Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Hỏi chuyện thủ khoa 10 điểm Địa, 9,75 điểm Sử của toàn quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng thủ khoa khối C ĐH Sư phạm Hà Nội là 2 cô gái dễ thương với lực học rất đáng nể. Cả hai đã từng mang tiếng “học dốt mới thi khối C”, nhưng họ tự tin phản biện: Người học tốt khối C cũng rất cần tố chất thông minh!
Luôn phải lên dây cót “tư duy bản đồ"
Trịnh Thị Lành – Thủ khoa khoa Sư phạm Địa
Cô gái nhỏ nhắn đất thành Nam – Trịnh Thị Lành vô cùng bất ngờ khi biết mình đạt điểm 10 môn Địa trong kỳ thi ĐH vừa qua. Em cho biết, thi các môn khối C mà mỗi môn đạt điểm 9 là “kịch kim” rồi. Nhưng khi nhìn vào kết quả điểm trên mạng của chính mình và các bạn khác, Lành thấy nhiều điểm 9 và 9,5. Lý giải điều này, Lành nhận xét: “Nhìn chung đề khối C năm nay dễ hơn các năm trước. Thí sinh chỉ cần nêu đúng sự kiện là “ăn” điểm tối đa”. 
Lành là con thứ 2 trong gia đình làm nông ở xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Bố mẹ đều làm ruộng. Anh cả đang học Cao đẳng ở Thái Bình, em trai học lớp 9. “Duyên” với môn địa của Lành cũng rất ngẫu nhiên và trắc trở. Hồi học lớp 9, em được chọn đi thi tỉnh môn địa và đạt giải nhì. 
Lành xúc động kể lại: “Lớp 9, bản thân em cũng chỉ biết tập trung học Văn, Toán và Tiếng Anh để thi vào cấp III. Việc đi thi Địa là ngẫu nhiên do cô giáo thấy trong lớp em học trội nhất môn này và em cũng đi thi với mong muốn giật giải làm quà cho bố mẹ. Nhưng em lại đam mê môn địa lúc nào không hay”.
Bố mẹ Lành không muốn cho con đi học ôn để thi tỉnh do “tốn thời gian mà cũng không giải quyết vấn đề gì”. Sau đó, Lành có ý định dự thi vào chuyên  địa trường chuyên Lê Hồng Phong nhưng bố mẹ lại không đồng ý. Lý do bố mẹ phản đối là: “Học khối C sẽ khó xin việc làm về sau” – Lành kể lại.
Trịnh Thị Lành chia sẻ kinh nghiệm học: “Đặc trưng của môn Địa là có nhiều số liệu khó nhớ vì con số thường lẻ đến hàng đơn vị. Em học thuộc bài theo kiểu xương cá, từ ý chính đến ý phụ. Khi làm bài cần rõ ý, sản xuất các ý theo mức độ quan trọng. Và hỏi gì trả lời đấy”. 
Khía cạnh khác, khi làm bài học sinh thường rất dễ nhầm tên địa danh và số liệu về tự nhiên cũng như kinh tế. Phương pháp duy nhất và hiệu quả là xem nhiều bản đồ để trong đầu hình thành tư duy bản đồ. Khi nói đến địa danh ấy, ta sẽ biết nó nằm ở vùng kinh tế nào, nó có những đặc điểm tự nhiên, xã hội gì. Tư duy bản đồ sẽ làm người học nhớ lâu và đỡ nhầm.
Lành cũng chia sẻ  thêm, học các môn khối C, nhìn chung là chán vì phải “nhai” đi “nhai” lại một khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa. Những sách nâng cao hay chuyên ngành về địa tự nhiên, địa kinh tế mà em đã học trong lớp chuyên cũng có nhưng học cũng chỉ để biết chứ không dùng cho thi đại học. Tuy nhiên, chính cảm giác được mở mang tầm nhìn qua… bản đồ đã duy trì hứng thú cho em trong học môn địa. 
Môn Địa, với dạng đề mở (tức trong đề đã có yêu cầu cụ  thể vẽ dạng biểu đồ gì. Đề năm nay là “Vẽ biểu đồ đường thể hiện diễn biến nhiệt độ trung bình các tháng trong năm của Hạ Long và Vũng Tàu theo bảng số liệu đã cho?”) thì thí sinh chỉ cần vẽ và vẽ. Còn với dạng đề ngầm như: “Vẽ biều đồ thích hợp nhất thể hiện bảng số liệu trên” hoặc xử lý số liệu rồi mới vẽ thì thí sinh thường nhầm. Như vậy, cần lưu ý một số điểm mấu chốt của đề ngầm. Khi làm bài, vẽ biểu đồ gần xong rồi mới phát hiện ra mình nhầm thì sẽ làm cho thí sinh mất bình tĩnh, dẫn đến thiếu thời gian làm. Người làm nhanh nhất cũng mất 10-15 phút cho khâu vẽ biểu đồ, nếu nhầm, thời gian ấy sẽ tăng gấp 2, gấp 3.
Với người học chỉ cần nhớ và khắc sâu kiến thức đã đủ mệt rồi, làm sao có thời gian để kiểm nghiệm những kiến thức trong sách vở với thực tế. Lành là con nhà nông, khi nói đến những kiến thức về đất phù sa, đất chiêm trũng, đầm, vạc thì biết; còn khi nhắc đến những kiến thức xa xôi hơn như đất feralit, các loại hải sản thì… cố học thuộc để đi thi.
Liên hệ với những gì gần gũi

Tạ Minh Giang – Thủ khoa khoa Sư phạm Sử
Với số điểm 26.5, em Tạ Minh Giang là đồng thủ khoa khối C với Trịnh Thị Lành của trường Đại học Sư phạm Hà Nội – (Văn: 8, Sử: 9.75, Địa: 8.75).
Cách đây 3 năm, trước khi thi vào cấp III, trong lúc hấp hối vì cảm nặng, bố của Giang có dặn: “Con hãy làm những gì con thích. Bố không thể nhìn thấy con gái bố vào đại học và lên xe hoa nữa rồi!”. Và rồi ông ra đi khi Giang vừa tròn 15 tuổi.
Gác nỗi đau lại, Giang đi thi vào chuyên Hùng Vương – Phú Thọ với tâm niệm sẽ thực hiện lời bố là vào đại học bằng suất giải cao quốc gia. Nhưng sau đó quy chế thi thay đổi nên “gà nòi” Tạ Minh Giang phải chia thời gian để học cả Văn và Địa.
12 năm Giang liên tục đạt học sinh giỏi. Lớp 12, em thi tỉnh giải nhất và giải khuyến khích quốc gia. Đặt giấy chứng nhận lên bàn thờ bố mà nước mắt Giang lưng tròng: “Con gái gửi tặng bố món quà bố đã mong mỏi”.
Cô Nguyễn Thị Thành bán hàng nhựa ở gần cổng chợ Dầu, phường Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ đã hơn 20 năm nay, mỉm cười tự hào về con: “Lúc thi thử đại học, Giang thường xuyên đạt trên 9 điểm Sử. Cháu nó thích học tôi cũng đồng tình, cốt là đỗ đại học”. 
Anh trai Tạ Trung Kiên, đi xuất khẩu lao động nên giờ ở nhà chỉ còn hai mẹ con. Những lúc rảnh Giang cũng bán hàng giúp mẹ nhưng “cô giáo” tương lai vẫn không quên giở sách Sử ra để đọc vì “sắp tới em có 4 năm học gắn bó với môn Sử mà” – Giang chia sẻ.
Mong ước của cô gái đất Tổ là sau 4 năm nữa sẽ về trường cũ dạy. Giang bảo: “Điều đầu tiên em sẽ nói với học sinh của em là: người học khối C cũng cần tố chất thông minh và khả năng nhớ. Nếu có cách học đúng đắn, thí sinh có thể đạt điểm cao ngang với các môn khối A”.
Giang thường liên hệ với những gì quen thuộc xung quanh mình để dễ nhận biết và dễ nhớ. Ngày 6/1/1946 là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trùng với sinh nhật của em (6/1/1990) nên không bao giờ quên được. 
Lịch sử thế giới vô cùng quan trọng, không chỉ là kiến thức nền bổ sung kiến thức cho phần lịch sử Việt Nam mà trong đề thi cũng chiếm tới 30% số điểm. Có những năm đề ra không đơn thuần một câu về lịch sử thế giới mà lồng ghép một sự kiện trên thế giới với một vài sự kiện ở Việt Nam để thí sinh phân tích. Nếu không nắm chắc và còn lơ tơ mơ lý thuyết thì rất dễ bỏ sót ý hoặc lúng túng “sáng tác” thêm sự kiện. 
Trước khi làm một câu, Giang thường khoanh vùng kiến thức để tập trung tư duy cao nhất. Câu hỏi sử thường có những từ “chìa khóa” như: “trình bày”, “nêu”, “phân tích”, “đánh giá”… Hai từ đầu yêu cầu thí sinh chỉ ghi đúng sự kiện. Còn khi từ sau, ngoài việc nêu sự kiện, người làm bài cần đi sâu bày tỏ quan điểm của mình trước diễn biến lịch sử ấy.
Cùng câu hỏi: “Các em có hiểu biết xã hội nhiều khi học các môn khối C không?”. Giang chân thành: “Em chỉ có thể kiểm chứng bằng cách đi thăm những địa danh và những câu chuyện lịch sử; còn diễn biến lịch sử thì không thể tái diễn như thật được, xem sách thôi. Ngày xưa, truyền hình về chiến tranh còn chưa phát triển, giờ có được xem lại những đoạn băng lịch sử thì em cũng nắm bắt được phần nào nhưng em thấy vẫn “đói” lắm. 
Học sử qua băng hình rất dễ ăn sâu vào tâm trí. Phim tài liệu “Việt Nam – Cuộc chiến tranh 10.000 ngày” em được xem là do chúng ta mua bản quyền từ nước ngoài đó chứ. Em xem đi xem lại nhiều lần và thấy rằng nếu đem chiếu trên lớp học thì ai cũng hứng thú học Sử”.   
Đức Chính – Văn Chung (Dan tri)

Bình luận (0)