Cuộc tri ngộ sau hơn 40 năm của hai cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính và Nick Út (trái) tại Thành cổ |
Họ là hai cựu phóng viên chiến trường thuộc về hai chiến tuyến khác nhau nhưng có chung một góc nhìn qua ống kính bằng những bức hình phản ánh hiện thực sự tàn khốc của chiến tranh. Đó là hai phóng viên chiến trường Nick Út – phóng viên Hãng tin Associated Press (AP) và Đoàn Công Tính – phóng viên chiến trường Báo Quân Đội Nhân Dân…
Nắng tháng 5 xốn xang hắt xuống mảnh đất Thành cổ nghi ngút khói hương. Từng đoàn người hành hương về nguồn, thăm lại chiến trường xưa nối dài bất tận. Giữa màu xanh bạt ngàn cây trái, những tán cây vươn dài ôm ấp những bức tường vỡ nát – dấu tích chiến tranh sau hơn 43 năm hòa bình. Những vết đạn lỗ chỗ như vết thẹo hằn lên bức tường gạch. Lặng lẽ trong dòng người hành hương, hai cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính và Nick Út trải những bước chân thật chậm. Đôi khi họ cùng dừng lại một góc nhỏ nào đấy, phóng tầm mắt xa xăm như hoài tưởng lại một thời cả bầu trời nắng lửa này còn vang tiếng đì đùng của bom đạn.
Tài hoa tri ngộ
Ngược thời gian hơn 40 năm về trước, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, hai phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính và Nick Út đều có mặt tại Thành cổ Quảng Trị. Hai người cầm máy ảnh xông pha dưới làn đạn, đôi tay ôm chặt chiếc máy ảnh cùng tử sinh nghề nghiệp trên chiến trường. Họ hướng ống kính về phía sau những đợt bom quần thảo, cày xới đất đai, đánh nát nhà cửa… từ hai góc nhìn ở hai phía chiến tuyến. Nick Út là phóng viên Hãng tin Associated Press (AP), Đoàn Công Tính là phóng viên chiến trường Báo Quân Đội Nhân Dân. Đoàn Công Tính vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ, lăn lộn với những chiến sĩ dưới mưa bom bão đạn; Nick Út cũng có mặt ở mảnh đất bên bốn bức tường Thành cổ, phóng tầm ống kính thấy nham nhở vết đạn bom đâm thủng tường thành loang lổ. Nick Út bảo, nhớ lại những ngày đó, ông vẫn còn như sờ thấy được sức nóng khốc liệt của chảo lửa cổ thành. Còn Đoàn Công Tính, 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ ấy giống như một bản hùng ca bất tử về ý chí của quân và dân ta. Cả hai đều nổi tiếng khắp quốc tế bởi những khoảnh khắc lịch sử ngưng đọng sau mỗi lần bấm máy. Nhắc đến Đoàn Công Tính, một phóng viên từng đi vào lòng người bằng những bức ảnh chụp cuộc chiến Thành cổ mùa hè năm 1972 đỏ lửa. Một nụ cười giữa hoang tàn đổ nát đầy lạc quan của chiến sĩ Nguyễn Xuất Hiện 14 tuổi, o du kích Nguyễn Thị Thu dũng cảm chèo đò chở bộ đội vượt sông hay o thôn nữ Phan Thị Lệ, tuổi 16 băng mình qua làn đạn với đôi chân trần dẫn đường cho quân ta trong lòng Thành cổ… Ngẫu nhiên hay định mệnh, cả người cầm máy ảnh lẫn những chiến sĩ từng đi qua những khoảnh khắc ấy đều vượt qua lằn ranh mong manh của cái chết để hội ngộ sau ngày hòa bình, làm nhân chứng sống.
Còn với Nick Út – một tên tuổi từng làm dậy sóng năm châu bởi bức ảnh Cô gái Napan (Vietnam Napalm Girl) từng được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ XX do Đại học Colombia (New York, Mỹ) bình chọn. Hôm nay giữa thời bình nhiều người hẳn vẫn rưng rưng xúc động khi đứng trước bức hình một cô bé trần truồng chạy trên con đường ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Tội ác của giặc dội lên đầu người dân vô tội, xé toạc từng giấc mơ hãi hùng của những đứa trẻ ngây thơ. Và chính cái khoảnh khắc ấy Nick Út bắt gặp ghi lại đã dấy lên làn sóng biểu tình quy mô ở nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hai phóng viên ở hai đầu chiến tuyến gặp nhau, nắm tay nhau thật chặt trải từng bước đi, qua những dấu tích giữa trời chiều Thành cổ một ngày tháng 5, giữa thời bình.
Xúc động ngày trở lại
Cuộc tri ngộ sau hơn 40 năm của hai người cầm máy ảnh một thời khói lửa điêu linh thật đặc biệt. Cả hai đều chung tâm niệm trở về nguồn, thăm lại chiến trường xưa. Không phải để ghi tên tuổi mình nơi họ đã buộc thời gian dừng lại với những khoảnh khắc đi vào lịch sử mà đơn giản, họ chỉ muốn cảm nhận được sức sống mới trỗi dậy sau ngày quê hương im tiếng súng, muốn làm nhiều hơn giá trị những khoảnh khắc mình từng bấm máy. Và hơn hết, để nhắc nhở với thế hệ sau về giá trị của hòa bình đã được đổi bằng sự hi sinh anh dũng của những người chiến sĩ đang tuổi thanh xuân, nỗi đau mất mát của những người mẹ, người vợ và những đứa con thơ chưa một lần được gặp mặt, cất tiếng gọi cha…
Một chiều Thành cổ yên ả như mọi ngày, giữa thời bình, hai mái đầu tóc ngả màu muối tiêu phong sương lặng lẽ trải từng bước chân thật chậm như muốn tìm lại chút kí ức thuở thanh xuân bên góc tường của ngôi trường Bồ Đề. Họ lặng lẽ với gương mặt đầy xúc động, thi thoảng đưa ngón tay di di vào những vết đạn loang lổ trên tường gạch rồi xuýt xoa ngỡ ngàng trước màu xanh mơn mởn của những cây xanh vươn mình ôm ấp tường thành. Đoàn Công Tính bảo: “Hơn 40 năm trước, trước lằn ranh mong manh sống chết giữa mũi tên, làn đạn, tôi cùng các chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ. 81 ngày đêm Thành cổ, không một giây phút nào bom đạn ngừng rơi. Giữa sự khốc liệt của chốn được ví như cái cối xay thịt ấy, tôi đã nhìn thấy một tinh thần lạc quan từ những giây phút hiếm hoi giữa hai trận đánh. Cả người cầm máy lẫn người cầm súng đều chung một ý nghĩ muốn ghi lại khoảnh khắc ấy. Nhiều người còn đùa vui “mai mốt nhỡ không về còn có tấm ảnh làm kỉ niệm””. Và chính những ý nghĩ chân thành ấy thôi thúc phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính trong việc tìm kiếm khoảnh khắc cũng như xông pha trước làn đạn với mong muốn làm được nhiều hơn cho ước mơ hòa bình giữa cuộc chiến đì đùng tiếng bom.
Còn với Nick Út, sau một khoảng thời gian khá dài, đây là lần đầu tiên ông có dịp về thăm lại Thành cổ. Điều đặc biệt hơn đây là lần đầu tiên ông cùng một phóng viên ở chiến tuyến khác về mảnh đất với những trận đánh khốc liệt nhất lịch sử chiến tranh. “Với tôi tất cả như vừa mới diễn ra hôm qua. Một mảnh đất nhỏ hẹp mịt mùng cát trắng, khói bom, tiếng khóc của trẻ em cùng bước chân tất bật của những người phụ nữ già nua chạy nạn… Nhìn bốn bề không thấy một mái nhà, trơ lên giữa trời cao là mấy cái cột khói cháy đen nghi ngút ngày đêm… Thật khó có thể tưởng tượng ra một khung cảnh yên ả, tươi xanh sau 40 năm trở lại nơi này”. Nick Út đăm đăm nhìn như không muốn bỏ sót một chi tiết nào về sự hồi sinh kì diệu ấy. Cũng như Đoàn Công Tính, một thuở Nick Út từng phá lệnh chỉ huy, xông lên trước làn đạn ở trận địa cổ thành, Khe Sanh, Đường Chín để ghi lại những khoảnh khắc. Chiến tranh đã lùi xa ngót 40 năm, Thành cổ hôm nay bên cạnh sự tươi mới vẫn còn đó một mái trường Bồ Đề, bốn bức tường Thành cổ loang lổ với tháp chuông in hình ngọn bút vút thẳng lên trời xanh. Một dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, những con sóng vỗ nhẹ như vỗ về giấc ngủ cho hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống ở tuổi thanh xuân để giành độc lập, như hàn gắn nỗi đau mất mát của chiến tranh.
Suốt thời gian của chuyến trở về thăm Thành cổ, hai người bạn nắm chặt tay nhau rồi bất chợt dừng lại trước tượng đài hoài niệm bên dòng Thạch Hãn – nơi hoài niệm về quá khứ hào hùng, bi tráng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập; là nơi thành tâm hướng tới tương lai, cầu nguyện cho nhân loại không còn chiến tranh; khép lại quá khứ đau thương, hướng tới tương lai. Sau giây phút dâng nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tôi để ý thấy cả hai cựu phóng viên chiến trường đều hướng ống kính về phía có dải mây trên tượng đài. Ở đó, bay lên những cánh chim hòa bình giữa không gian bao la.
Nhịp sống vẫn tiến lên theo thì tiếp diễn hướng tới tương lai tươi đẹp. Và cuộc trở về đầy xúc động của hai phóng viên chiến trường từng lăn lộn trên hai chiến tuyến không chỉ là nhân chứng sống về một thời kì lịch sử mà họ còn mang theo khát vọng góp sức mình xây dựng một cuộc sống hòa bình, yên ấm nơi mảnh đất từng bị nung chảy bởi bom gầm đạn thét.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)