhiều giáo viên bắt đầu cho học sinh làm quen với kỹ năng viết, tức làm quen với phân môn chính tả bằng cách đọc cho học sinh viết.
Chính vì thực tế như vậy nên mặc dù nhiều phụ huynh biết được tác hại của việc cho con đi học trước, nhưng như lời một phụ huynh: “Biết là không tốt, nhưng nếu không cho con đi học thì không thể yên tâm được. Giá như ở trường mầm non, các con được dạy cách viết, cách cầm bút, cách ngồi cho đúng, có lẽ chúng tôi sẽ không quá lo như hiện nay”.
Nguyên Minh / Lao Động
Bình luận (0)