Đồng phục HS ở Hà Nội được phụ huynh than là chất lượng không đi đôi với giá cả |
Cứ đầu năm học, các khoản phụ phí lại trở thành nỗi lo của phụ huynh. Trong đó, nỗi ám ảnh đầu tiên chính là đồng phục học sinh (HS). Đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có văn bản hướng dẫn về các khoản thu chi đầu năm nên phụ huynh tạm “yên”. Nhưng đồng phục thì vẫn phải mua và phụ huynh vẫn phải thắc mắc.
Giá… trên trời
Theo phản ánh của phụ huynh Trường THPT Vân Tảo và THPT Thường Tín, khoản đồng phục HS lớp 10 năm học 2012-2013 phải đóng gồm 2 áo sơ mi trắng mặc mùa hè, 2 áo khoác ngoài mặc mùa đông, 1 bộ tập thể dục (áo quần thun và giầy ba ta), 1 ghế nhựa/HS, 1 thẻ HS. Tổng các khoản là 1.150.000 đồng/HS. Được biết, những khoản trang phục trên Trường THPT Vân Tảo và THPT Thường Tín cùng đặt may ở cùng một cơ sở sản xuất. Một giáo viên Trường THPT Thường Tín cho biết với những trang phục như trên, trường chỉ thu của HS hơn 600.000 đồng. Trong đó các khoản sẽ được công khai trong HS và phụ huynh là 2 áo sơ mi trắng mùa hè giá 170.000 đồng, 2 áo khoác mùa đông giá 300.000 đồng, 1 bộ đồng phục tập thể dục giá 160.000 đồng.
Trong khi đó, Trường THPT Vân Tảo không hề thông báo tới phụ huynh cũng như HS chuẩn bị vào lớp 10. Chỉ khi các em tới nộp hồ sơ thì được nhà trường nói phải đóng tiền mới được nộp. Nhiều phụ huynh bày tỏ cách làm việc không minh bạch của nhà trường, nhưng cũng lo lắng nếu phản ánh nhiều thì… sợ con học ở đây sau này sẽ bị trù dập. Trường THPT Vân Tảo là trường có thầy Đỗ Việt Khoa giảng dạy. Hơn nữa, HS của Trường THPT Vân Tảo đa số là con em nông thôn.
Còn tại Trường Phổ thông đa cấp Olympia giá 2 bộ đồng phục đầy đủ cho cả mùa đông và mùa hè của HS tiểu học: Nam 4.268.000 đồng, nữ 4.466.000 đồng; THCS: Nam 5.632.000 đồng, nữ 4.554.000 đồng; THPT: Nam 6.710.000 đồng, nữ 5.830.000 đồng.
Không chỉ giá cả mà chất lượng đối với các bộ đồng phục của HS hiện nay cũng là điều đáng bàn. Có nhiều phụ huynh băn khoăn khi thấy chất lượng đồng phục chỉ tương đương hàng chợ. Trong khi đó, HS với lứa tuổi đặc thù là hoạt động nhiều, nếu chất liệu vải không tốt, không hút mồ hôi, hoặc không đủ ấm đều ảnh hưởng đến sức khỏe của HS.
Liệu có lợi ích nhóm?
Trên tinh thần của ngành giáo dục, đồng phục HS có nhiều giá trị về mặt giáo dục cũng như về mặt tinh thần. Với mỗi HS, khi được khoác trên vai logo của trường mình học đó cũng là niềm tự hào; còn với xã hội, nhìn vào logo để biết chất lượng giáo dục của mỗi trường. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, đồng phục không chỉ theo nghĩa đơn thuần như mục tiêu ban đầu ngành giáo dục đề ra. Đa số các trường đều “gắn bó” với một nhà may nhất định. Và sự “gắn bó” truyền thống này phải có sự thỏa thuận và đôi khi còn là sự ăn chia. Để kiểm soát vấn đề này nhiều phụ huynh mạnh dạn đề xuất,nhà trường nên dành thời gian tham khảo, lấy ý kiến rộng rãi trong HS về đồng phục, chứ không nên chỉ dựa chủ yếu vào các thầy cô và Ban đại diện cha mẹ HS như hiện nay. Nhà trường cũng nên công khai địa chỉ các cơ sở may để mọi người dễ dàng đến đó mua thêm hoặc may đo theo nhu cầu, tránh tình trạng độc quyền mẫu mã, “ép” HS phải may đồng phục tại trường.
Trước băn khoăn của dư luận, ngày 3-8, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thông báo đến các trường về quy định trang phục cho giáo viên, HS trước năm học mới. Theo thông báo, Sở GD-ĐT không đưa ra quy định cụ thể nào về đồng phục của các trường, mà do các trường tự thiết kế mẫu mã. Các trường không được phép ép phụ huynh phải may, mua đồng phục ở trường.
Trong thông báo này, Sở GD-ĐT Hà Nội còn nhấn mạnh, việc thực hiện tùy theo khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình HS và phải có sự thống nhất cao của phụ huynh; khi thực hiện, các đơn vị phải đảm bảo đúng phương thức mua sắm, đúng kích cỡ, màu sắc, logo của trường, giá cả, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định của tài chính; đảm bảo công khai, dân chủ.
Tuy nhiên, thông báo của sở “đến tay” các trường khi hầu hết các đơn vị đã sẵn sàng mẫu thiết kế, địa chỉ may và đã cho HS đăng kí xong việc mua đồng phục mới.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)