Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đường khởi nghiệp của CEO tài năng

Tạp Chí Giáo Dục

Vạn sự khởi đầu nan, những bước đi đầu tiên có thể không dễ dàng nhưng nó là những viên gạch nền tảng để giúp con người có các bước tiến sau này. Nhiều người đã thành danh từ những việc tưởng chừng như không-thể-đơn-giản hơn…
Giáo dục TP.HCM đã ghi lại những chia sẻ của một số CEO thành công về ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Anh Nguyễn Hòa Bình

Anh Nguyễn Hòa Bình (Tổng Giám đốc Peacesoft):Thành lập công ty với… 100 USD
Câu chuyện lập nghiệp của anh Bình lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sinh ra và lớn lên ở Hà Tây. Năm học lớp 10, cậu bé Bình đã tự đạp xe ra Trường ĐH Bách khoa để mua tài liệu về nghiên cứu lĩnh vực lập trình. Ngày đó, bố mẹ muốn con học toán nên đã cấm Bình học lập trình. Thời đó Bình còn có một đam mê nữa đó là chơi game, và bắt đầu từ lập trình game nhỏ, rồi đến lập trình game lớn hơn. Năm lớp 11, Bình đã lập được một giao diện điều khiển nhiều máy tính và đó là sản phẩm đến giờ anh vẫn tâm đắc nhất. Ngày đó, khi được tuyển chọn vào FYT (Trung tâm Bồi dưỡng tài năng trẻ FPT), chàng trai trẻ cảm thấy vô cùng tự ti vì thành tích học tập phổ thông không được bằng các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, anh Bình vẫn cố gắng học hỏi những kinh nghiệm từ những người bạn tài năng, thông minh trong Câu lạc bộ FYT.
“Tôi như cá gặp nước. Ngày đó, FYT đã cho chúng tôi mạng internet, máy tính tốc độ cao, bạn bè giỏi nên tôi đã mày mò, lập trình ra nhiều sản phẩm khác nhau như Voice chat trên internet và giành được 20 giải khác nhau”, anh Bình nhớ lại ngày mới vào FYT.  Tuy nhiên, vị CEO tài năng này cũng thừa nhận rằng do không có tiền nên sản phẩm của anh đã không thể tiến xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới. Sau thất bại đó, anh chợt nhận ra “không có tiền, không có giấc mơ”. Tháng 4-2001, anh quyết định lập công ty với… 100 USD trong túi. Bởi anh chỉ suy nghĩ đơn giản, mở công ty cho oai, để xuất hóa đơn đỏ… Lúc đầu công ty của anh là công ty 3 không: Không vốn, không văn phòng, không nhân viên. Chính vì vậy, dù là Giám đốc công ty nhưng anh vẫn phải đi cài Windows dạo, sửa máy tính dạo… trước khi Peacesoft trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam được IDG đầu tư. “Thời sinh viên nhàn rỗi, thời gian chơi nhiều hơn thời gian học. Thành lập công ty khi còn là sinh viên là bước chuẩn bị cho sự nghiệp của riêng mình, ra trường tôi không phải lo lắng đi xin việc. Còn nếu không thành công thì coi như đó là sự tích lũy kinh nghiệm của bản thân”, anh Bình chia sẻ. Về cơ hội trong tương lai, anh Bình cho rằng điện tử hóa thương mại và toàn cầu hóa là xu hướng của thời gian tới. Bạn chỉ thành công nếu thành công ở ngoài nhà mình. “Nếu bạn không đi thì họ sẽ đến. 10 năm nữa các chủ doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ toàn người Hàn Quốc hoặc Nhật. Đang có làn sóng di cư ngược ở những nước phát triển đến chiếm công việc của chính các bạn. Nếu chúng ta không hành động thì xu hướng này sẽ hình thành, lan rộng. Chúng ta phải xông ra để biến thị trường của nước khác thành thị trường của ta”, anh Bình nhận định.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Bình cho rằng phải học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Bởi theo anh, tiếng Anh là một kỹ năng “chết người”. Nếu bạn không giỏi tiếng Anh sẽ lãng phí cả đời”. Nhờ ngoại ngữ, anh Bình có thể giao dịch trực tiếp được với các khách hàng nước ngoài. Rất nhiều khách hàng sau này trở thành những người bạn thân thiết của vị Tổng Giám đốc trẻ này. Và cũng nhờ vậy mà anh thành công.
Ông Nguyễn Thành Nam (Phó chủ tịch ĐH FPT):Nghiêm túc với những công việc đơn giản nhất

Ông Nguyễn Thành Nam
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, ông Nam cho biết ông bắt đầu từ những việc rất đơn giản như sơn máy làm kem, photo tài liệu…, chỉ là học nghề nhưng may mắn cho ông là được học những người giỏi nhất thời đó. Ông Nam cho biết, ngày ấy, ông có tới… 4 “sếp” hướng dẫn. Sếp đầu tiên dẫn ông đi sơn máy bán kem. Hồi đó FPT mua các máy bán kem cũ để sơn lại rồi bán, còn máy tính chưa có ai mua. Sếp thứ hai yêu cầu ông 8 giờ sáng phải đến công ty để làm mấy việc chính là… quét nhà, pha nước và đọc sách. Vì cả phòng chỉ có một máy tính mà có tới 6 người nên ông phải chờ mọi người về hết mới được dùng. Điều đặc biệt là với ông sếp thứ hai, mỗi ngày ông đưa một quyển sách, hôm là tiếng Anh, hôm là tiếng Pháp mà không hỏi nhân viên của mình có biết tiếng đó không. Sếp thứ ba hướng dẫn ông học lập trình bằng cách… nhìn trộm, tức sếp làm gì thì ông bắt chước làm giống hệt thế. Còn sếp thứ tư chuyên dẫn ông đi các hội nghị và giao cho việc in ấn tài liệu. Rồi cũng đến ngày ông được cho ra lò các sản phẩm của mình.
Kỷ niệm mà ông Nam nhớ nhất lần là “xuất khẩu” sản phẩm do ông làm cho Ngân hàng Chiengphong của Đài Loan. Ông chỉ nghĩ đơn giản, phải viết được phần mềm để bán cho ngân hàng này và làm thế nào cho “Tây nó khiếp”. Sau khi thuyết phục và thỏa thuận, phần mềm đã được bán cho Ngân hàng Chiengphong với giá 63.000 USD. Đây cũng là lần đầu tiên ông bán được phần mềm còn trước đó chỉ bán được phần cứng… Cũng nhờ phần mềm này mà ông Nam được các sếp cất nhắc lên vị trí cao hơn; hiện ngoài chức vụ Phó chủ tịch ĐH FPT, ông còn giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn FPT.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ông Nam khẳng định: “Thế hệ của chúng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao so với những giá trị đã được hưởng”. Ông mong muốn giới trẻ khi tham gia lĩnh vực CNTT thì “ngay từ đầu phải hướng tới toàn cầu, hướng tới một thế giới phẳng”. Và ông đánh giá rất cao Nguyễn Hà Đông, tác giả trò chơi Flappy Bird, vì biết nhìn ra thị trường thế giới. Flappy Bird từng gây sốt tại Mỹ và nhiều nước khác, đưa Hà Đông trở thành triệu phú trước khi người sử dụng tại Việt Nam biết đến game này. “Các bạn hãy cố gắng hướng tới thị trường tỷ đô với tỷ người dùng”, ông Nam nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)