Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925/ 21-6-2014): Nghề báo không chỉ có đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà báo Hà Đình Nguyên: Cứ ngỡ như còn phấn trắng, bảng đen

Nhà báo Hà Đình Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà báo Hà Đình Nguyên có hơn 20 năm viết mảng văn hóa – văn nghệ tại Báo Thanh niên. Trước khi đến với nghề báo, anh là một thầy giáo.
PV: Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề báo?
– Trước khi đến với nghề báo tôi đã có 10 năm dạy học, cái nghề mà ngày xưa vẫn gọi đùa là “godautre” (gõ đầu trẻ). Từ hồi còn mài đũng quần ở bậc trung học (trước 1975), tôi say mê văn chương, thơ phú và rất thích đọc bất cứ tờ giấy, cuốn sách nào có in chữ quốc ngữ (thậm chí đó là những mẩu giấy báo gói xôi, bánh mì…). Tôi cũng tập tễnh làm thơ viết văn từ những năm 1972, 1973… Bởi thế trong thời gian dạy học ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), tôi cũng tranh thủ sáng tác văn thơ (viết cho tuổi mới lớn) hoặc những bài báo (phần lớn viết về mảng giáo dục hoặc những mảnh đời bất hạnh) gửi về TP.HCM cộng tác với các tờ báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Tuổi trẻ cười… Viết riết rồi trở thành cộng tác viên thường xuyên. Và khi một tờ báo ở TP.HCM có yêu cầu bổ sung về nhân sự, tôi được giới thiệu.
Nếu được chọn lại, anh có chọn nghề giáo?
– Phải nói thật như thế này, điều kiện sống của các thầy cô giáo hiện nay đã được cải thiện rất nhiều và họ đã có thể an tâm với “sự nghiệp trồng người” của mình, không như thế hệ giáo viên chúng tôi của hơn 30 năm trước. Tuy nhiên, hồi đó tuy cuộc sống vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn nhưng cái “tâm” của các nhà giáo vô cùng trong sáng, chan hòa tình đồng nghiệp – nghĩa thầy trò… Dù xa nghề giáo đã hơn 20 năm nhưng tôi vẫn thật xúc động khi nghe các em gọi mình bằng “thầy”. Cứ ngỡ như mình vẫn còn gắn bó với phấn trắng, bảng đen…
Hơn 20 năm viết về lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, anh có chia sẻ gì với người viết trẻ? 
– Tôi may mắn được Ban biên tập phân công viết về những văn nghệ sĩ “vang bóng một thời”, những người mà bản thân tôi rất ngưỡng mộ ngay từ thời niên thiếu. Họ có thể đã thành người thiên cổ, cũng có khi đang sống với chúng ta. Việc đi tìm tư liệu với người đã khuất đã khó mà với người còn sống cũng không dễ chút nào bởi nhiều khi trí nhớ của họ đã mai một dần theo năm tháng, phải gặp họ dăm ba lần, khơi gợi lại những hồi ức quá khứ… Thế cho nên, nếu được chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ thì tôi chỉ có thể nói thế này: Khi viết về một đề tài nào đó, có lẽ chúng ta nên gặp gỡ, tìm hiểu đối tượng vài lần để bật ra những ý tưởng “chín” hơn, bài viết chỉn chu hơn…
 
Nhà báo Lưu Đình Triều: Nghề báo đòi hỏi sự dấn thân

Nhà báo Lưu Đình Triều. Ảnh: Hữu Luân
Từ một sĩ quan của chính quyền ngụy Sài Gòn, Lưu Đình Triều đã trở thành một nhà báo tên tuổi (anh từng giữ chức Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ). Thành công trong nghề nghiệp của anh ngoài sự cố gắng của bản thân, không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng từ phẩm chất, đạo đức chính trị của người cha – cố nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ.
Chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về cơ duyên đến với nghề báo, nhà báo Lưu Đình Triều cho biết: Từ nhỏ tôi đã mê làm báo tường. Trước 1975, tôi có tập tành viết báo gửi nhiều nơi nhưng không được đăng. Tôi cũng rất ham thích đọc sách, báo. Thời gian sống ở nhà ngoại (Biên Hòa, Đồng Nai), gần đó có những điểm xếp và phân phối báo, dù không ai bảo nhưng tôi vẫn tới phụ, bù lại người ta cho tôi đọc ké.
Khi học tập cải tạo về, tôi được ba hỏi thích làm nghề gì? Chẳng chút do dự, tôi trả lời: “Con thích làm báo!”. Ba không ủng hộ tôi, khuyên nên làm công việc khác để tu dưỡng cuộc đời. Hơn ai hết, tôi hiểu điều đó. Đầu 1979, qua đọc báo, tôi tự đăng ký thi và trúng tuyển lớp ĐH báo chí khóa 3, Trường Tuyên huấn TW I. Thời gian đầu, tôi phải chịu nhiều lời gièm pha khiến mình mặc cảm. Cùng học với tôi lúc đó có ba phóng viên của Báo Tuổi trẻ là Phạm Văn Nhứt, Đặng Thanh Triều và Lê Kim Phi. Năm 1981, Báo Tuổi trẻ phát triển ra phía Bắc nên các anh chị học chung tạo mọi điều kiện cho tôi cộng tác. Thời gian này, tôi tham gia đưa tin bài về Hội nghị Thanh niên ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Đó cũng là cơ hội để tôi làm quen, kết thân với các đồng nghiệp đi trước. Trước khi trở thành phóng viên chính thức của Tuổi trẻ (tháng 6-1984), tôi đã trải qua một thời gian thực tập ở báo Sài Gòn giải phóng, Báo Vũng Tàu – Côn Đảo.
Ba anh là nhà báo, nhà văn. Anh có được thừa hưởng gen từ ông?
– Tự thân cảm nhận, ít nhiều chắc có. Dù rằng ban đầu ba không đồng ý cho tôi đi học báo chí vì tiêu chuẩn chính trị không đạt. Lúc vào học, cũng nghe đồn là tôi vào học được là nhờ ông già, vì thế mà tôi cố gắng khẳng định mình. Lúc ba còn sống (ông mất năm 1982) luôn căn dặn tôi: Làm báo là phải vững về đường lối, kinh nghiệm.
Hơn 30 năm làm báo, kỷ niệm nào đọng lại trong anh?
– Khi viết bài kỷ niệm ngày thành lập Thanh niên xung phong. 6 tháng sau khi bài đăng, cũng nhân kỷ niệm ngày thành lập báo, tôi được phân công làm MC giao lưu cùng bạn đọc. Chương trình kết thúc, có hai cô gái hỏi: Anh có phải là người viết bài: “Ơi những cô gái thanh niên xung phong không ạ?”. Tôi đây. Một cô nhỏ nhẹ: “Hồi đó tôi có đứa em gái thi rớt ĐH, đọc bài của anh thấy thích quá nên đã đăng ký đi thanh niên xung phong. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau em tôi đã bỏ về vì có những sự thật chưa được anh phản ánh”. Với những gì cô ta kể, tôi mới giật mình vì nữ thanh niên xung phong lúc bấy giờ cũng có nhiều thành phần, thời gian chưa thể xóa hết dấu vết tháng ngày lầm lỡ…
Với tôi đó là một bài học nghề nghiệp. Chính vì vậy mà sau này, khi đặt bút viết về nhân vật, tôi không chỉ tìm cái hay tô hồng mà phải tìm cho ra góc khuất nào đó để phản ánh đầy đủ, trung thực.
Anh có chia sẻ gì với đồng nghiệp trẻ?
– Tôi nghĩ làm nghề nào cũng cần… tình yêu và sự say mê. Với nghề báo, được thế thì duyên càng bền. Nghề báo, dù ở thời đại “thế giới phẳng”, vẫn đòi hỏi sự dấn thân, lao xốc vào cuộc sống thực tế.
 
Nhà báo Dư Hải: Mong truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp trẻ

Nhà báo Dư Hải. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dư Hải (Báo Thể Thao TP.HCM) là một trong số ít phóng viên ảnh thể thao lớn về tuổi đời cũng như tuổi nghề. Anh từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế về ảnh thể thao.
Đề cập về chuyện nghề, anh tâm sự: Thời còn đi học, tôi rất mê bóng đá. Những năm 80, bóng đá trong nước nổi lên với những cái tên như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công Nghiệp Thực Phẩm, Thể Công, Đường Sắt Việt Nam… luôn cuốn hút tôi. Khi những đội bóng ấy gặp nhau, tôi không bỏ lỡ trận nào. Với chiếc máy ảnh trên tay, tôi chụp lại những hình ảnh bên lề trận đấu. Từ bước đầu bỡ ngỡ với ảnh thể thao rồi cứ chụp và đam mê tự lúc nào không hay. Tôi bước vào lĩnh vực ảnh thể thao đến nay đã 30 năm rồi.
Là tay máy thể thao thuộc hàng “lão tướng”, có mặt ở hầu hết các sự kiện thể thao trong và ngoài nước, có bao giờ anh gặp “tai nạn” khi tác nghiệp?
– Là một phóng viên ảnh đã từng đi tác nghiệp nhiều nơi, việc xảy ra tai nạn nghề nghiệp là điều không tránh khỏi, việc quên mang thẻ nhớ, pin quên sạc… là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với một phóng viên là có khắc phục và vượt qua tình huống đó để hoàn thành công việc được giao hay không?
Anh vừa kết thúc “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2014” ở Trường Sa, cảm xúc của anh về chuyến đi này thế nào?
– Chuyến “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2014” ở Trường Sa vừa kết thúc đã cho tôi thêm một trải nghiệm trong sự nghiệp cầm máy. Cảm xúc thật khó tả đối với tôi khi đi và đến các đảo trong quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Dù đã nghe, đọc nhiều về cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của quân và dân trên đảo nhưng khi được tận mắt chứng kiến, tôi càng thấy sự hy sinh của họ là quá lớn.
Đã ngoài 60 tuổi, anh có chuẩn bị gì cho những ngày tháng sắp tới của mình?
– Hiện nay tôi đã 62 tuổi rồi, chỉ mong còn sức khỏe để được tiếp tục cùng các bạn trẻ đồng hành trên con đường mà mình đã chọn và sẽ truyền đạt những kinh nghiệm cho đồng nghiệp trẻ mà tôi có được trong suốt thời gian cầm máy.
Trần Trọng Tri (thực hiện)

Bình luận (0)