Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực hiện một kỳ thi quốc gia năm 2015: Liệu có vội vàng?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh tiếp tục lên TP dự thi ĐH. Trong ảnh: Tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Lộc Sâm
Vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu từ 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Về chủ trương này, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng nếu thực hiện trong năm 2015 thì hơi vội vàng.
GS. Đào Trọng Thi cho biết: Từ năm 2013 trở về trước, cả nước có 2 kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, từ năm 2014, Việt Nam chỉ còn một kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT đã bắt đầu thực hiện Luật Giáo dục ĐH cho các trường tự chủ tuyển sinh. Nên nói một kỳ thi quốc gia thì chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn không thể coi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là một kỳ thi quốc gia nữa, vì tuyển sinh thế nào đó là quyền tự chủ của các trường. Chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT là Bộ  GD-ĐT có thể quyết định được cách thức tổ chức như thế nào. Nhưng theo tôi, đặt vấn đề một kỳ thi quốc gia chung thì chữ “chung” phải cân nhắc. Chữ “chung” không đúng. Vì đó là kỳ thi quốc gia thì phải mang tính bắt buộc. Do đó, cho dù kết quả có đáng tin cậy hay không thì các trường ĐH lấy kết quả sử dụng khác nhau, không bắt buộc tùy theo nhu cầu của họ. Vì vậy chỉ quốc gia với THPT còn không phải với ĐH. 
Từ năm 2014, kỳ thi 3 chung vẫn được tổ chức toàn quốc nhưng không phải là kỳ thi quốc gia bắt buộc. Trong thời gian tới, bộ vẫn có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm nay. Còn nó có được làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì tùy ở các trường. Như thế, tốt nghiệp không phải là một kỳ thi chung. Tôi vẫn nghĩ, kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT có thể lựa chọn phương thức là tổ chức ở cấp quốc gia hay không. Nếu nó đáng tin cậy thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng. Còn nói thật, như năm nay thì không ai sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Vì 99% đỗ thì biết chọn ai? Có khi chọn người điểm cao chắc gì đã giỏi hơn người điểm thấp.
PV: Vậy theo ông, có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia hay không?
Chúng ta muốn tổ chức một kỳ thi vì chúng ta muốn giảm áp lực cho HS, giảm tốn kém cho xã hội. Nhưng một kỳ thi 99% HS đỗ thì độ chính xác không cao. Vì nếu chính xác cao thì những địa phương có chất lượng giáo dục cao như các TP lớn tỷ lệ tốt nghiệp phải cao hơn những tỉnh miền núi, nơi có điều kiện học tập khó khăn hơn, nhưng thực tế đang ngược lại.
Với thực tế này, tôi nghĩ kỳ thi này không đạt được hai yêu cầu khi để ở tầm cỡ quốc gia. Thứ nhất là kỳ thi này không chặt chẽ. Chúng ta vẫn biết tổ chức thi không mong đánh trượt, nhưng nhìn tình hình thì không thể nói đỗ 99% là đảm bảo chất lượng. Nếu làm nghiêm túc, thì chỉ 70% là đạt chất lượng. Như thế có cần phải tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia để chỉ đạt được điều này? Thứ hai, thi toàn quốc tức là muốn có mặt bằng chung để so sánh chất lượng giữa các địa phương. Nhưng thực tế, không làm được điều này. Vì Lào Cai hơn Hà Nội thì không ai tin.
Tôi cho rằng giả sử cho từng tỉnh tổ chức thi tốt nghiệp và đỗ đến 99% thì không có gì băn khoăn. Các tỉnh vừa qua cũng xấp xỉ nhau. Nhưng nếu từng tỉnh tổ chức thi thì kỳ thi sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Giảm áp lực và giảm tốn kém. Vì sao cứ chỉ làm quốc gia mà không làm cấp tỉnh? Nên chăng giao cho địa phương làm. Nếu muốn đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia, các tỉnh hay trong tương quan quốc tế có thể tham gia PISA. Còn kết quả 99% tốt nghiệp như vừa qua ta không đưa ra được kết luận gì. Tôi ủng hộ kỳ thi giao cho địa phương. Miễn là nó đạt được hai mục tiêu: HS phải học để thi và đánh giá được chất lượng đào tạo.
Trong dự kiến, Bộ GD-ĐT cho rằng có thể đề xuất thi 8 môn trong kỳ thi chung quốc gia, ông nghĩ sao?

Học sinh TP.HCM kiểm tra thùng đựng đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vừa qua. Ảnh: Đ.Lộc
Tôi ủng hộ ý tưởng có 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc. Nhưng tôi băn khoăn sao phải đặt vấn đề thi 8 môn? Vì trong tương lai không còn 8 môn nữa, cách ra đề thi cũng là để HS vận dụng kiến thức đã học. Như vậy không thể mang chương trình hiện hành để lập đề án. Thứ hai tự chọn là đúng. Nhưng tôi cho rằng phải nghiên cứu kỹ. Thi phải đánh giá được năng lực của HS. Nếu đề án dồn quá kỹ vào nghiên cứu thi 8 môn thì lãng phí. Tôi nghĩ trong lúc chưa thi được cái mới thì nên làm theo cái cũ. Một đề án sức sống ít quá thì mất thời gian. Cứ thi như năm vừa qua, đỡ mất thời gian. Việc đặt ra đổi mới kỳ thi vào năm 2015 có vội không? Phải chăng nên để 2017-2018 thực hiện theo chương trình mới như Bộ GD-ĐT đã đề xuất? Với bài thi đánh giá năng lực áp dụng đại trà ngay chúng ta không làm được, vì phải học mới thi được. Vừa qua, có thể thấy không cần học thì HS vẫn thi được. Còn bài thi đánh giá kỹ năng, tức là khả năng vận dụng kiến thức của HS, không phải xem thời sự, xem từ báo đưa vào bài thi. Tôi thấy áp dụng cách thi mới chưa chín muồi, vì phải thi theo cái được học, vừa rồi chúng ta không thi theo cái được học. Vấn đề là dạy HS vận dụng kiến thức thế nào. Cái này phải được học, không thể không học gì cả cũng được điểm cao. Đây là tai họa cho giáo dục.
Như vậy, theo ông 2015 sẽ còn một kỳ thi quốc gia?
Sẽ vẫn còn nếu bộ vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT. 3 chung không còn ý nghĩa là kỳ thi quốc gia. 3 chung là giai đoạn để các trường chuẩn bị đề án riêng. Năm nay đã có 62 trường có đề án thi riêng.
Nhiều người cho rằng nếu còn một kỳ thi quốc gia, bộ thay đổi cách thi thì kết quả hoàn toàn đáng tin cậy?
Những trường không có nhu cầu đặc thù thì có thể chỉ cần sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT tin cậy. Những trường có nhu cầu đặc thù họ phải có đánh giá riêng của mình. Những trường không cần đặc thù có hai dạng: Một là không có người học nên không cần gì cả. Thậm chí chỉ cần ghi danh cũng được học. Thứ hai là có những ngành học chung, không có yêu cầu riêng và không cần yêu cầu cao. Tôi cũng đồng ý, nếu phân các trường ĐH ra thì phải đến 70-80% các trường không cần yêu cầu đặc thù. Nếu kỳ thi chung thì sẽ có 70-80% trường dùng kết quả này. Còn 20-30% các trường là cần đặc thù nên phải làm riêng.
Tôi cũng dám chắc nếu Bộ GD-ĐT không làm kỳ thi chung nữa thì cũng có 70-80% các trường không có nhu cầu tự làm riêng. Bộ không làm thì họ sẽ đến những trường khác gần với họ để làm theo. Những trường tốp dưới, trung bình, ngành nghề chung chung là không cần làm riêng. Tôi ủng hộ bộ quy định điểm sàn với từng nhóm trường. Tự chủ đầu vào không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Tự chủ trong quy chế tuyển sinh đã ban hành.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
“Những tỉnh miền núi tỷ lệ tốt nghiệp lại cao hơn các TP lớn. TP.HCM chưa bao giờ thuộc nhóm 1, 2, 3 tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Điều đó chứng tỏ kết quả không đáng tin cậy”, ông Thi quả quyết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)