Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-11-2006, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Sau gần 9 năm gia nhập, kinh tế của chúng ta đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ nhưng các vấn đề liên quan đến văn hóa giáo dục xem ra vẫn còn nhiều điều phải bàn thảo, đặc biệt là giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa.
1.Năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO, cùng với đó là hiệp định chung về thương mại (GATS), trong đó, có các dịch vụ giáo dục. Ngay từ khi gia nhập, Việt Nam khẳng định không có yếu tố nước ngoài đối với giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, chỉ đến dạy nghề, ĐH thì mới thực hiện. Tuy nhiên, ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học, phổ thông đều có sự đầu tư của các chủ sở hữu người nước ngoài. Có lẽ do lãnh đạo các tỉnh đều thấy tốt nên cho phép các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài được thành lập. Thực tế thì thời gian qua đã chứng minh điều đó. Còn ở bậc dạy nghề và ĐH, nước ngoài cũng đã đầu tư. Điều này là tốt. Vì đa dạng hóa tri thức của mình. Đấy là biểu hiện của hội nhập.
Nhưng trong WTO, các nước đều bình đẳng trong đó có quy định trao đổi, lưu chuyển chuyên gia, lưu chuyển sinh viên thì Việt Nam lại hầu như không làm được. Các giáo sư của ta đi giảng ở nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số sinh viên nước ngoài vào học ở Việt Nam cũng không nhiều. Như vậy, cả hai mặt chúng ta đều chưa mạnh. Đó là do năng lực của các trường ĐH, dạy nghề chưa ổn. Muốn các trường ĐH, dạy nghề Việt Nam hội nhập được quốc tế, có những trường đẳng cấp thì ngoài việc có những công trình nghiên cứu được công bố trên thế giới thì còn có những sinh viên, học viên sau ĐH nước ngoài đến học ở Việt Nam. So với những trường ĐH có chất lượng, nhất là những trường hàng đầu của thế giới, hoặc của Hàn Quốc, Thái Lan chúng ta cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Giáo dục muốn hội nhập ta phải phấn đấu nhiều hơn.
2. Nguyên tắc của hội nhập là hai bên bình đẳng, mình phải hợp lưu với thế giới. Vậy chúng ta phải làm thế nào để làm giáo dục có chất lượng hơn. Muốn thế phải làm từ bậc thấp đến bậc cao. Nếu không có chất lượng từ bậc thấp thì không thể có chất lượng ở bậc cao. Muốn hệ thống phổ thông chất lượng cao thì phải có đổi mới căn bản và triệt để. Tôi đang sợ hiện nay mình làm nửa vời, không bài bản. Vì hiện nay chúng ta “bập” vào giải quyết vấn đề thi cử, chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK). Nhưng chưa có CT đã bàn đến SGK. Để giải quyết được CT thì một trong những vấn đề đặt ra phải xem lại mục tiêu giáo dục, ta định đào tạo con người nào, từ đó sẽ phải có CT nào, xây dựng nhà trường theo kiểu gì, có CT mới làm được SGK.
Hiện nay nhiều chuyên viên cao cấp cũng hơi lo trước cách làm của Bộ GD-ĐT vì CT chưa rõ lắm đã làm SGK.
Do đó phải đổi mới triệt để từ dưới lên trên. Tại sao tôi hay nói nhiều về mục tiêu vì mỗi quốc gia, phải xem đang đứng ở đâu và cần những con người như thế nào. Chẳng hạn như Singapore, một đất nước nhỏ, dân số ít. Quốc gia này luôn chăm lo đến con người để quyết định vấn đề giáo dục. Singapore không có tài nguyên, không có điều kiện tự nhiên cần thiết mà chủ yếu sống bằng cạnh tranh trong thương trường, mở rộng thị trường, họ đưa ra khẩu hiệu: Những nhà trường tư duy và một quốc gia học tập để nắm bắt tình hình toàn cầu, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời họ cũng là đất nước mong muốn một đất nước ít tiêu cực. Hai yếu tố: Con người tư duy và con người trong sạch sẽ khiến họ có vị thế nhất định. Tôi nói vấn đề này để nói đầu tiên chúng ta phải có mục tiêu. Một trong những cái mà Singapore hướng tới là năng lực tự học, năng lực cạnh tranh… với mục tiêu đó, họ sẽ không sợ học sinh bỏ đất nước đi làm việc ở nước ngoài.
Ở Việt Nam, phải xem nhà trường là gì. Hiện chúng ta đang yếu phương pháp đào tạo, học sinh đang yếu năng lực sáng tạo, thiếu tư duy phản biện, học sinh nói theo sách, thiếu các kỹ năng sống. Học sinh ở TP càng thiếu. Nên phải làm từ phổ thông đến ĐH. Ta chuẩn bị phổ thông để vào ĐH, còn quyết định có hội nhập được không phải là ĐH, không phải phổ thông. ĐH phải là những pháo đài, phải dựa vào những pháo đài này để hội nhập.
3. Tuy nhiên hiện chúng ta chạy theo xây dựng nhiều pháo đài mà quên trang bị cho các pháo đài các cỗ súng quan trọng để bảo vệ, phát triển. Chúng ta có tới 400 pháo đài (trường ĐH – PV) nhưng lực lượng mỏng. Nhiều trường ĐH nhưng chưa mạnh. Cho nên phải làm thế nào trường ĐH phải là nơi đào tạo cán bộ chuyên gia, những người có đủ năng lực đưa đất nước hội nhập. Điều kiện cơ bản nhất để hội nhập là không có khoảng cách chênh lệch tri thức. Hiện chúng ta quá thấp so với thế giới. Phải có những ĐH chất lượng thật cao, ít nhất bằng các trường ĐH hàng đầu của châu Á. Vì nếu không, chúng ta không đào tạo được nguồn nhân lực cao, thứ hai là để có thể bình đẳng trao đổi nhân lực. Chúng ta phải sản xuất ra tri thức để bán, để trao đổi. Nếu không có, ai coi chúng ta ngang hàng để hội nhập. Thứ ba, các trường ĐH phải nhận ra họ có sứ mệnh quan trọng: Là định hướng phát triển cho trường phổ thông, còn hiện nay, phổ thông một đằng, ĐH một nẻo. Nên không mở quá nhiều ĐH, phải củng cố lại và đầu tư cho một số trường cơ bản như bách khoa, sư phạm, kinh tế quốc dân. Còn mở ra nhiều phải đi theo hướng ĐH cộng đồng.
Giáo sư Phạm Tất Dong

Bình luận (0)