Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bảo hiểm y tế: Khó khi huy động học sinh sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Khám sức khỏe đầu năm học cho HS tại Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp

Cuối tuần qua, Liên sở GD-ĐT và Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã có hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh sinh viên (HSSV). Theo đó, năm học 2012-2013, mỗi HSSV phải đóng 264.600 đồng, tăng 55.440 đồng so với năm học 2011-2012. Nhiều trường lo lắng, với mức đóng cao như vậy sẽ rất khó khăn trong việc yêu cầu HSSV tham gia…
Khó khăn khi huy động HSSV tham gia
Mặc dù HSSV là đối tượng được ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng BHYT nhưng theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2011 vẫn còn 19,9% HSSV chưa tham gia BHYT. Năm qua cả nước có 10.262.589/12.812.221 HSSV tham gia BHYT. Trong đó, tổng lượt khám chữa bệnh là trên 8,2 triệu lượt, với chi phí bình quân là 101.824 đồng/thẻ.
Theo quy định, mức đóng BHYT HSSV là 3% mức lương tối thiểu chung. Do vậy, năm học 2011-2012, mức đóng là 298.800 đồng/HSSV. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 89.640 đồng, còn lại 209.160 đồng HSSV phải đóng. Như vậy, mức chi khám chữa bệnh cho HSSV chỉ chiếm gần 50% mức các em phải đóng.
Song, mục đích của BHYT là “mọi người vì mình, mình vì mọi người”. Chính vì vậy khi tham gia BHYT, không HSSV nào muốn bệnh để được hưởng quyền lợi. Vấn đề mà HSSV và phụ huynh quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Chị Hải Vân, phụ huynh em Trường Sơn – đang học tiểu học tại Q.3 – cho biết: “Mấy lần đưa con đi khám tại Bệnh viện Q.3, tôi thật sự không muốn đóng BHYT cho con chút nào. Không lần nào đi khám mà bé Trường Sơn không phải nghỉ học. Lấy số xếp hàng hơn 2 tiếng đồng mới tới lượt. Vào phòng khám, bác sĩ hỏi vài ba câu rồi kê toa thuốc. Sau đó ngồi chờ lấy thuốc. Gần 2 tiếng chờ đợi cuối cùng cũng nhận được một bịch thuốc. Đem ra tiệm thuốc hỏi thì giá chỉ khoảng 40-50 ngàn đồng, lần nào nhiều thì khoảng 100 ngàn đồng”.
Trường học cũng có nỗi khổ riêng khi thu phí BHYT của HSSV. Theo quy định, thẻ BHYT của HSSV có hiệu lực từ ngày 1-10 năm nay đến 30-9 năm sau. Do vậy, trước ngày 20-9 hàng năm, các trường phải nộp danh sách HSSV tham gia BHYT và chuyển tiền tới Bảo hiểm Xã hội. Điều đó có nghĩa, việc thu phí BHYT sẽ trùng với thời điểm thu học phí, các khoản thu khác đầu năm học.
“Phần lớn các khoản thu đầu năm học là thu hộ nhưng phụ huynh không hiểu và cho rằng nhà trường lạm thu”, hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Phú Nhuận tâm tư.
Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

Kiểm tra sức khỏe cho học sinh tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM. Ảnh: Anh Khôi

Theo hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV mà Liên sở GD-ĐT và Bảo hiểm Xã hội TP.HCM vừa ký thì phạm vi bảo hiểm gồm: Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), khám chữa bệnh ngoại trú – nội trú và tai nạn giao thông.
Trong đó, hoạt động CSSKBĐ là rất quan trọng, bởi phần lớn thời gian của HSSV là ở trường. Vả lại, tình trạng HSSV xô xát, té ngã, đau bụng, tiêu chảy… xảy ra thường xuyên tại trường học. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trung bình mỗi ngày phòng y tế của trường học tiếp nhận từ 5-10 HS “ghé thăm”. Chính vì vậy, các trường không thể thiếu phòng y tế, cán bộ y tế và kinh phí cho hoạt động này.
Do vậy, Liên sở GD-ĐT và Bảo hiểm Xã hội đã thống nhất mức kinh phí CSSKBĐ được trích lại các trường năm học 2012-2013 là 40.824 đồng/HSSV. Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó phòng HSSV Sở GD-ĐT cho biết: “Ngay sau khi có nguồn kinh phí này, cán bộ y tế trường học phải xây dựng kế hoạch CSSKBĐ. Trong đó phải chú trọng đến công tác khám sức khỏe định kỳ đầu năm học, mua thuốc và trang thiết bị vật tư y tế cho phòng y tế của trường, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe và phòng bệnh cho HSSV…”.
Đó là đối với các trường từ tiểu học trở lên, do HSSV thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHYT. Còn mầm non, trẻ đều dưới 6 tuổi thuộc diện miễn phí nên các trường sẽ không có khoản trích lại làm kinh phí CSSKBĐ. Trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở khu vực trường mầm non là rất lớn. Bằng chứng là trong mấy năm học trở lại đây, dịch bệnh tay chân miệng đã xảy ra tại không ít trường mầm non, thậm chí có HS bị tử vong. Vì vậy, năm học 2011-2012, sau nhiều lần Sở GD-ĐT TP đề nghị, UBND TP đã chấp thuận cấp kinh phí CSSK cho HS của các trường mầm non là 24 ngàn đồng/HS.
“Năm nay, kinh phí CSSKBĐ tại các trường tiểu học, phổ thông đã tăng lên trên 40 ngàn đồng/em, ngành GD-ĐT rất mong UBND TP sẽ hỗ trợ cho các trường mầm non số kinh phí tương đương”, bác sĩ Dũng mong mỏi.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)