Chiều qua (21-8), Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo “Mô hình bán trú – thực trạng và giải pháp” trên địa bàn TP. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng nhu cầu học bán trú của HS hiện rất lớn.
|
|
|
Theo thống kê, TP.HCM có 1.675 trường học từ mầm non đến THPT, bao gồm công lập và tư thục. Trong đó, có 1.376 trường bán trú, tổ chức cho 548.144 học sinh (HS) học 2 buổi và ăn trưa tại trường. Cụ thể, ở bậc mầm non có 789 trường (99%) tổ chức bán trú; tiểu học có 487 trường (82%) và THCS có 143 trường (trên 50%)… Trong số này có 1.105 trường có bếp ăn, 272 trường đặt suất ăn công nghiệp. Tính ra mỗi ngày toàn TP có trên 5.000 HS sinh hoạt bán trú, ăn cơm trưa tại trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM – cho biết: “Hiện nay vì tính chất công việc, phụ huynh không có thời gian chăm sóc con cái trong việc ăn uống, đưa đi đón về, chính vì thế nhu cầu cho con học bán trú ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác bán trú tại các trường hiện vẫn còn nhiều khó khăn”.
Hiện nay cơ sở vật chất của hầu hết các trường chỉ đáp ứng được cho việc học tập mà không đáp ứng được sinh hoạt bán trú. Nhiều trường phải “biến” phòng học, hành lang lớp học thành khu vực ăn uống; sau ăn uống lại “biến” phòng học thành nơi để ngủ trưa cho HS. Cô Trần Thị Hoàng Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Q.Gò Vấp), cho biết công tác bán trú mầm non chủ yếu và quan trọng là chăm sóc sức khỏe cho HS… Tuy nhiên, nhiều trường chưa có phòng phục vụ ăn và ngủ riêng. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của HS. Trong khi đó, cô Vũ Thị Thơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp) lại cho rằng, người quan tâm trực tiếp đến HS là bảo mẫu, cấp dưỡng nhưng mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng/ tháng thì họ khó có thể an tâm công tác.
Có thể nói, công tác bán trú hết sức cần thiết, không đơn giản chỉ là tổ chức bữa ăn, ngủ nghỉ cho HS mà còn liên quan đến cơ sở vật chất, phương hướng hoạt động của trường… Nếu tổ chức tốt không chỉ góp phần giải quyết ổn định cho các gia đình mà còn khẳng định được vai trò của nhà trường đã chăm lo tốt cho sức khỏe HS cũng như đảm bảo tốt công việc giảng dạy. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, thiết kế trường học nên có khu vực bán trú, ngành y tế nên tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các căng tin, bếp ăn trường học thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); đặc biệt là điều chỉnh các khoản thu, tăng thu nhập cho bảo mẫu, cấp dưỡng…
Cô Vũ Thị Thơ phân tích: “Nên điều chỉnh khung thu, các khoản thu để phù hợp hơn. Chỉ có biện pháp này mới phần nào tháo gỡ khó khăn trước mắt về việc trả lương cho bảo mẫu, cấp dưỡng cũng như trang trải thêm dụng cụ phục vụ bán trú…”. Theo TS. Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận – ngành giáo dục nên để các trường được thỏa thuận mức thu với phụ huynh, căn cứ vào điều kiện từng trường nhằm đảm bảo tương đối thu nhập cho bảo mẫu, cấp dưỡng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Vào đầu năm học mới, các phòng GD-ĐT nên có những hướng dẫn, thông báo mức thu cụ thể để định hướng cho các trường. Theo đó, hiệu trưởng cũng nên cố gắng linh động, sắp xếp bố trí không gian ăn uống, ngủ nghỉ để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho HS”.
Bên cạnh đó, khâu đảm bảo VSATTP cũng là vấn đề được các trường quan tâm. Theo BS. Nguyễn Tài Dũng – Phó trưởng Phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM) – các trường nên hợp tác với các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp uy tín để nhà trường giảm gánh nặng nấu ăn trực tiếp cho HS. Ngược lại, BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM – cho biết: “Mỗi trường cần có cái nhìn toàn diện về mô hình bán trú. Nên thực hiện ở những trường có điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí… như vậy vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho HS, vừa đảm bảo công tác giảng dạy. Và khi đã tổ chức thì nên cố gắng tự nấu để đảm bảo VSATTP vì những năm gần đây, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm đều do các suất ăn công nghiệp”.
Báo Giáo dục TP.HCM xin chân thành cảm ơn Công ty TNHH Một thành viên Suất ăn Công nghiệp Tú Anh đã tài trợ hội thảo “Mô hình bán trú – thực trạng và giải pháp”. |
Ngọc Trinh
Bình luận (0)