Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cồn Cỏ vững vàng giữa biển Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc đảo Cồn Cỏ hôm nay
Nằm cách thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) tầm 18 hải lý, đảo Cồn Cỏ được biết đến là căn cứ quân sự nơi tiền tiêu Tổ quốc, ghi dấu nhiều chiến tích của quân và dân ta qua hai cuộc kháng chiến cứu nước. Đảo vinh dự được hai lần phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ba lần được Bác Hồ viết thư khen.
10 năm sau ngày thành lập huyện đảo, Cồn Cỏ đã thay diện mạo mới, tạo nên địa thế vững vàng làm lá chắn thép giữa trùng khơi!
1. Chuyến tàu Cửa Tùng – Cồn Cỏ rời đất liền khi bình minh ló dạng. Trên đường hướng về phía biển cùng chúng tôi, có hàng chục chiếc tàu đánh cá cùng giương buồm ra khơi, những ngư dân sạm đen vì nắng gió đưa tay vẫy chào cùng nụ cười thân thiện. “Biển mùa này có được nhiều cá tôm không anh?”, chúng tôi hỏi. Một ngư dân ngồi trên chiếc tàu chạy gần nhất cất giọng rắn rỏi: “Mùa này là vụ cá chính nên nhiều chuyến đi cũng thu về nguồn lợi lớn. Nhưng gần đây tàu Trung Quốc thường xuyên gây hấn, truy đuổi, cướp ngư cụ nên nhiều chuyến đi của chúng tôi bị lỗ nặng. Dù vậy, anh em vẫn quyết ra khơi, biển là vườn nhà của mình, ngoài đánh bắt là việc kiếm sống thì chúng tôi còn phải canh giữ vườn nhà của mình nữa chứ!”.
Ông Lê Quang Lanh – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ – đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt. Trước mắt chúng tôi, Cồn Cỏ chỉ sau nửa năm kể từ trận bão số 13 (Haiyan) tàn phá hồi cuối năm trước đã thay bằng một màu xanh mướt mát của cây cối, hoa màu. Những mái nhà của các thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng san sát tạo nên sự kiên cố bao quanh hòn đảo… “Sự thay đổi ấy là nhờ nhân dân và chính quyền cùng đồng sức, đồng lòng. Mỗi sự nỗ lực chúng tôi đều ý thức được trách nhiệm của một công dân vinh dự sống trên hòn đảo hai lần được phong anh hùng”, ông Lanh chia sẻ.
2. Chị Nguyễn Thị Lan, một TNXP có mặt ở đảo từ năm 2005, vui vẻ nói: “Hồi đó mình là TNXP ra đảo lập nghiệp, cứ tưởng vài năm sẽ trở về, thế mà ra đến đây lại thấy mình gắn bó nên quyết định ở lại, lập gia đình rồi thành công dân của đảo luôn. Con của mình cũng đã học lớp 2 rồi đấy, tạm thời ở đây chưa có trường nên mình đưa cháu về quê ở Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh) để cho cháu đi học”. Đứng cạnh chị Lan, chị Trần Thị Quyệt, cũng là một trong những TNXP có mặt đầu tiên trên hòn đảo tiền tiêu này, cho biết: “Đảo bây giờ đã có nhiều thay đổi rồi, điều kiện sinh sống, làm việc đã thuận tiện hơn mấy năm trước. Hồi xưa vừa đặt chân đến đây, tụi tui chỉ thấy có mỗi chiếc xe công nông là phương tiện duy nhất đi lại trên đảo. Nay đường thảm nhựa đã được xây dựng phẳng phiu, nhà nào cũng có xe máy đi lại rất thuận tiện. Vui nhất là Bộ GD-ĐT vừa khởi công xây Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba, chỉ cần một năm nữa thôi, các cháu nhỏ sinh ra trên hòn đảo này không phải xa cha mẹ, gửi về học ở đất liền nữa”. Niềm vui của chị Quyệt, chị Lan cũng là niềm vui chung của các hộ dân sinh sống trên hòn đảo này.
Còn nhớ cách đây 10 năm (năm 2004), khi Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, thời điểm ấy chỉ có 46 TNXP ra đảo lập nghiệp, xây dựng kinh tế mới. Không thể kể hết những khó khăn, gian khổ bước đầu của những người này lúc vừa đặt chân đến đảo. Nhưng càng khó họ càng cùng nhau nỗ lực vượt qua, bằng bàn tay, khối óc và tinh thần của những người tiên phong đi đầu giữ đảo, giữ biển để làm nên cuộc “thay da đổi thịt” lớn cho hòn đảo này.

Ngọn hải đăng chỉ đường cho ngư dân đánh bắt trên biển
3. Nhắc đến Cồn Cỏ trong thời chiến tranh, người ta nhớ tới những đêm người dân các xã ven biển Vĩnh Linh như Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái… đóng khố Thạch Sanh với một mái chèo gỗ lặng lẽ đưa hàng ra tiếp tế cho đảo để giữ vững nơi địa đầu tiền tiêu. “Nhiều người trong số họ đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Ngày ấy, lớp trước nằm xuống, lớp sau tiếp nối cầm mái chèo vượt sóng ra khơi. Tinh thần thép và ý chí quật cường đó đã đẩy lùi giặc ngoại xâm, giữ bình yên Tổ quốc”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Ban – một người lính từng hàng chục lần chèo thuyền ra tiếp tế cho quân ta ở Cồn Cỏ – nhớ lại. Ông Ban bảo rằng, chiếc thuyền nhỏ và mái chèo gỗ ngày ấy gần như là phương tiện duy nhất ra đảo bởi khắp bầu trời đều đã bị phong tỏa. “Đi là nắm chắc chín phần đi, một phần trở về nhưng không ai nao núng. Ai cũng muốn nhanh chóng ra khơi tiếp tế cho đồng đội bảo vệ đảo”, ông Ban nói. Trên hành trình máu nối đất liền với đảo đó đã có rất nhiều người anh dũng nằm lại với biển khơi. Đó cũng là lý do người ở Cồn Cỏ bây giờ thường có những bát hương thắp tri ân các anh hùng nằm lại. Không chỉ thế, Cồn Cỏ dành hẳn một vị thế trên hòn đảo nhỏ này để xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Người Cồn Cỏ sau mỗi ngày lao động vất vả đều không quên ghé qua Đài tưởng niệm thắp nén nhang thành kính tri ân nơi khắc ghi tên tuổi 30 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc Quân khu 4 và 73 dân quân du kích của huyện Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo, ông Lanh cho biết, chỉ riêng trong năm 2011, đảo được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng số vốn hơn 130 tỷ đồng, nhiều công trình quan trọng đã được hoàn thành kiên cố. Năm nay, huyện đưa vào mục tiêu phấn đấu hoàn thành các công trình còn lại và tiếp tục đưa người dân tình nguyện ra đảo phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc. Dẫu có một số khó khăn nhất định nhưng mỗi người dân trên đảo đều vinh dự kế thừa truyền thống hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng và ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Cồn Cỏ bây giờ với chủ trương phát triển kinh tế theo cơ cấu: Du lịch – dịch vụ – thủy sản – lâm, nông nghiệp đã mang một diện mạo mới rồi. Lá chắn thép đã vững vàng giữa trùng khơi”, ông Lê Quang Lanh – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ – cho biết. 
 

Bình luận (0)